Nội Mông - Vùng đất thảo nguyên và sa mạc

Nội Mông tên chính thức là Khu tự trị Nội Mông Cổ, thường được gọi tắt là Nội Mông, nằm ở phía Bắc của Trung Quốc. Nội Mông có biên giới với Mông Cổ và Nga. Thủ phủ của Nội Mông là Hohhot.

Nội Mông được thành lập vào năm 1947 từ một số tỉnh cũ: Tuy Viễn, Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà, Liêu Bắc và Hưng An cùng các khu vực phía Bắc của Cam Túc và Ninh Hạ. Nội Mông nằm ở phía Nam sa mạc Gobi, phía Bắc Vạn Lý Trường Thành.

Khu tự trị Nội Mông có diện tích lớn thứ 3 tại Trung Quốc, với trên 1,2 triệu km². Dù mang danh nghĩa là đất của người Mông Cổ, nhưng hiện nay đa số cư dân của khu tự trị Nội Mông là người Hán, trong khi người Mông Cổ là dân tộc thiểu số. Nội Mông là vùng đất thần bí nằm ẩn trong lòng lục địa châu Á, có một nền văn hóa vô cùng đa dạng và hấp dẫn, với sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Trung Hoa và người Mông truyền thống.

Văn hóa

Ở Nội Mông, tiếng Trung là ngôn ngữ chính thức và đưa vào giảng dạy trong các trường học. Tuy nhiên những người Mông Cổ ở đó đều biết tiếng Mông Cổ mặc dù các từ ngữ và giọng đọc giống với tiếng Mông Cổ cổ đại hơn. Giọng của người Mông Cổ bị ảnh hưởng bởi tiếng Trung đôi khi khiến người nghe khó hiểu. Văn hóa Nội Mông mang dấu ấn sâu sắc của ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng.

Trong đời sống hàng ngày âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc các tu viện và đền chùa người Mông Cổ đều ảnh hưởng Tây Tạng. Mặc dù nội dung của truyền thuyết dân gian Mông Cổ có thay đổi tùy theo vị trí và lịch sử bộ tộc hoặc thị tộc liên quan đến nguồn gốc của họ, nhưng hầu hết các thị tộc đều có truyền thuyết về người sáng lập là anh hùng hoặc linh vật thần thoại.

Lăng Thành Cát Tư Hãn.

Âm nhạc dân gian Mông Cổ rất phong phú với các nhạc cụ truyền thống kết hợp các bài hát và điệu múa thường phổ biến trong các nghi lễ, mang tính giải trí, giao tiếp, hồi tưởng lịch sử, tình bạn và sự biểu đạt sôi nổi, đồng thời thể hiện mối liên hệ chặt chẽ của từng cá nhân người Mông Cổ với văn hóa và truyền thống của họ.

Ca hát của người Mông Cổ là một hoạt động mang tính tập thể, chủ yếu diễn ra quanh lửa trại. Thể loại hát dài truyền thống (urtiin duu) đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể”.

Trang phục truyền thống trước đây của Nội Mông có tên gọi là “deel”. Sau quãng thời gian cải cách và đô thị hóa, “deel” đã bị gạt sang 1 bên và chỉ được sử dụng trong các ngày lễ quốc gia như Tsagaan và Naadam. Phần lớn người Nội Mông đều mặc theo phong cách phương Tây trong cuộc sống hàng ngày.

Vùng đất này vô cùng độc đáo với núi rừng, sa mạc và thảo nguyên bao la. Đời sống du mục, hoang dã của người dân nơi đây tạo cho Nội Mông một nét quyến rũ đặc sắc, không giống với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Khách du lịch đến đây được cảm nhận như một nhà du mục đang trên đường khám phá những tinh túy của lịch sử, cùng những công trình cổ xưa và những phong cảnh thiên nhiên thơ mộng.

Thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ

Hô Luân Bối Nhĩ được mệnh danh là thảo nguyên đẹp nhất Trung Quốc, được ghép từ 2 hồ lớn: hồ Hô Luân và hồ Bố Nhĩ. Vào mùa hè cỏ xanh bát ngát, từng đàn ngựa, đàn cừu của người dân du mục thả trên những thảo nguyên bất tận. Đến tháng 7 ở đây có rất nhiều loài hoa dại, đặc biệt là hoa thược dược tạo thành đốm trắng nổi bật giữa đồng cỏ xanh ngát.

Vào mùa thu, thảo nguyên có phong cảnh đẹp tuyệt vời, cảnh sắc lay động lòng người, sắc xanh bất tận. Nơi đây người ta gọi là "Bắc quốc bích ngọc, thiên đường nhân gian" và cũng là trang trại chăn nuôi lớn nhất thế giới.

Hô Luân Bối Nhĩ

Tu viện Wudang Zhao

Tu viện Wudang Zhao ở Bao Đầu là một khu phức hợp rộng lớn và từng là nơi cư ngụ của vị lạt ma cao cấp nhất ở Nội Mông, và hiện tại đây là tu viện Phật giáo Tây Tạng còn nguyên vẹn duy nhất ở đó.

Lăng Thành Cát Tư Hãn

Nhắc tới Nội Mông, người ta nghĩ ngay tới vị tướng nổi tiếng Thành Cát Tư Hãn. Lăng mộ của vị tướng này nằm cách Bao Đầu 185km về phía Nam. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều bảo vật còn sót lại của Thành Cát Tư Hãn như trang phục, vũ khí.

Sa mạc Ba Đan Cát Lâm

Nằm chủ yếu ở cuối phía Tây Nội Mông và giáp với tỉnh Cam Túc, sa mạc Ba Đan Cát Lâm được biết đến với nhiều hồ nước đầy màu sắc và cồn cát cao nhất thế giới. Có khoảng 140 hồ nước được tìm thấy trong sa mạc, các hồ nước này có nhiều hình dạng và phong cảnh khác nhau. Hầu hết, nước ở các hồ đều không thể uống được, vì nước bốc hơi mạnh khiến chúng trở thành những hồ nước siêu kiềm tạo.

Bảo tàng Ordos.

Ejina - Rừng cây hồ dương

Cây hồ dương là loại cây duy nhất có thể mọc ở sa mạc, nó nằm ở phía Tây của Nội Mông. Bộ rễ khỏe khoắn của nó có thể đi sâu vào lòng đất, giúp cho ốc đảo có thể chống lại việc bị nuốt chửng bởi sa mạc di động lớn thứ 2 thế giới. Đây là loại cây lâu đời nhất khu rừng này, nó đã và đang canh giữ nơi đây khoảng 800 năm. Người dân bản địa ở đây gọi nó là "cây thiêng".

Ejina rừng cây hồ dương.

Ẩm thực

Là vùng tự trị nằm liền kề với Mông Cổ, ẩm thực Nội Mông mang hơi thở của lối sống du mục và những nét rất riêng với không chỉ nguyên liệu mà cả cách chế biến khác lạ. Các món ăn độc đáo như hô bò hong gió, bánh Hada, chân cừu nướng, Kumis, trà sữa , Mutton Kebabs, Buuz…

Du khách đừng nên mải đắm chìm với cảnh sắc mà bỏ lỡ nền ẩm thực phong phú tại đây. Khám phá những món ăn ở Nội Mông sẽ giúp chuyến đi của bạn trọn vẹn hơn.

Khô bò hong gió là món ăn sau khi xử lý bằng hong gió, vẫn giữ được hương vị ban đầu của thịt bò, trở nên dễ dàng hơn trong việc lưu trữ, mang theo và có giá trị dinh dưỡng cao. Khô bò hong gió rất được người dân địa phương yêu thích và nhiều người đến Nội Mông cũng mang rất nhiều khô bò hong gió về nhà để tặng người thân và bạn bè.

Chân cừu nướng là món ăn ngon nhất của địa phương dùng để chiêu đãi khách. Nó được làm từ toàn bộ chân cừu, được ướp cẩn thận và sau đó nướng từ từ bằng than củi. Trong thời gian nướng, các gia vị khác nhau sẽ được thêm vào.

Cuối cùng, chân cừu nướng với màu sắc tươi sáng và hương vị độc đáo, đó là một trong những món ăn ngon nhất của thảo nguyên xanh thẳm này. Bên cạnh đó, thịt cừu được xem là niềm tự hào của dân du mục nên người dân nơi đây tận dụng chúng để chế biến ra nhiều món ngon.

Trong đó, đặc sắc và quen thuộc nhất là Mutton Kebabs, thịt cừu xiên nướng. Không cần tẩm ướp nhiều gia vị, chỉ cần một chút muối và thái mỏng thịt rồi xiên cùng rau, củ. Thịt cừu vừa chuyển sang màu nâu và ướm lên lớp ngoài bóng lưỡng. Khi thịt chín, vị ngọt mềm của xớ thịt thật hấp dẫn quyến rũ tất cả mọi người quây quần bên bếp than.

Bánh Hada là một món ăn nhẹ truyền thống nổi tiếng ở Nội Mông. Nhân bánh được làm từ quả khô và bánh đậu. Khi ăn vào miệng lập tức tan ngay, giòn mềm và rất ngon.

Ở Nội Mông, rượu là một thức uống thiết yếu và kumis là loại nổi tiếng nhất của địa phương này. Kumis được lên men từ sữa ngựa và có tác dụng chống cảm lạnh và thúc đẩy lưu thông máu, giúp chống lại cái lạnh của Nội Mông.

Trà sữa được xem là “Tiên thảo linh đan” ở Nội Mông. Người dân địa phương sẽ thêm hồng trà vào sữa tươi, rắc một chút muối mịn, bơ và các sản phẩm từ sữa khác để bắt đầu thưởng thức. Buuz, một biến thể của bánh bao là món bánh với lớp vỏ bột mỏng với nhân rất đầy đặn bằng thịt bò hoặc thịt cừu được băm nhỏ với hành tây, tỏi và tiêu, và sau đó hấp. Bánh có hình thức tương tự như bánh bao, tuy nhiên, hương vị đậm đà, sắc nét hơn.

Nội Mông là cái tên nghe có vẻ còn khá xa lạ đối với ngành du lịch, nhưng ít ai biết rằng đây chính là điểm dừng chân khá lý tưởng, là một "thiên đường" mới dành cho những tín đồ du lịch đang muốn khám phá và kiếm tìm một thế giới thiên nhiên thanh bình, một nền văn hóa dân tộc thú vị.

Fahoka Xê Dịch

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/noi-mong-vung-dat-thao-nguyen-va-sa-mac-post110667.html