Truyền thông Cuba, Mexico đưa tin đậm nét về Chiến thắng 30/4, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam

Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng rõ nét cho tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.

Bài viết “Việt Nam rực sắc đỏ mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đăng trên Prensa Latina, ngày 30/4. (Ảnh chụp màn hình)

Hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba ngày 30/4 đăng tải bài viết “Việt Nam rực sắc đỏ mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, trong đó nêu bật hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp phố phường mừng ngày toàn thắng 30/4.

Trong bài viết, tác giả Moisés Pérez Mok - Trưởng cơ quan thường trú của Prensa Latina tại Hà Nội - bày tỏ ấn tượng trước không khí mừng ngày đất nước thống nhất, non sông một dải mà cả dân tộc Việt Nam đã chờ đợi hàng chục năm. Những tấm áp phích khổng lồ và nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức để kỷ niệm sự kiện cách đây 49 năm (30/4/1975-30/4/2024), đồng thời truyền tải những giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết dân tộc đến thế hệ trẻ.

Nhà báo Moisés Pérez Mok cho biết, đây cũng là dịp để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với Cách mạng nhân ngày lễ trọng đại này.

Prensa Latina khẳng định, Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng rõ nét cho tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.

Bài báo nhấn mạnh: “Sự kiện này đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở Việt Nam, kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và mở ra kỷ nguyên mới ở Việt Nam. Cả nước bắt đầu cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Theo hãng thông tấn Mỹ Latinh, Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang xuất sắc nhất, biểu tượng chói lọi về thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ nhân loại, đồng thời ghi dấu trong lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Prensa Latina dẫn nhận định của truyền thống quốc tế nêu bật những thành tựu kinh tế đáng chú ý mà Việt Nam đạt được sau khi thống nhất đất nước. Nền tảng của những tiến bộ đó là công cuộc Đổi mới được Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua. Đổi mới đã giúp Việt Nam từng bước sửa đổi cơ cấu kinh tế của đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến năm 2019, Việt Nam đã đứng thứ 8 trên thế giới và thứ 2 ở Đông Nam Á về tốc tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là nền kinh tế lớn thứ 22 trên thế giới về xuất khẩu. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2026 là GDP đứng thứ 2 khu vực sau Indonesia và đến cuối năm 2029 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới.

Hình ảnh Hà Nội rực rỡ mừng 49 năm thống nhất đất nước được đăng tải trên tờ Prensa Latina.

Trong khi đó, ngày 30/4, tờ Regeneracíon - kênh truyền thông chính luận của đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền tại Mexico - đã đưa tin đậm nét về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4, cũng như những thành tựu của Việt Nam trên chặng đường tái thiết và phát triển đất nước.

Mở đầu bài viết, Regeneracíon khẳng định, lịch sử Việt Nam sẽ mãi khắc ghi những thời khắc của ngày 30/4/1975 như một trong những mốc son chói lọi nhất, khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, thành trì cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Đây là ngày mà nhân dân Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc khi đất nước thống nhất, Bắc Nam về chung một nhà.

Trong bài viết, tác giả Pedro Gellert nêu rõ, Chiến thắng 30/4 không chỉ thể hiện trí tuệ, tài thao lược của Đảng Cộng sản Việt Nam do vị anh hùng dân tộc, huyền thoại Hồ Chí Minh dẫn dắt, mà còn thể hiện khí phách anh dũng, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Chiến thắng này đã chấm dứt hơn 20 năm chiến tranh, mở ra kỷ nguyên mới của hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, thắng lợi này của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi chung của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới, để lại nhiều bài học quý báu, đặc biệt là hình ảnh một dân tộc nhỏ bé vẫn có thể giành chiến thắng trước quân xâm lược mạnh hơn nhiều, một khi dân tộc đó hội tụ được tinh thần dũng cảm, khối đoàn kết, được dẫn dắt bởi một đường lối chính trị đứng đắn cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Theo nhà báo lão thành Pedro Gellert - cố vấn truyền thông cao cấp của đảng Morena cầm quyền, sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là nguồn cổ vũ, tạo tiền đề để Việt Nam thực hiện công cuộc tái thiết và phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

Giờ đây, sau 49 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Việt Nam vẫn đang không ngừng nỗ lực để ngày một nâng cao mức sống của người dân. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm từ 6-6,5%, tăng trưởng của Việt Nam suốt 30 năm qua luôn duy trì ở mức cao trên thế giới.

Đáng chú ý, theo tờ Regeneracíon, trong 4 năm liên tiếp, từ 2016-2019, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, đồng thời là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Cụ thể, GDP tăng 8,02% vào năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2011, 5,05% vào năm 2023 và dự báo đến năm 2024 sẽ đạt 6-6,5%.

Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư quốc tế. Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Về quan hệ đối ngoại, tờ Regeneracíon đánh giá vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 30 quốc gia, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Ở cấp độ đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn như LHQ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM). Ngoài ra, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công các sự kiện lớn, cũng như đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch ASEAN.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truyen-thong-cuba-mexico-dua-tin-dam-net-ve-chien-thang-304-danh-gia-cao-thanh-tuu-phat-trien-kinh-te-cua-viet-nam-269708.html