Còn sức khỏe là còn cống hiến (kỳ cuối)

Ngày tháng Tư lịch sử, dưới tán dừa mát rượi, ngồi nghe người thương binh sắp 80 tuổi Nguyễn Thanh Điềm kể chuyện, chúng tôi ngẫm ra một điều, trong lịch sử chiến tranh, hiếm có điệp viên nào lại như ông. Chỉ trong một thời khắc lịch sử của dân tộc nhưng ông đã tham gia chiến đấu ở ba mặt trận với nhiệm vụ khác nhau và đầy khó khăn, thử thách nhưng nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc.

Thành tích của người chiến sĩ không quân hàm này rải rác ở nhiều địa phương, tất cả đều thể hiện tài trí, lòng dũng cảm và đặc biệt là sự trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Điều quý giá nhất, đó là tinh thần tiến công Cách mạng trong ông cho đến giờ vẫn còn tươi rói…

Truy tỉnh trưởng trốn ở nhà… “bồ nhí”

Xế chiều ngày 30/4/1975, Tư Điềm được thông tin dù Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện từ trưa cùng ngày nhưng ở Bến Tre, tên đại tá tỉnh trưởng Phạm Chí Kim vẫn quyết tử thủ, lực lượng VNCH nhiều nơi tại “đảo dừa” vẫn chưa chịu buông súng. Đặc biệt, tên đại úy Chương, đại đội trưởng Đại đội pháo binh Sân bay Tân Thành vẫn ngoan cố, hung hãn cho bắn hàng trăm quả đạn pháo vào vùng giải phóng…

Thương binh Nguyễn Thanh điềm nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thiện nguyện.

“Tôi được lệnh về Bến Tre gấp. Về đến Châu Thành - nơi Ban chỉ huy Quân báo tỉnh đóng quân, trong đêm 30/4/1975, gặp lại nhiều anh em, đồng đội cũ trong ngày giải phóng, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Các anh lãnh đạo nói nhiệm vụ của tôi là phối hợp với Binh vận liên lạc, kêu gọi tên Kim và Chương đầu hàng”, Tư Điềm kể và cho biết, sở dĩ được giao nhiệm vụ này là bởi với danh nghĩa là con nuôi tướng Đảo, ông từng là bạn cùng ăn chơi, nhảy đầm với đại tá Kim và đại úy Chương.

Không chần chừ, Tư Điềm liên lạc ngay với đại úy Chương, yêu cầu tên này đầu hàng. Ông cũng thông tin cho Chương những diễn biến mới nhất từ sau khi “cánh cửa thép Xuân Lộc” thất thủ, đó là tướng Nguyễn Khoa Nam biết không thể giữ vững được Vùng 4 Chiến thuật nên đã tự sát; tướng Đảo nghe lời ông cũng đang ra trình diện với chính quyền cách mạng; đại tá tỉnh trưởng Phạm Chí Kim thì đang bỏ trốn. Tuy nhiên, Chương vẫn ngoan cố, cho rằng do có nợ máu với nhân dân và cách mạng nên sợ khi ra hàng, sẽ bị giết. Đêm đó, Chương còn cho bắn hàng trăm quả pháo xuống khu vực Đồng Gò để cản đường tiến quân của ta.

“Tôi vẫn kiên trì thuyết phục và kèm răn đe. Khoảng hơn 2 giờ sáng 1/5 qua bộ đàm, tôi nói nếu không đầu hàng, anh sẽ bị tiêu diệt tức khắc. Biết không còn đường lui, Chương chấp nhận đầu hàng”, ông Tư Điềm nhớ lại.

Với đại tá Kim, dù tuyên bố và kêu gọi cấp dưới tử thủ, nhưng đến 3 giờ sáng 1/5/1975, đã trốn khỏi Kiến Hòa. “Bằng mọi giá phải truy bắt cho bằng được đại tá Phạm Chí Kim về cải tạo” - chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Quân quản là như thế nhưng thú thật khi đó, không ai biết Kim trốn ở đâu, còn trong nước hay đã ra nước ngoài?

“Tôi được giao nhiệm vụ phải gấp rút tìm nơi ẩn trốn của đại tá Kim. Tôi nhớ trước đó, có lần Kim liên lạc với tướng Đảo hẹn sẽ cùng về Biên Hòa để bàn tính chuyện… hậu chiến. Thế là tôi tranh thủ thông tin từ ba nuôi và được biết, Kim chạy về Cầu Hang, thuộc TP Biên Hòa và đang trốn ở nhà… vợ bé”, Tư Điềm kể.

Được thông tin đắt giá này, Tỉnh đội Bến Tre lập tức phân công một đồng chí Tỉnh đội phó, một số cán bộ cấp dưới cùng Tư Điềm lên đường đi Biên Hòa”.

Khi Tư Điềm cùng lực lượng bất ngờ ập vào nhà vợ bé, Kim nhìn thấy Tư Điềm liền giả lả “người quen cả mà”. Tuy nhiên, khi một cán bộ Quân báo nghiêm giọng: “Chúng tôi thừa lệnh Ban Quân quản tỉnh Bến Tre lên mời ông về Bến Tre để bàn giao”, thì tên Kim xuống nước: “Tôi chấp hành nhưng do tôi có nhiều nợ máu với dân Kiến Hòa nên để đến tối, tôi đi về cùng các ông cho an toàn”. Tất nhiên, lời đề nghị này không được chấp nhận. Tư Điềm kể hôm đó, ông cùng anh em về tới Bến Tre gần 2 giờ sáng.

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện, được động viên, thăm hỏi nhẹ nhàng, đại tá Kim đã bộc lộ thái độ thành khẩn. Sau đó, Kim bàn giao toàn bộ hồ sơ mạng lưới tình báo đã cài cắm và tích cực động viên nhiều đối tượng cấp dưới thật thà khai báo, cộng tác với cách mạng để được hưởng chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng…

Mãi trung thành với Tổ quốc, với nhân dân

Nhiều năm trước, khi gặp một số cựu trinh sát vũ trang An ninh T4, trong đó có Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Mến, chúng tôi cũng từng nghe kể về vai trò của J2, tức Tư Điềm cùng tham gia với bà trong nhiều trận đánh vào trung tâm đầu não của địch, làm chấn động chính quyền Sài Gòn trong năm 1970. Đó là trận đánh vào Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia; Ty Cảnh sát Gia Định (Bốt Hàng Keo - Bà Chiểu); trại Cảnh sát dã chiến AMAX; tòa soạn báo Dân Ý…

Cùng với thành tích khác mà ông với bí số D.104 tiêu diệt những tên tình báo CIA; sĩ quan an ninh quân đội Sài Gòn khét tiếng ác ôn ở Bà Rịa, Long Khánh, Đồng Nai,… và hàng chục vụ án phản động âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng sau 1975 ở miền Nam, ông Tư Điềm nói, nếu kể chi tiết “có khi vài tháng trời kể cũng chưa hết”.

Có một điểm rất đáng quý ở Tư Điềm, đó là tinh thần luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”. Nhớ lại lần ông kịp báo trước một đêm về kế hoạch địch thả 2 quả bom CBU-55 xuống Dầu Giây vào sáng 16/4/1975, giọng ông trầm xuống: “Quân giải phóng thiệt mạng không nhiều nhưng người dân chết không ít, do ta không còn thời gian di tản”.

Cũng chuyện thương dân, Tư Điềm nhớ lại lần cùng hai nữ trinh sát An ninh T4 Nguyễn Thị Mến và Lâm Thị Trang (Bảy Ốm) thực hiện phương án tấn công Ty cảnh sát Gia Định trên đường Chi Lăng (nay là đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) - nơi có nhiều cảnh sát nổi tiếng ác ôn.

Hôm đó, sau khi phương án được trên thống nhất, từ một căn nhà nằm sâu trong hẻm trên đường Dương Bá Trạc (nay là quân 8, TP Hồ Chí Minh), J2 chở 2 nữ trinh sát (tất cả đều giả làm công nhân phụ hồ) qua cầu Chữ Y, xuống đường Trần Hưng Đạo rồi di chuyển về hướng cầu Thị Nghè. Tuy nhiên, khi đến chân cầu (phía sở thú) thì cả ba khựng lại do trên cầu xảy ra sự cố giao thông, người và xe ken kín; bọn cảnh sát mật vụ ngụy đã chốt chặn dày đặc trên cầu, mọi lối ra gần đó đều bị bịt kín.

Tình thế căng thẳng đến nghẹt thở khi mìn trong giỏ đã hẹn giờ, nếu thả xuống dòng nước, có khả năng mìn nổ gây sập cầu sẽ khiến hàng trăm, hàng ngàn người dân vô tội thiệt mạng. Ngược lại, mìn nổ trên cầu thì con số thương vong chắc chắn gấp nhiều lần.

“Thà cả ba hy sinh, tuyệt đối không để dân thường bị thương” - cả nhóm hội ý, thống nhất. J2 quen sông nước, lại hệt nông dân nên được giao bằng mọi giá phải mang mìn giấu trong lon sữa guy-gô, vượt rạch Thị Nghè. Trinh sát Mến nhanh trí xì bánh xe Honda và dắt vào tiệm sửa xe, gởi đó rồi mượn tạm chiếc xe đạp của chủ tiệm. Bảy Ốm vác xe đạp trên vai, nép mình sát lan can đi bộ qua cầu Thị Nghè. Còn J2 vào vai một người dân nghèo đi hái rau muống, lặn ngụp dưới dòng nước đen đặc.

Mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch. Gặp nhau tại điểm hẹn, J2 cùng nữ trinh sát chạy hết tốc lực về phía bót Hàng Keo… Trận đó, 25 cảnh sát đặc biệt của địch, trong đó có 4 tên thẩm vấn tù chính trị khét tiếng ác ôn bị tiêu diệt.

Trò chuyện với chúng tôi, Tư Điềm bộc bạch rằng, tuổi thơ ông từng cõng con địa chủ đi học, và ông chỉ được… học mót. Khi tham gia cách mạng, làm du kích xã, ông từng lặn xuống sông vớt cát trải đều trên khung nan tre thay tờ giấy rồi dạy cả đội du kích biết chữ và ông trở thành thầy giáo bất đắc dĩ. “Không có chữ là ngu dốt cả một đời”, ông từng nói với chúng bạn cùng lứa như thế. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng hơn hết vẫn là lý tưởng cách mạng. Sống phải có lý tưởng rõ ràng để dấn thân, phấn đấu và hy sinh.

Xem nhiều huân - huy chương, bằng khen, kỷ niệm chương của Tư Điềm, chúng tôi thắc mắc sao không làm thành tích đề nghị danh hiệu Anh hùng, ông nói: “So với bao nhiêu đồng đội đã mãi mãi nằm xuống, mình còn sống đến từng tuổi này đã là phúc phần lắm rồi”. Ông nói điều này làm cho chúng tôi càng hiểu thêm vì sao khi về hưu gần 20 năm trước, ông cất một ngôi nhà nhỏ dưới tán dừa mát rượi. Bên trong ngôi nhà ấy, bên cạnh bàn thờ Phật, ông bà cha mẹ, ông còn trang trọng thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Định.

Nhắc đến cô Ba Định, ông xốn xang. “Cô Ba từng ẩn nấp trong nhà bà nội của tôi để hoạt động. Có lần, bà căn dặn tôi: Đất nước, quê hương, đồng bào ta đang bị bọn thực dân, đế quốc đàn áp, bắn giết dã man. Con là trai lớn lên phải nối tiếp truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, tham gia cách mạng để giải phóng quê hương”, ông nhớ lại và cho biết, cảm thấy mãn nguyện khi đã phần nào làm được tâm nguyện của cô Ba.

“Bến Tre là tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ đứng sau Quảng Nam về sự mất mát hy sinh, với hơn 35 nghìn liệt sĩ, hơn 20 nghìn thương binh, hàng nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng... Chiến tranh lùi xa ngót nửa thế kỷ rồi, nhưng giờ nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt, chưa có tên trên bia mộ, gia đình chính sách nói chung còn khó khăn về nhà ở; học sinh còn khó khăn khi đến trường. Nên tôi nghĩ mình còn khỏe, chân còn bước đi được thì cố gắng, đến lúc tàn hơi, nhắm mắt thì thôi”. Chính từ tấm lòng này, mà hàng chục năm qua, ông Tư Điềm vẫn luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của một cựu chiến binh, đặc biệt là một hội viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội phát triển nguồn lực Tri ân liệt sĩ phía Nam.

Gần một năm trước, 6/2023, có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu khánh thành công trình khôi phục di tích lịch sử chùa Bảo Ân - địa chỉ từng là nơi ẩn náu, hoạt động, hy sinh của nhiều chiến sĩ Cách mạng, Giám đốc Trung tâm UNESCO, nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam Ngô Văn Quán cho biết không chỉ tích cực vận động phục hồi di tích này, thời gian qua, ông Điềm còn xây dựng đền thờ Trần Nhân Tông, đền thờ Bác Hồ, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, cầu nông thôn, tặng gạo, tập vở cho học sinh khắp từ Nam chí Bắc với số tiền khoảng 500 tỷ đồng. Tại xứ Dừa Bến Tre - nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông Tư Điềm đã vận động hỗ trợ xây dựng 178 căn nhà tình nghĩa, tình thương, tặng cầu giao thông nông thôn và hàng trăm xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học,… tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

“Riêng với thành tích cống hiến cho cách mạng, có thể nói, đồng chí Nguyễn Thanh Điềm là một tình báo mang nhiều bí số nhất, là người có nhiều đóng góp với sự ghi nhận của các đồng đội cùng chiến đấu. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã tập hợp nhiều giấy xác nhận của đồng đội cùng chiến đấu và đề nghị các cấp có thẩm quyền tuyên dương Anh hùng cho đồng chí Nguyễn Thanh Điềm”, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre thông tin.

Với điệp viên Nguyễn Thanh Điềm, góp phần vào chiến thắng 30/4/1975 chưa phải là trận đánh cuối cùng của ông. Sau ngày đại thắng, ông Tư Điềm cũng “bị” vào trại cải tạo cùng với nhiều binh lính, sĩ quan chính quyền Sài Gòn. “Tôi thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và sự chỉ đạo tuyệt mật của ngành Công an. Nhiệm vụ chiến sĩ tình báo trong thời bình cũng rất cam go. Trong trại, nhiều người nhớ và nhắc “ca sĩ Thanh Phương, con nuôi của tướng Đảo”, mòn đít ở nhiều sòng bạc trước 30/4”, ông giọng dí dỏm kể.

Và trong trại “cải tạo” những năm đầu sau giải phóng, ông đã phục vụ cho lực lượng Công an phá rất nhiều vụ án, trong đó trực tiếp tham gia phá hàng chục tổ chức phản động, chống phá chính quyền cách mạng, gồm: Mặt trận Quốc gia giải phóng, Mặt trận Liên tôn phục quốc, Mặt trận Việt Nam quốc dân khởi nghĩa, Mặt trận giải thể Cộng sản, Mặt trận Thanh niên Việt Nam ái quốc, Mặt trận Hoa nở về đêm, Mặt trận Đại Đồng, Mặt trận Liên bang Đông Dương, Mặt trận Chính nghĩa quân phục quốc, đảng cướp Hắc Long (con Rồng đen). Đầu năm 1977, 5 tổ chức phản động được thành lập trên địa bàn tỉnh với âm mưu chống phá nhằm lật đổ chính quyền cách mạng (gồm: Việt Nam quốc dân khởi nghĩa, Khu chiến thuật Bảo Giang, Chỉ nguyện quân Việt Nam, Dân tộc tự quyết và Thanh long phục quốc) đã bị Tư Điềm vạch mặt và đã báo cáo với tỉnh Bến Tre. Sau đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Bến Tre và Công an Đồng Nai lập chuyên án và tiêu diệt các tổ chức phản động này.

Cao Dũng – Thái Bình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/con-suc-khoe-la-con-cong-hien-ky-cuoi--i729912/