Bên Lán Nà Nưa…

Tháng Tư, những cây lim xẹt ở 2 bên con đập băng qua suối Khuôn Pén dẫn vào di tích Lán Nà Nưa (Tuyên Quang) đơm hoa vàng ruộm, đẹp đến ngẩn ngơ khiến ai ngang qua cũng phải tần ngần dừng bước để lưu giữ cho mình một vài bức ảnh. Hình như cây cũng như người, luôn thao thức nỗi nhớ nên mới tháng Tư đã trút lá, đơm hoa để kịp mừng sinh nhật Bác!...

Dòng Khuôn Pén.

Dòng Khuôn Pén.

Chiến tranh Thế giới thứ II bước vào giai đoạn cuối, phát xít Đức trên đà bị tiêu diệt, phát xít Nhật cũng thua trận khắp nơi, nhận định thời cơ thuận lợi đang đến, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo cách mạng.

Những ngày đầu, Bác ở nhà của ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh tại làng Tân Lập. Một tuần sau, để đảm bảo bí mật và thuận tiện cho công việc, đích thân Người cùng một số cán bộ địa phương đã đi tìm nơi để dựng lán. Địa điểm được Bác chọn nằm ở lưng chừng rừng Nà Lừa, thuộc dãy núi Hồng. Dưới chân rừng Nà Lừa là dòng suối Khuôn Pén và một tràn ruộng bậc thang. Tên gọi Nà Lừa xuất phát từ tên khu ruộng này, tiếng Tày là Nà Nưa (nà có nghĩa là ruộng, nưa có nghĩa là ở trên). Lán có tên Nà Nưa (hay Nà Lừa) là vì thế.

Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, rộng chừng hơn 10m2. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa, mặt sàn cũng được đan bằng phên nứa. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối.

Trước căn lán đơn sơ không bao giờ vắng bóng hoa tươi và những nén hương ngào ngạt tỏa .

Trước căn lán đơn sơ không bao giờ vắng bóng hoa tươi và những nén hương ngào ngạt tỏa .

Tại Lán Nà Nưa, Bác đã chỉ thị thành lập Khu Giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang- Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân Giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh. Tân Trào được chọn làm Thủ đô của Khu Giải phóng, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ đây mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi trong cả nước.

Cuối tháng 7/1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, lại thêm sức khỏe giảm sút nhiều trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù đế quốc nên Bác bị ốm nặng có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Một hôm lên báo cáo công việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy Bác rất yếu, nên đã xin phép được nghỉ lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập!”. Và với quyết tâm sắt đá ấy, Người đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thành công, giữa mùa thu tháng Tám, Việt Nam ta từ đêm đen nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”…

 Các cháu học sinh vào viếng di tích và báo công lên Bác.

Các cháu học sinh vào viếng di tích và báo công lên Bác.

Không nhớ đã là lần thứ bao nhiêu trở lại nơi này, điều mà tôi để ý thấy là trước căn lán đơn sơ ngày xưa Bác ở không bao giờ vắng bóng hoa tươi và những nén hương ngào ngạt tỏa. Đó là hương và hoa của các thế hệ con dân đất Việt từ mọi miền Tổ quốc tìm về kính dâng lên Bác. Ai cũng muốn được một lần tận thấy nơi mà Bác kính yêu của chúng ta từng sống và làm việc trong những ngày đầu cách mạng, để cảm niệm, để tri ân, để nghĩ về trách nhiệm của bản thân với tiền nhân, với đất nước. Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Đạo lý ấy, truyền thống ấy là một nét văn hóa đẹp, kết tinh thành sức mạnh và sức sống trường tồn của dân tộc.

Hiền An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/ben-lan-na-nua-140969.html