Cách tránh lừa đảo, 'chặt chém' giá để niềm vui nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trọn vẹn

Chuyên gia đưa ra một số lời khuyên hữu ích dành cho các gia đình đi du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, phòng tránh bị lừa đảo, 'chặt chém' giá cả.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày nên nhiều gia đình có kế hoạch đi du lịch, nghỉ dưỡng ở nơi xa. Để kỳ nghỉ lễ an toàn, trọn vẹn, luật sư, chuyên gia tâm lý tội phạm Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law Firm) đưa ra một số lời khuyên cho các gia đình.

Cẩn trọng khi đặt tour du lịch

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch. Nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng khách sạn, vé máy bay của những công ty hoặc ứng dụng du lịch uy tín. Người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch.

Người dân cần cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá quá rẻ; chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên miền (tên trang giả mạo gần giống website thật nhưng có thêm một số ký tự).

Sau khi đặt phòng khách sạn hoặc vé máy bay, cần xác nhận lại thông tin đặt phòng (từ khách sạn đã đặt), thông tin vé máy bay (từ hãng). Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.

Nhiều gia đình chọn đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. Ảnh bãi biển Sầm Sơn: Lê Dương

Thống nhất giá tiền trước khi ăn uống, đi lại

Đối với việc di chuyển bằng taxi trong những ngày nghỉ lễ, bà Ngô Huỳnh Phương Thảo khuyến cáo: “Trước khi lên xe, mọi người nên hỏi rõ giá và yêu cầu lái xe bật bảng hiển thị thông tin kilomet và số tiền. Mọi người phải đặt xe qua các app uy tín để có mức giá phù hợp và đảm bảo quyền lợi khi có vấn đề xảy ra”.

Đối với việc ăn uống, khi vào nhà hàng, mọi người nên xem kỹ bảng giá có sẵn trong menu, sau đó mới gọi các món ăn.

Trường hợp không có menu, khách nên hỏi trực tiếp nhân viên nhà hàng, thậm chí chủ nhà hàng để được thống nhất giá trước khi sử dụng đồ ăn.

Việc làm trên để tránh những nhà hàng không đề bảng giá các món ăn, chỉ thể hiện trên hóa đơn thanh toán. Có trường hợp khách thắc mắc giá lại bị đe dọa hành hung, phải "cắn răng" trả tiền.

Ngoài ra, khi thanh toán tiền ăn ở các nhà hàng, quán ăn... bằng thẻ tín dụng, người dân cần kiểm tra kỹ hóa đơn, đề phòng nhân viên cố ý bấm sai số tiền phải trả để chiếm đoạt số tiền chênh lệch.

Xử trí khi bị chèo kéo, 'chặt chém' giá

Trong dịp nghỉ lễ, du khách có thể bị những người bán hàng rong chèo kéo, bán các sản phẩm đắt hơn nhiều lần giá trị thật ở các địa điểm du lịch. Vì vậy, du khách chỉ nên mua hàng khi có giá cụ thể và nên tham khảo giá các mặt hàng trước khi mua.

Để tránh tình huống bị chèo kéo, mời chào chụp ảnh ở các địa điểm du lịch, sau đó thợ ảnh gây sức ép đòi tiền cao hơn so với thị trường, du khách kiên quyết không sử dụng dịch vụ chụp ảnh này khi không có nhu cầu.

Người dân đi du lịch bằng xe cá nhân thì nên gửi vào những điểm được quy định, không gửi tại nơi tự phát, nếu có phải thỏa thuận giá trước.

Nếu du khách có nhu cầu mua sắm, phải tham khảo thông tin về địa điểm mình tới mua. Khi mua nên hỏi giá kỹ, nếu có dấu hiệu bị "chặt chém" thì từ chối mua hàng ngay.

Khi xảy ra trường hợp bị ép giá hoặc tranh cãi, du khách nên liên hệ ngay với lực lượng bảo vệ, cơ quan quản lý để được hỗ trợ giải quyết.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-tranh-lua-dao-chat-chem-gia-de-niem-vui-nghi-le-30-4-1-5-tron-ven-2274898.html