Thấp thỏm giáo viên… hợp đồng

Rất nhiều giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục ở Nghệ An không được chính thức là 'nhà giáo có biên chế', có nhiều trường hợp đã hợp đồng hơn 20 năm. Trong khi đó, 'cánh cửa' biên chế mà họ chờ đợi lại quá hẹp vì chỉ tiêu phân bổ quá ít.

Phận giáo viên hợp đồng

Thầy Hồ Anh Dũng (45 tuổi- quê xã Quỳnh Hậu) là giáo viên hợp đồng tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã trải bao cay đắng, vất vả với danh phận bấp bênh của mình.

Thầy Dũng kể, tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ năm 2006, thầy Dũng về quê, được Trường THCS Quỳnh Tân ký hợp đồng vào dạy. Đến năm 2008, sau thời gian phấn đấu, thầy được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng bằng hình thức hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Dù mức lương ít ỏi, nhưng với niềm đam mê nghề giáo, thầy Dũng vẫn không từ bỏ, chờ đợi một ngày được ghi nhận để tuyển vào biên chế. Tuy nhiên, cứ hết đợt tuyển dụng này đến đợt khác, thầy Dũng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng của huyện.

Thầy Dũng có thâm niên 18 năm làm nghề giáo, nhưng vẫn chưa được vào biên chế.

Thầy Dũng có thâm niên 18 năm làm nghề giáo, nhưng vẫn chưa được vào biên chế.

"Đã 16 năm là giáo viên hợp đồng, đến lúc tôi cảm thấy mệt mỏi. Năm 2008, mức lương của tôi khoảng 1 triệu đồng/tháng, sau đó nâng dần lên hơn 3 triệu đồng. Vợ cũng chỉ là công chức xã, mức thu nhập thấp nên phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Đến năm 2023, mức lương của những giáo viên được điều chỉnh theo vùng, nâng lên 4,9 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui đó chỉ kéo dài đúng 1 năm..." - thầy Dũng tâm sự.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng thầy Dũng luôn hy vọng huyện sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên trong vài năm tới, khi đó thầy được vào biên chế, sẽ chính thức thôi thấp thỏm, lo lắng.

Ngoài thầy Dũng, ở huyện Quỳnh Lưu còn có 8 trường hợp khác, trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Linh (41 tuổi), hiện là giáo viên dạy môn Ngữ văn. 18 năm trước, cô Linh Phương tốt nghiệp và được nhận về dạy hợp đồng "trong chỉ tiêu biên chế" tại Trường THCS Bá Ngọc (huyện Quỳnh Lưu).

Cô Linh tốt nghiệp Trường Đại học Vinh từ năm 2006, rồi xin về quê làm giáo viên hợp đồng, mang theo hy vọng một ngày được vào biên chế. Năm 2009, cô lấy chồng ở tận TP. Vinh. Dù quãng đường đến trường xa xôi nhưng cô vẫn không từ bỏ nghề giáo. Mỗi buổi sáng cô phải thức dậy từ 4h, bắt xe bus hoặc chạy xe máy vượt gần 70km tới trường làm việc, tối lại quay trở về nhà ở TP. Vinh. "Chồng là bộ đội, công tác ở xa nên mỗi ngày tôi đều phải về nhà ở TP. Vinh", cô Linh kể.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn rất nhiều giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong đó không ít người đã công tác trên dưới 20 năm.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn rất nhiều giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong đó không ít người đã công tác trên dưới 20 năm.

Như bao giáo viên khác, cô Linh khát khao được đi dạy, nhất là ở nơi gần gia đình. Vì vậy cô nỗ lực trong công việc chuyên môn, tham gia nhiệt tình nhiều hoạt động của nhà trường. Thế nhưng hơn 18 năm mòn mỏi, cô vẫn chỉ được dạy hợp đồng. 18 năm trôi qua, bao nhiêu nhiệt huyết với nghề được chính thức là "nhà giáo có biên chế" trong cô cũng cạn kiệt dần.

Qua tìm hiểu của phóng viên, ở huyện Quỳnh Lưu hiện có 9 giáo viên hợp đồng cấp THCS. Họ đều đã tốt nghiệp đại học sư phạm và được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng về giảng dạy có đóng BHXH. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất là 18 năm, ít cũng 12 năm. Nhiều năm nay, cứ mỗi lần vào đợt tuyển dụng giáo viên mới, những người này lại làm đơn mong được xem xét. Mới đây nhất, tháng 10/2023, khi biết tin UBND tỉnh quyết định bổ sung biên chế, trong đó có 13 chỉ tiêu biên chế cho cấp THCS huyện Quỳnh Lưu, họ lại gửi đơn "tha thiết đề nghị xem xét" tuyển dụng vào biên chế, vì tất cả đều đã công tác lâu năm. Nhưng vẫn không được chấp nhận.

"Cánh cửa" hẹp để trở thành giáo viên biên chế

Không chỉ giáo viên ở huyện Quỳnh Lưu, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn rất nhiều giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong đó không ít người đã công tác trên dưới 20 năm. Trong quá trình công tác, dù đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và được ghi nhận về năng lực chuyên môn nhưng họ chỉ mới được nhận mức lương 4,9 triệu đồng/ tháng từ đầu năm 2023.

Còn trước đó, họ chỉ được hưởng mức lương có hệ số 1,78 (mức lương nhận được là 85% của hệ cao đẳng), không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước và không được hưởng tiền đứng lớp. Tất nhiên, những giáo viên này không đủ điều kiện để được xét thăng hạng hoặc chưa từng nghĩ tới việc được bổ nhiệm.

Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện tỉnh này là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với khoảng 6.000 giáo viên.

Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện tỉnh này là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với khoảng 6.000 giáo viên.

Tại huyện Nghi Lộc do tình trạng thiếu giáo viên diễn ra quá trầm trọng, thậm chí ở bậc tiểu học, có thời điểm các trường không đủ giáo viên đứng lớp, phải "đôn" ban giám hiệu vào trực tiếp giảng dạy. Để gỡ khó, nhiều năm nay, địa phương này đã trích ngân sách mỗi năm gần 10 tỷ đồng để chi trả cho gần 270 giáo viên đang hợp đồng tại các nhà trường với mức lương 4,7 triệu đồng/1 người/1 tháng.

Tuy nhiên, việc chi trả trong thời gian tới sẽ còn khó khăn nếu tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc chi trả lương theo Nghị định số 111 và Quyết định số 4431/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.

Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện tỉnh này là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với khoảng 6000 giáo viên. Việc ít được tăng biên chế cộng với việc phải thực hiện tinh giản biên chế khiến cho hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc cho biết: "Đến tháng 2, huyện vẫn chi trả lương cho các giáo viên này theo đúng quy định nhưng sắp tới chúng tôi chưa biết sẽ có hướng xử lý thế nào nếu như tỉnh lại có văn bản tạm dừng. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động nhà trường vì đội ngũ giáo viên hợp đồng do huyện Nghi Lộc chi trả rất lớn. Trong khi đó nguồn thu của các nhà trường rất hạn chế, không có để chi trả lương cho giáo viên…".

Được biết, năm 2024 này có 5.513 đề xuất biên chế của ngành GD-ĐT của Nghệ An gửi lên Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT nhưng chưa được xem xét. Hàng ngàn giáo viên đang dạy hợp đồng nuôi ước mơ "biên chế" từ năm này qua năm khác.

Một bất cập khác hiện nay đó là Nghệ An đang thiếu hàng nghìn giáo viên nhưng cũng có hàng nghìn giáo viên hợp đồng lâu năm và sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp nhưng lại khó có cơ hội xin việc làm hoặc vào biên chế vì không có chỉ tiêu. Điều này dẫn đến sự lãng phí lao động và nguy cơ "chảy máu" nguồn nhân lực, sinh viên giỏi vì họ sẽ tìm kiếm cơ hội đến các tỉnh, thành khác.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thap-thom-giao-vien-hop-dong-169240304104525868.htm