Tháo nút thắt trong quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao

Nhiều vướng mắc, khó khăn đã được các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp làm rõ trong phiên thảo luận 'Thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao' tại Hội thảo Văn hóa 2024 sáng 12.5.

Nhà đầu tư không mặn mà

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, như các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, Bảo tàng gặp nhiều khó khăn trongviệc xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án. Bên cạnh đó, với vị trí tại trung tâm thành phố, giá thuê đất cũng là một khó khăn. Đây cũng là vướng mắc với Nhà hát Kịch Việt Nam, khi có "mặt tiền và mặt hậu của Nhà hát Lớn Hà Nội".

Còn Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Nguyễn Trọng Hổ phản ánh: theo đề án được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án ngày 10.4.2023, Khu Liên hợp được khai thác tài sản dôi dư. Tuy nhiên, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế rất lớn, cho dù được khai thác trong lúc nhàn rỗi nhưng lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng. Chính vì vậy, các đơn vị không đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc nộp thuế sử dụng đất với Khu Liên hợp cũng rất lớn; việc khai thác các tài sản sẵn có, quy định về xã hội hóa với các danh mục nhà thi đấu, sân vận động chưa rõ ràng...

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

10 năm nay, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam chưa thu hút được nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Quyền Trưởng ban Ban quản lý Làng Trịnh Ngọc Chung cho rằng, lý do là bởi vướng mắc giữa quy định của Luật Đầu tư và chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Làng được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39 năm 2014. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào Làng, nhà đầu tư không được hưởng bất cứ ưu đãi nào, nên họ không mặn mà.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty THHH BHD cho biết, các doanh nghiệp điện ảnh khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: Lâm Hiển

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty THHH BHD cho biết, các doanh nghiệp điện ảnh khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: Lâm Hiển

Đại diện doanh nghiệp, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty THHH BHD cho biết, trong 10 thiết chế làm rạp chiếu phim, có 6 thiết chế có 3 cụm rạp trở lên. Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn về nguồn vốn. Thực tế, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có hiệu lực nhưng chưa có chính sách mới về thuế cho các doanh nghiệp làm điện ảnh. Thậm chí, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đang đề xuất tăng thuế cho rạp chiếu từ 5% lên 10%. Mặt khác, tiền thuê đất với các rạp chiếu hiện đang quá cao, Nhà nước cần có chính sách để có mức thuê phù hợp hơn, và có các ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp văn hóa…

Giải quyết rốt ráo vướng mắc

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã hoàn tất công tác soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151 và đã trình Chính phủ vào tháng 8.2023 và tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ vào đầu tháng 4.2024, báo cáo Chính phủ ký ban hành.

Trong đó giải quyết cơ bản vướng mắc mà các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành văn hóa nói riêng. Từ đó làm rõ về nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết.

Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết các giải pháp giải quyết cơ bản vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa

Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết các giải pháp giải quyết cơ bản vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa

Cũng theo bà Trần Diệu An, hiện nay, Thủ tướng có giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương rà soát để ban hành nghị định liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm giải quyết được rốt ráo vướng mắc liên quan trong việc quản lý.

Liên quan đến kiến nghị về sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để đưa vào chương trình Quốc hội xin ý kiến vào tháng 10.2024, dự kiến thông qua vào tháng 5.2025. Trong đó, ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan liên quan, nội dung này cũng đã được tổng hợp vào dự thảo của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Tài chính vẫn đang xin ý kiến hoàn thiện đối với dự thảo Luật này…

Ngọc Phương - Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/thao-nut-that-trong-quan-ly-su-dung-khai-thac-thiet-che-van-hoa-the-thao-i371486/