Tái hiện lễ hội 'mừng lúa mới' của người Chu Ru

'Mừng lúa mới' là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, theo chu kỳ canh tác của cây lúa. Sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức nghi lễ 'mừng lúa mới'.

Điệu Arya quyến rũ của người Chu Ru.

Điệu Arya quyến rũ của người Chu Ru.

Ngày 25/4, đồng bào dân tộc Chu Ru tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức tái hiện lễ hội “mừng lúa mới” (Pót bơdaibơrhau). Đây là một sự kiện trong chuỗi chương trình Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023, với chủ đề “Lâm Đồng-Cao nguyên hùng vĩ”, diễn ra từ ngày 27/4 đến 3/5, tại 12 huyện, thành phố của địa phương.

Quang cảnh lễ cúng thần linh.

Quang cảnh lễ cúng thần linh.

Nghi lễ “mừng lúa mới” để tạ ơn Yàng, các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Đây cũng là dịp dân làng chung vui, hưởng thành quả công sức lao động…

Theo truyền thống, trong lễ hội “mừng lúa mới”, phần lễ được làm ở nhà và diễn ra trong một ngày một đêm. Do tính chất và quy mô của lễ hội, nên 10 đến 12 năm dân làng mới tổ chức lễ một lần. Đứng ra tổ chức lễ này là một gia đình đại diện cho cả dòng họ. Các lễ vật chuẩn bị cho lễ, gồm 1 con trâu trưởng thành, 2 con gà, 5 nải chuối, 2 ché rượu, 4 quả trứng gà (2 chín, 2 sống), 1 bát gạo, 1 đĩa trầu, 1 bát than và 1 cây nêu dùng để cột trâu.

Thực hiện nghi thức cúng thần linh.

Thực hiện nghi thức cúng thần linh.

Mở đầu lễ, già làng xuất hiện tại nơi đặt lễ vật khấn, thành kính xin các vị thần cho dân làng tổ chức lễ hội; sau đó làm lễ hiến sinh, bài chiêng mừng quan khách được tấu lên, tiếp đến là nghi thức đâm trâu; già làng làm thủ tục khai ché rượu cần, rót rượu dâng thần linh và cuối cùng là nghi thức cúng dâng vật hiến sinh (cúng chín), khấn mời thần linh về dự lễ.

Trong quá trình tổ chức lễ thức còn có đánh cồng chiêng, thổi kèn bầu và múa arya. Trong toàn bộ tiến trình của lễ thức, thầy cúng là người đóng vai trò chính, người trực tiếp liên hệ với các vị thần linh. Đồng thời, còn có các già làng đại diện cho dân làng ngồi quanh mâm cúng và tham gia vào tiến trình buổi lễ. Lễ thức kết thúc bằng nghi lễ xin âm dương, đôi cánh, đôi chân và cái đầu của con gà được thầy cúng hoặc các già làng người Chu Ru sử dụng để tiến hành nghi lễ này.

Chuẩn bị thực hiện nghi thức “ăn trâu”.

Chuẩn bị thực hiện nghi thức “ăn trâu”.

Sau khi làm lễ cúng tế thần xong, mọi người trong làng tổ chức ăn uống, múa hát linh đình.

Thông qua tái hiện lễ hội, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đây cũng là cơ sở để thể nghiệm, đúc kết về nội dung, hình thức tổ chức, hoàn thiện mô hình mẫu về lễ hội của người Chu Ru, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức các lễ hội truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các nghệ nhân biểu diễn giã gạo.

Các nghệ nhân biểu diễn giã gạo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tai-hien-le-hoi-mung-lua-moi-cua-nguoi-chu-ru-post749723.html