Sự ra đi của Tổng thống Iran ảnh hưởng thế nào đến xung đột Israel - Hamas?

Các nhà phân tích cho rằng sự ra đi đột ngột của Tổng thống Iran có thể gây chấn động nhưng không làm thay đổi đáng kể tình hình xung đột Israel - Hamas.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, một người có đường lối cứng rắn từ lâu được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở địa hình đồi núi gần biên giới Azerbaijan, vào ngày 20/5.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu trong một sự kiện vào ngày 11/2. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu trong một sự kiện vào ngày 11/2. (Ảnh: Reuters)

Giới quan sát cho rằng sự ra đi đột ngột của ông Raisi có khả năng gây chấn động khắp Trung Đông, nơi ảnh hưởng của Iran ngày càng sâu rộng nhưng không làm thay đổi đáng kể diễn biến hiện tại.

Tầm ảnh hưởng của Iran

Theo AP, Iran đã dành nhiều thập kỷ hỗ trợ các nhóm vũ trang và phiến quân ở Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và các vùng lãnh thổ Palestine, qua đó cho phép nước này phô trương sức mạnh và tăng khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công từ Mỹ hoặc Israel.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào tháng trước, khi Iran dưới sự chỉ huy của ông Raisi và Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã phóng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo vào Israel để đáp trả cuộc không kích vào Lãnh sự quán Iran ở Syria khiến hai tướng và 5 sĩ quan thiệt mạng Iran thiệt mạng.

Israel, với sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Jordan và các nước khác, đã đánh chặn được gần như toàn bộ số UAV và tên lửa. Và để đáp trả, Israel đã tiến hành cuộc tấn công của riêng mình nhằm vào hệ thống radar phòng không ở thành phố Isfahan của Iran, không gây thương vong.

Các bên đã tiến hành một cuộc "chiến tranh ngầm" với các hoạt động bí mật và tấn công mạng trong nhiều năm, nhưng vụ đọ súng vào tháng 4 là cuộc đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa họ.

Hiện trường vụ tấn công vào tòa nhà cạnh Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, ngày 1/4. (Ảnh: Times of Israel)

Hiện trường vụ tấn công vào tòa nhà cạnh Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, ngày 1/4. (Ảnh: Times of Israel)

Israel từ lâu đã coi Iran là mối đe dọa lớn nhất vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, tên lửa đạn đạo và sự hỗ trợ của nước này cho các nhóm vũ trang có xung đột với Israel.

Iran tự coi mình là người bảo trợ chính cho cuộc kháng chiến của người Palestine chống lại sự cai trị của Israel và các quan chức hàng đầu trong nhiều năm đã kêu gọi xóa sổ Israel khỏi bản đồ.

Iran đã cung cấp tài chính và hỗ trợ khác trong nhiều năm cho Hamas, nhóm chiến binh Palestine thực hiện cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, gây ra cuộc chiến ở Gaza; và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine Jihad nhỏ hơn nhưng cực đoan hơn, cũng tham gia vào sự kiện đó.

Không có bằng chứng nào cho thấy Iran trực tiếp tham gia vào vụ tấn công ngày 7/10/2023, nhưng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu, các nhà lãnh đạo Iran đã bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine.

Trong khi đó, mhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon, lực lượng quân sự được ủy quyền tiên tiến nhất của Iran, đã tiến hành một cuộc xung đột cường độ thấp với Israel kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra. Hai bên đã tấn công gần như hàng ngày dọc biên giới Israel - Lebanon, buộc hàng chục nghìn người ở cả hai bên phải sơ tán.

Ngoài ra, phiến quân Houthi ở Yemen, một đồng minh khác của Iran, đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào vận tải biển quốc tế trong cái mà họ miêu tả là phong tỏa Israel. Những cuộc tấn công đó, thường nhắm vào các tàu không có liên kết rõ ràng với Israel, cũng đã dẫn đến những sự trả đũa do Mỹ dẫn đầu.

Mọi chuyện vẫn như cũ

Theo Times of Israel, cái chết ông Raisi là một diễn biến bất ngờ vào thời điểm nhiều cuộc xung đột đang hoành hành trong khu vực, nhưng điều này có thể sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hiện tại, vì các quyết định về chính sách đối ngoại và chiến tranh của Iran đều dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.

Jason Brodsky, giám đốc chính sách của tổ chức United Against Nuclear Iran (UANI), giải thích: “Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là người thực hiện chứ không phải người ra quyết định. Vì vậy, các chính sách của Iran, các nguyên tắc cơ bản của các chính sách đó, sẽ vẫn được giữ nguyên”.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Yakov Amidror, Cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nói rằng chính Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei "mới là người đặt ra các chính sách của Iran".

Ông Amidror nhận định, những người thay thế ông Raisi và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amirabdollahian (người cũng thiệt mạng trong sự cố trực thăng) "sẽ sử dụng ngôn từ khác nhau" nhưng cuối cùng, “quá trình ra quyết định không phải do Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện”.

Được bầu làm Tổng thống Iran vào năm 2021, ông Raisi, 64 tuổi, được cho là người kế vị tiềm năng của Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.

"Một số nhà nghiên cứu Iran tin rằng ông ấy là người kế nhiệm tiềm năng”, ông Amidror nói. “Đó là điều duy nhất khiến ông ấy nổi bật”.

Sự ra đi đột ngột của Tổng thống Iran Raisi có thể không thay đổi đáng kể tình hình xung đột ở dải Gaza. (Ảnh: Reuters)

Sự ra đi đột ngột của Tổng thống Iran Raisi có thể không thay đổi đáng kể tình hình xung đột ở dải Gaza. (Ảnh: Reuters)

Nội bộ Iran

Mặc dù chính sách đối ngoại rộng rãi của Iran sẽ không thay đổi, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra biến động chính trị bất ngờ trong tầng lớp lãnh đạo cao nhất của nước này.

Theo Hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber có thể sẽ giữ chức người đứng đầu nội các trong 50 ngày tới cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức.

Theo Foreign Policy, nhìn vào danh sách ngắn những người có thể kế vị Lãnh đạo tối cao Khamenei, 85 tuổi, ngoài con trai của ông là Mojtaba Khamenei, sự ra đi của Tổng thống Raisi có thể khiến tương lai chính trị của Iran rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), chi nhánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Iran kiểm soát các khu vực lớn của nền kinh tế đất nước, cũng có thể tận dụng biến động này để tăng cường sức mạnh của mình.

Giáo sư David Des Roches tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á của Đại học Quốc phòng (Washington, Mỹ) và là cựu đại tá quân đội Mỹ, cho biết: “Không có người thừa kế rõ ràng nếu ông ấy ra đi. Điều đáng quan tâm nhất là xem liệu IRGC về cơ bản có hoàn thành một cuộc đảo chính chậm rãi hay không”.

Hoa Vũ (Nguồn: AP, Times of Israel, Foreign Policy, Jerus)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/su-ra-di-cua-tong-thong-iran-anh-huong-the-nao-den-xung-dot-israel-hamas-ar872194.html