Sự quyến rũ đến từ trí tuệ

Họ không chỉ đẹp mà vẻ quyến rũ đầy thuyết phục của họ đến từ trí tuệ. Đó là những người phụ nữ giỏi giang, quyền lực và có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen: Điềm tĩnh giữa biến động

Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận được danh hiệu "Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới", theo bình chọn của tạp chí Forbes. Để dẫn đầu trong danh sách 100 người, bà Ursula đã vượt qua Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Danh sách được xác định cho cuộc bầu chọn dựa trên 4 tiêu chí chính, gồm tài sản, mức độ phổ biến trên truyền thông, khả năng tác động và phạm vi ảnh hưởng.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Bà Ursula von der Leyen, 66 tuổi, từng giữ chức Bộ trưởng Quyền lợi phụ nữ và trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, rồi sau đó là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Đức dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel nhiệm kỳ 2013 - 2019. Tháng 12.2019, bà trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của EC - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU).

Mái tóc ngắn linh hoạt, trang phục thanh lịch, người phụ nữ nhỏ bé cao 1,61m luôn giữ phong thái bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh khiến nhiều người ví bà Ursula von der Leyen là hiện thân của sự “sự điềm tĩnh giữa những biến động" với vai trò hoạch định chiến lược cho EU.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde: Người phụ nữ của những lần tiên phong

Liên tục nằm trong top 3 những phụ nữ quyền lực nhất thế giới từ khi còn là Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, hiện là Chủ tịch Trung ương châu Âu (ECB) được đánh giá là nhân vật quyền lực nhất trong lĩnh vực tài chính quốc tế.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: deployant.com

Bà Lagarde có một sơ yếu lý lịch bao gồm nhiều lần là “người đầu tiên”: Chủ tịch đầu tiên của Công ty luật Baker McKenzie có trụ sở tại Chicago, Mỹ; người phụ nữ đầu tiên trở thành Bộ trưởng Tài chính của một nền kinh tế G7. Nữ Giám đốc đầu tiên của IMF, người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chiếc ghế Chủ tịch ECB và chắc chắn là nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đầu tiên xuất thân từ một vận động viên bơi lội của tuyển quốc gia Pháp.

Vào mùa hè năm 1968, năm đi vào lịch sử nước Pháp với cuộc biểu tình của toàn bộ giới sinh viên, trong khi các bạn học của mình xuống đường biểu tình thì Lagarde đi học bơi và giành huy chương đồng vô địch quốc gia. "Việc bơi lội đã dạy cho tôi rằng: hãy khép chặt hàm răng và mỉm cười". Triết lý sống đó thực sự đã giúp ích rất nhiều trong sự nghiệp chính trị của Lagarde: "Đó là môn thể thao của sức bền và sự chịu đựng. Bạn cần có sự tập trung cao độ và kiểm soát ý chí".

Với hàm răng trắng, làn da rám nắng, cao 1,78m cùng bờ vai nhỏ nhắn, Lagarde thường mặc trang phục của những nhà thiết kế Pháp theo phong cách tối giản. Bà là một người ăn chay, chạy bộ từ 20 đến 30km mỗi tuần và đi bơi khi có thời gian. Bà nói với một tờ báo Pháp rằng: “Chúng ta chỉ thành công khi không ngừng tiến lên. Đây là một cuộc chiến đấu vô tận. Mỗi buổi sáng, chúng ta phải mang năng lực của mình ra để kiểm tra lại một lần nữa”.

Hai “nữ tướng” trong cuộc đua Tổng thống Mexico: Tiếng nói của nữ quyền

Mexico gần như chắc chắn sẽ có nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên vào tháng 6 tới, sau khi đảng cầm quyền MORENA và liên minh Mặt trận Mở rộng đối lập đều chọn các “nữ tướng” làm ứng cử viên cho cuộc đua tới ghế tổng thống.

Theo cuộc thăm dò mới nhất, bà Claudia Sheinbaum Pardo - cựu Thị trưởng thủ đô Mexico City và là đồng minh thân cận của Tổng thống López Obrador đã nhận được 59% số ý kiến ủng hộ, cao hơn so với 36% số người ủng hộ bà Xochitl Galvez - ứng cử viên của liên minh đối lập.

Hai "nữ tướng" Xochitl Galvez và Claudia Sheinbaum Pardo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico. Ảnh: elfinanclero.com.mx

Bà Claudia Sheinbaum Pardo, 61 tuổi, một nhà vật lý có bằng tiến sĩ về kỹ thuật môi trường. Sau khi tham gia chính trường, bà trở thành quan chức môi trường hàng đầu của ông López Obrador khi ông còn là Thị trưởng Mexico City. Khi bản thân được bầu làm Thị trưởng thủ đô năm 2018, bà Claudia Sheinbaum Pardo đã coi các vấn đề giao thông công cộng và môi trường là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, ứng cử viên của phe đối lập xuất thân từ gia đình người Otomi bản địa nghèo khó, bà Gálvez từng là Thượng nghị sĩ trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023 và nổi tiếng đi xe đạp điện vòng quanh thành phố.

Với những nhà quan sát chính trị tại Mexico, cuộc đua tới ghế tổng thống giữa bà Sheinbaum và bà Gálvez không chỉ là màn đối đầu kịch tính của hai “nữ tướng” đang nổi, mà còn đại diện cho xu hướng bình đẳng giới đang lên cao trên chính trường nước này.

Giáo sư Maricruz Ocampo, nhà hoạt động nữ quyền ở bang Querétaro, nói với tờ The Times: “Đây là giấc mơ của các nhà nữ quyền” và cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới “sẽ đánh dấu một sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận phụ nữ trong chính trị”.

Trong khi đó, tiến sĩ Christopher Sabatini, thành viên cấp cao về Mỹ Latin tại tổ chức nghiên cứu chính trị Chatham House có trụ sở tại London, Anh, nhận định: “Họ thực sự đã tự mình làm được những điều xuất sắc; khẳng định nữ quyền chính là động lực và quỹ đạo sự nghiệp của họ”.

Mexico đang ở tuyến đầu trong những nỗ lực trao quyền cho phụ nữ. Hiện tại, một nửa số ghế Quốc hội ở Mexico và một nửa số ghế trong nội các Chính phủ do phụ nữ nắm giữ. Trong cơ quan lập pháp của 32 bang tại Mexico, phụ nữ chiếm 47%. 9 thống đốc bang của nước này là phụ nữ. Đầu năm nay, lần đầu tiên một phụ nữ trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Mexico.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina: Nữ nguyên thủ tại vị lâu nhất thế giới

Vào tháng 1.2024, nữ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, 78 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và là thứ 5 tính chung trong cả sự nghiệp chính trị của bà. Từng lãnh đạo Chính phủ một nhiệm kỳ 1996 - 2001 và sau đó 4 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2009 đến nay, bà Sheikh Hasina trở thành nữ nguyên thủ tại vị lâu nhất thế giới, giành chiến thắng nhiều cuộc bầu cử hơn bất kỳ nữ nguyên thủ nổi tiếng khác như Margaret Thatcher hay Indira Gandhi.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Ảnh: bssnews.net

Bà là con gái của Sheikh Mujibur Rahman, nhà lãnh đạo phong trào độc lập của Bangladesh. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1975, sau khi cha mình bị ám sát, kế thừa vị trí lãnh đạo đảng chính trị có tên gọi Liên đoàn Awami (AL) do cha mình sáng lập. Sự cứng rắn đã giúp bà khuất phục những lực lượng chống đối sau cuộc đảo chính từng đẩy bà vào tù tháng 7.2007. Nhờ sự ủng hộ của người dân, bà Sheikh Hasina đã quay trở lại lãnh đạo Chính phủ từ sau thắng lợi của cuộc bầu cử năm 2009.

Giai đoạn này chứng kiến một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở quốc gia 170 triệu dân này. Bangladesh đã đi từ chỗ chật vật để duy trì cuộc sống người dân trở thành một nước xuất khẩu lương thực lớn với GDP tăng từ 71 tỷ USD năm 2006 lên 460 tỷ USD vào năm 2022, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Nam Á, sau Ấn Độ. Bangladesh đang chuyển sang sản xuất công nghệ cao, nổi lên như một công xưởng của thế giới. Bà Sheikh Hasina tự hào rằng hiện nay ở Bangladesh “mọi người đều có điện thoại di động” và quốc gia này dự kiến thoát khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển nhất vào năm 2026.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/su-quyen-ru-den-tu-tri-tue-i362127/