Sẽ kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang rà soát, tổng kết, đánh giá Luật KTNN, từ đó sẽ đề ra phương hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có nhiều nhiệm vụ, chức năng mới, như kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng, chuyển 40 vụ việc sang điều tra

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã chia sẻ về những dấu ấn nổi bật của KTNN trong 30 năm xây dựng, phát triển và nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về kết quả kiểm toán, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, hằng năm, KTNN đã tổ chức khoảng 250 đoàn kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN kiến nghị để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho sự phát triển của đất nước; kịp thời tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.

Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra, để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 1.950 (đến ngày 15/12/2023) hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Lựa chọn lĩnh vực nóng được xã hội quan tâm

Để thực hiện tốt mục tiêu mà chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đặt ra, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Theo yêu cầu phát triển của Ngành và đất nước, KTNN sẽ ngày càng hoàn thiện hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ.

KTNN đang tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá Luật KTNN năm 2019, từ đó sẽ đề ra phương hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có nhiều nhiệm vụ, chức năng mới, đơn cử như nhiệm vụ rất mới là kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực…

Cũng theo ông Tuấn, KTNN sẽ tập trung vào chất lượng xây dựng báo cáo kiểm toán, xây dựng kế hoạch kiểm toán, lựa chọn lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội…

Phát triển kiểm toán viên “Nghệ tinh - Tâm sáng”

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của KTNN là phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công.

“Hằng năm, chúng tôi đều căn cứ vào kế hoạch của Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết với vai trò thành viên để tổ chức triển khai thật tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công”, ông Ngô Văn Tuấn.

Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước, điều quan trọng là phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan thực hiện công tác này theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN quy định thêm chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của Ngành, lãnh đạo KTNN rất quan tâm đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này; đồng thời quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành.

Ông Ngô Văn Tuấn thông tin, năm 2024, triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN đã xây dựng chương trình rất cụ thể, chi tiết, ngay từ khi đào tạo đến khi tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ quan kiểm toán đi đầu, gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/se-kiem-toan-cac-vu-viec-co-dau-hieu-tham-nhung-tieu-cuc-post1634797.tpo