Quả ngọt từ sản xuất xanh, sản phẩm sạch

Có cùng xuất phát điểm là người trẻ, công việc ổn định tại thành phố nhưng họ đã chọn rẽ hướng lập nghiệp bằng nghề nông để làm giàu ngay trên chính quê hương mình

Tháng 6 vừa qua, chúng tôi tìm đến HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước - HTX dịch vụ nông nghiệp số đầu tiên của tỉnh, và được hướng dẫn tham quan một số mô hình tiêu biểu của HTX.

Tiên phong làm nông nghiệp sạch

Mặc dù mỗi mô hình trồng những loại cây trái khác nhau nhưng đều có điểm chung là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch.

Có mặt tại vườn sầu riêng được trồng hơn 7 năm của anh Nguyễn Minh Hiếu (xã Phước Tín, thị xã Phước Long), chúng tôi khá bất ngờ khi vườn nhà có hơn 750 cây sầu riêng nhưng việc chăm sóc chủ yếu là do vợ chồng anh Hiếu đảm trách. Theo anh Hiếu, nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên nhân công giảm đáng kể. "Nếu không ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, vợ chồng tôi không thể quán xuyến công việc chăm sóc vườn cây" - anh Hiếu phân tích.

Vườn sầu riêng của anh Hiếu được canh tác theo phương pháp hữu cơ, nên phải chăm sóc rất cẩn thận, theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây. "Tôi đang áp dụng số hóa từng cây, mỗi cây là một trang web, nhật ký điện tử thông qua hệ thống các phần mềm thông minh để người tiêu dùng biết trái sầu riêng họ đang ăn có quá trình sinh trưởng, phát triển và vận chuyển như thế nào" - anh Hiếu tự tin.

Đặng Dương Minh Hoàng là kỹ sư ngành tự động hóa được đào tạo tại Pháp, chọn trở về quê nhà Bình Phước để làm nông nghiệp và định hình rõ thương hiệu "Bơ ông Hoàng".

Nông trại Thiên Nông của anh Hoàng diện tích hơn 50 ha ở huyện Bù Gia Mập, trong đó có 12 ha trồng bơ Mã Dưỡng (đặc sản của Bình Phước), còn lại là cao su và hồ tiêu. Với năng suất bình quân 100 tấn/năm, mỗi năm vườn bơ đem lại cho gia đình anh Hoàng thu nhập hơn 6 tỉ đồng sau khi trừ chi phí. "Khi làm nông nghiệp, tôi không theo cách truyền thống, mà ứng dụng hoàn toàn công nghệ, thay thế sức người. Do đó, toàn bộ nông trang của mình được lắp đặt hệ thống cảm biến, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt và châm phân tự động tới từng gốc bơ" - anh Hoàng cho hay.

Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Minh Hiếu (thứ ba, từ trái sang), thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, hiện chủ yếu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Anh Hoàng nói trái bơ Mã Dưỡng ở nông trại Thiên Nông không chỉ bán ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Hiện nay, anh đang kết nối, mở rộng thị trường sang châu Âu.

Cách làm hiệu quả của anh Hoàng được nông dân Bình Phước học hỏi, cụ thể là nhiều người cùng tham gia trồng, mở rộng diện tích trồng bơ Mã Dưỡng lên 200 ha. "Tôi quan niệm, trong nông nghiệp "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau" nên luôn mong muốn chia sẻ cách làm cho mọi người" - anh Hoàng giãi bày.

Bằng chứng là anh Hoàng đang giúp người dân trong tỉnh làm thương hiệu cho nông sản địa phương từ việc cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng nhật ký số trong sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực, cam kết giữ sản phẩm sạch và xanh.

Anh Nguyễn Minh Hiếu cũng khẳng định việc đầu tư công nghệ hiện đại giúp anh chủ động trong các biện pháp xử lý kỹ thuật ra hoa đậu trái cho vườn sầu riêng Ri6, Monthong và Musang King.

Chưa dừng lại ở việc cải tiến, anh Hiếu cho biết đang tiến tới đưa ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất nhằm hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Mặc dù chi phí đầu vào cao hơn so với làm truyền thống nhưng bù lại mình tự quyết được thị trường do công nghệ số đem lại.

Giải quyết bài toán số hóa vùng nguyên liệu

Ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở NN-PT-NT tỉnh Bình Phước đánh giá, cách làm của HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước đã giải quyết bài toán số hóa vùng nguyên liệu và liên kết nông dân xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng và đang ứng dụng cơ giới hóa, thông tin vào sản xuất. Qua đây, cũng khẳng định đúng đắn chủ trương chính sách của tỉnh trong việc thu hút các cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết về phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể tại quê hương Bình Phước. Đây cũng là mô hình để khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh việc số hóa vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với cơ giới, sơ chế và thị trường theo đúng Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy.

Bài và ảnh: Nguyên Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/qua-ngot-tu-san-xuat-xanh-san-pham-sach-20230706211634734.htm