Nhiều họa sĩ cô đơn trên con đường nghệ thuật

Cuộc thi UOB Painting of the year, một trong những cuộc thi nghệ thuật uy tín và lâu đời trong khu vực vừa chính thức khởi động năm thứ hai tại Việt Nam. Với những người làm nghệ thuật, đây là một cơ hội tốt đối với nghệ sĩ để có thể giới thiệu mỹ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines hay Thái Lan, sức sáng tạo và bản lĩnh của họa sĩ Việt Nam không hề thua kém. Thế nhưng, độ phủ trong khu vực của mỹ thuật đương đại Việt ở cả mặt hàn lâm đến thị trường vẫn chưa bằng được các nước bạn. Nhiều người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này cũng cho rằng, nghệ sĩ trẻ của Việt Nam đầy tài năng, song có lẽ lâu nay, công chúng có thể quen cách cảm nhận các tác phẩm từ rất nhiều thập niên trước.

Để cùng sánh vai với mỹ thuật đương đại của thế giới và các nước trong khu vực, nghệ sĩ Việt cần phải có tư duy sáng tạo mới mẻ, hiện đại, mang phong cách, cá tính và bản sắc riêng biệt được bắt nguồn từ truyền thống tâm hồn dân tộc Việt Nam. Quan trọng hơn là họ cần dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn quen thuộc của mình để thử sức với những điều mới mẻ. Tất nhiên, cái mới thì chưa dễ được chấp nhận ngay, nhưng việc chỉ làm trong xưởng vẽ cũng giống như đang đi vào lối mòn, khiến người nghệ sĩ như đang bó mình lại…

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, ngành hội họa lại ít được quan tâm trong các trường chuyên ngành, các bạn trẻ chọn những khoa có tính ứng dụng nhiều hơn như thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất… để có cơ hội việc làm tốt hơn. Có những trường mỗi năm chỉ có vài ba sinh viên chuyên ngành hội họa tốt nghiệp là một hiện thực đáng báo động. Đã đến lúc các bên liên quan cần làm sao động viên các bạn trẻ tiếp tục đi theo con đường hội họa hàn lâm sâu về mỹ thuật. Tại một số nước trong khu vực, mỗi lần nhà trường tổ chức triển lãm các tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên hội họa, thường thu hút sự tham gia của các nhà sưu tập, giám tuyển, các gallery… và đây là cơ hội để các sinh viên xuất sắc có thể bước ra thị trường.

Việc có thêm những môi trường mới, những trợ lực mới từ các nhà bảo trợ nghệ thuật, sự chung tay của các nhà môi giới… sẽ thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc khai phá và phát triển tài năng của các nghệ sĩ, giúp nghệ thuật trở nên dễ tiếp cận hơn và truyền cảm hứng cho thế hệ tài năng tiếp theo. Như vậy mới có thể tạo sự động viên thiết thực cho các nghệ sĩ vốn đã sẵn sức sáng tạo, bản lĩnh nhưng đang rất cô đơn trên con đường nghệ thuật.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-hoa-si-co-don-tren-con-duong-nghe-thuat-post739012.html