Lão nông với niềm đam mê sáng tác

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông, từ nhỏ, ông Trần Hữu Toàn (SN 1962, ngụ ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã gắn bó với ruộng đồng. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn giữ cho mình tình yêu với nghề nông cùng với đó là niềm đam mê mãnh liệt với việc sáng tác những tác phẩm nghệ thuật.

Trong việc sáng tác, ông Trần Hữu Toàn (ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đoạt nhiều giải thưởng cao

Trong việc sáng tác, ông Trần Hữu Toàn (ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đoạt nhiều giải thưởng cao

Ông Toàn là anh lớn trong gia đình có ba anh em, trong khi các em chọn con đường công nhân hay buôn bán thì ông chọn gắn bó với nghề nông. Với 0,2ha đất được cha mẹ cho và 0,4ha tích cóp mua thêm, những năm qua, ông Toàn trồng thử nghiệm nhiều loại cây nhưng thành công nhất là với các loại rau màu như mướp, khổ qua, dưa leo, cải xanh, đậu đũa,... Hiện nay, ông chỉ còn canh tác hơn 0,4ha đất vì sức khỏe không cho phép nên 0,2ha đất còn lại cho thuê.

Ngoài công việc đồng áng, ông còn thường tham gia chia sẻ trên mạng xã hội (kênh YouTube của một người quen) để hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau màu cho người dân theo hướng hữu cơ, giúp đạt năng suất cao, giảm chi phí đầu vào, an toàn cho người tiêu dùng,...

Đặc biệt, ông Toàn còn có niềm đam mê mãnh liệt với việc sáng tác. Hình ảnh ông Toàn vừa tỉ mỉ chăm sóc rau màu, vừa ngân nga câu vọng cổ do chính mình sáng tác đã trở nên quen thuộc với người thân và bạn bè. Niềm đam mê này ông đã có từ lâu, nói vui như ông là: “Tôi có máu nghệ sĩ từ nhỏ mà, có lẽ di truyền từ cha!”.

Ông Toàn kể: “Ngày xưa, tôi thường nghe và hát theo các tiết mục cải lương trên radio, nhất là những tiết mục của cuộc thi “Bông lúa vàng” do Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) tổ chức trên radio. Từ những lời nhận xét của ban giám khảo, là những “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực cải lương nên tôi bắt đầu nắm khung nhịp, dần dần tự sáng tác những tác phẩm của riêng mình”.

Thế là từ đó, ông Toàn bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như thơ, cải lương, vọng cổ, tiểu phẩm, kịch,... Ý tưởng sáng tác đều do ông lấy từ chính cuộc sống hàng ngày. Năm 2016, thời điểm hạn, mặn gay gắt, ảnh hưởng lớn đến ruộng vườn và kinh tế của người dân. Nhìn cảnh tượng xót xa, ông Toàn lấy đó làm chất liệu sáng tác bài vọng cổ Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường và gửi đến cuộc thi “Thích ứng với sự biến đổi khí hậu và ứng phó thiên tai” do VOH tổ chức. Kết quả, ông đoạt giải Khuyến khích.

Năm 2017, ông Toàn tham gia cuộc thi “Thính giả với an toàn giao thông” của VOH, nhận được những lời góp ý quý báu từ nghệ sĩ Phượng Loan (hiện là Nghệ sĩ Nhân dân) và nhà văn Hamlet Trương. Từ đó, ông có thêm nhiều kiến thức trong việc sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng hơn. Ông đạt được nhiều giải cao trong cuộc thi “Thính giả với an toàn giao thông” trong nhiều năm liền (từ 2017-2023), trong đó năm 2022, ông đoạt giải nhất. Ngoài ra, ông còn đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết - sáng tác kỷ niệm 30 năm “Bông lúa vàng” với tác phẩm Tôi mê chương trình thi ca cổ cải lương,... và nhiều giải thưởng khác.

Sáng tác không chỉ là niềm vui mà còn là cách để ông Toàn gửi gắm thông điệp ý nghĩa đến tất cả mọi người. Với tính cách của một nông dân và trái tim của một nghệ sĩ, dù bận rộn với việc đồng áng, ông vẫn dành thời gian để sáng tác. Với ông, sáng tác là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần như cách nghĩ: “Sáng tác là sáng tạo từ tâm, từ tâm mình nhập vào rồi mình mới viết được, chứ không có sáng tác “rác””./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lao-nong-voi-niem-dam-me-sang-tac-a176385.html