Nghị lực của thầy giáo thương binh

Bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man nhưng thầy giáo thương binh Trần Thế Tân (SN 1944), ở thôn Bài Giữa, xã Lam Cốt (Tân Yên - Bắc Giang) vẫn giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Trở về cuộc sống, ông đã vượt lên thương tật, miệt mài truyền lửa cho bao thế hệ học trò.

Giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng

Ngôi nhà bình dị của nhà giáo, thương binh nặng Trần Thế Tân nằm yên tĩnh giữa đồi bạch đàn xanh mát. Trong câu chuyện về khói lửa chiến tranh chống Mỹ, hoài niệm về vùng đất thép Bình Định những năm 1966 - 1968 khiến ông lặng đi vì xúc động. Ký ức về đồng đội, về những thời khắc lịch sử ông được chứng kiến và kể lại giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về sự hy sinh, mất mát lớn lao của cha anh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Thế Tân cùng các cháu ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc qua những trang sách.

Nhớ về một thời xếp bút nghiên đi đánh giặc, nhà giáo Trần Thế Tân kể lại: Từ năm 1963 - 1967, ông là giáo viên Trường cấp 1 Ngọc Thiện (nay là Trường Tiểu học Ngọc Thiện số 1). Thời điểm đó, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá miền Bắc, nhiều trường học đổ nát, nhiều giáo viên và học sinh mãi mãi ra đi dưới mưa bom, bão đạn của quân thù. Như nhiều nhà giáo lúc bấy giờ thương đàn em thơ, căm thù quân giặc, thầy giáo Tân đã viết tâm thư bằng máu tình nguyện lên đường chiến đấu.

Tháng 3/1967, thầy giáo Tân nhập ngũ vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 330, Trung đoàn 568, trở thành lính bộ binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau 6 tháng tập luyện các chiến thuật cơ bản, ông Tân cùng đồng đội hành quân vào chiến trường. Đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1967, đoàn quân bí mật dừng chân bên dòng sông Côn (Bình Định), khu vực sát vùng địch chiếm đóng. Tại đây, các chiến sĩ nhanh chóng được bổ sung vào các đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Với vị trí chiến lược quan trọng, nhất là những thắng lợi to lớn giành được trong “chiến tranh đặc biệt”, tỉnh Bình Định trở thành một trong những địa bàn trọng điểm để Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ” và kế hoạch “tìm diệt”. Trong nhiều trận đánh giáp lá cà tại các chiến trường Phù Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định), trung đoàn của ông Tân tập trung cao đánh bại cuộc “tìm diệt” của địch, cùng đồng đội mở rộng vùng giải phóng. Mỗi trận đánh với muôn vàn gian khổ đã tôi luyện cho những người lính như ông tinh thần thép.

Sống trong vùng địch càn quét, tìm diệt ác liệt, một ngày tháng 8/1968, chiến sĩ Trần Thế Tân bị nhiều mảnh đạn găm vào vùng bụng, tay trái và đôi chân rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, ông mới phát hiện bị địch bắt. Tuy rất đau đớn nhưng ông nghĩ mình còn sống đã là may mắn bởi trong trận đánh này, rất nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại chiến trường Phù Mỹ ác liệt. Tình thế lúc này buộc ông phải chiến đấu bằng lý trí với quân thù. Ngay lập tức ông nghĩ cho mình một tên mới (Nguyễn Văn Minh), quê quán mới (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và khai với địch là vừa vào chiến trường được một ngày đã bị bắt nên không biết đang ở địa điểm nào, đơn vị nào để không làm ảnh hưởng tới đồng đội.

Tại nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn), địch dùng nhiều hình thức tra tấn dã man như: Bịt khăn mặt vào mồm, đổ nước vào mũi, lấy thuốc lá châm vào mặt, kích điện giật, đánh thâm tím toàn thân nhưng ông vẫn nhất quán lời khai để bảo vệ mình và đồng đội. Lúc này, địch chuyển ông lên nhà tù Biên Hòa để thực hiện nhiều hình thức tra tấn tàn bạo hơn. Tại đây, quân thù đã cưa chân trái của ông. Dù đau đớn đến tột cùng về thể xác nhưng ông vẫn kiên định giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ yêu nước.

Rà soát những đối tượng “cứng đầu”, địch đưa ông đi biệt giam tại khu D9, nhà tù Phú Quốc. Bị giam trong chuồng cọp, không đứng, không ngồi được, có những thời điểm ông gần như kiệt sức với những hình thức tra tấn man rợ của quân thù như: Đục răng, đập búa vào đầu, đóng đinh vào cơ thể. Sau một thời gian sống trong “địa ngục trần gian”, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng ông Tân vẫn dũng cảm liên hệ mật thiết với các chiến sĩ yêu nước hoạt động bí mật trong tù. Tháng 9/1970, chiến sĩ Trần Thế Tân được kết nạp Đảng tại nhà tù Phú Quốc.

Niềm vui đến với quân và dân ta khi ngày 16/3/1973, bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), ông Tân cùng hàng nghìn chiến sĩ yêu nước bị địch bắt tù đày được trao trả theo Hiệp định Paris. Thương binh nặng Trần Thế Tân được đưa đi điều trị tại Bệnh viện 203, sau đó đi an dưỡng tại Khu điều dưỡng thương binh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam).

Vết chân tròn vẫn đi về dạy các em thơ

Đến năm 1975, thương binh Trần Thế Tân trở về quê nhà xã Lam Cốt trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con làng xóm. Dù mất 86% sức khỏe song ước mơ dạy học vẫn cháy bỏng, thầy giáo thương binh được phân công trở lại giảng dạy tại Trường cấp 1 Ngọc Thiện. Điều hạnh phúc với ông là dù thương tật đầy mình, chân trái không còn nữa nhưng người bạn gái làng bên là bà Phùng Thị Thơ (SN 1951) vẫn một mực yêu thương và đã nên duyên vợ chồng với ông.

Trường Tiểu học Ngọc Thiện số 1 - nơi ông Trần Thế Tân từng giảng dạy.

Niềm vui lớn của bao thế hệ học trò trường làng ở vùng quê Ngọc Thiện ngày ấy là được nghe thầy giáo Tân giảng bài. Giờ học không đơn thuần là những môn Toán, Tiếng Việt mà mỗi học trò còn được thầy giáo truyền dạy kiến thức về văn hóa, lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc và hơn hết là học để làm người có ích cho xã hội. Hồi đó, đời sống giáo viên vô cùng thiếu thốn; sách vở, đồ dùng học tập rất hiếm nhưng thầy giáo Tân vẫn thường xuyên trích một phần lương ít ỏi mua sách vở, giấy bút tặng các em hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình thương binh, liệt sĩ, động viên học sinh đi học đều, không bỏ học.

Thương binh Trần Thế Tân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đến hôm nay, người chiến sĩ ấy đã bước sang tuổi 80 nhưng những ký ức hào hùng vẫn hiển hiện và tiếp thêm sức mạnh cho ông chữa lành vết thương chiến tranh, tiếp tục cống hiến, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Không có sách tham khảo, thầy giáo Tân miệt mài tự soạn những bài tập Tiếng Việt, Toán để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Cứ như thế, vết chân tròn của thầy giáo Tân hằng ngày lặng lẽ in hằn trên sân trường, trên con đường làng quen thuộc để mang kiến thức đến cho học trò. Nhiều năm người thầy giáo thương binh được công nhận giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Trong những lần đi khám sức khỏe, thầy giáo Tân mong muốn được gắp những mảnh đạn trên thân thể nhưng đều bất lực bởi chúng nằm ở những vị trí nguy hiểm đến tính mạng. Những vết thương ấy vẫn ngày đêm âm ỉ hành hạ người thương binh. Năm 1983, do sức khỏe yếu, thầy giáo Trần Thế Tân phải ngậm ngùi chia tay mái trường, đồng nghiệp và đàn em thân yêu để về nghỉ mất sức. Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, người chiến sĩ năm xưa vẫn cần cù lao động, sản xuất. Để phát triển kinh tế, ông Tân mở dịch vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng.

Người sức khỏe tốt còn vất vả, với ông càng khó khăn hơn khi hằng ngày phải di chuyển bằng chân giả, nạng gỗ và xe lăn, thế nhưng bù lại cửa hàng của gia đình rất đông khách. Đây là nguồn kinh tế chính để vợ chồng ông có điều kiện nuôi dạy các con học tập, trở thành kỹ sư, cử nhân. Vợ chồng thầy giáo thương binh có 4 người con. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, người con trai cả hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang tỉnh. Con trai thứ làm việc cho một doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hai cô con gái là giảng viên đại học và nhà báo.

Đóng góp của thương binh Trần Thế Tân đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đến hôm nay, người chiến sĩ ấy đã bước sang tuổi 80 nhưng những ký ức hào hùng vẫn hiển hiện và tiếp thêm sức mạnh cho ông chữa lành vết thương chiến tranh, tiếp tục cống hiến, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghi-luc-cua-thay-giao-thuong-binh-144857.bbg