Cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo để tránh hiện tượng 'thầy giáo mạng tự xưng'

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những điểm mới trong Dự thảo luật nhà giáo là việc cấp chứng chỉ cho đội ngũ nhằm tạo thuận lợi, nâng cao vị thế cho nhà giáo.

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự. Đồng thời, chứng chỉ cũng giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Chứng chỉ cũng nhằm bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Chiều nay, tại tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiện nay nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện dạy học nhưng vẫn tự xưng là nhà giáo. Do đó, việc cấp chứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo dạy học, tham gia thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục khác. Khi đó, họ chỉ cần xuất trình chứng chỉ mà không cần phải qua kỳ sát hạch.

Theo ông Đức, để tránh xáo trộn, 1,6 triệu giáo viên trong các trường công lập, ngoài công lập đã được tuyển dụng trước khi luật có hiệu lực đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề.

Các nhà giáo đã về hưu, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề nếu có nguyện vọng cũng có thể đề nghị cấp chứng chỉ để tiếp tục dạy học.

Còn những giáo viên tuyển mới sau khi luật có hiệu lực sẽ phải trải qua kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ. “Có hai nguồn đào tạo giáo viên gồm: sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và sinh viên tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ theo quy định và cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Các đối tượng đều phải thực tập 1 năm, sau đó được đánh giá hoàn thành và được tuyển dụng”, ông Đức nói.

Trong cấu trúc mô – đun đào tạo nghề, có những nội dung đã được đào tạo trong trường sư phạm. Do đó, sinh viên tốt nghiệp sư phạm sẽ được bỏ qua nội dung trùng lặp, rút ngắn thời gian đào tạo, sớm được cấp chứng chỉ nghề so với sinh viên tốt nghiệp các ngành khác. Và đơn vị nào cấp chứng chỉ thì đơn đó có quyền thu hồi nếu nhà giáo vi phạm. Ví dụ, dự thảo quy định, 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, nhà trường báo cáo cấp trên thu hồi chứng chỉ nghề nghiệp.

Cục trưởng Cục nhà giáo cho biết, muốn trở thành nhà giáo phải có 3 yếu tố đó là: có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Trên thực tế, có người đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nhưng không có kỹ năng sư phạm cũng rất khó khăn trong dạy học. Chính vì vậy, trước khi hành nghề phải có quá trình đào tạo nghề.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cap-chung-chi-hanh-nghe-cho-nha-giao-de-tranh-hien-tuong-thay-giao-mang-tu-xung-post1638068.tpo