Vân Lĩnh - 'hậu cứ thép' giữa đồi xanh

Tháng 5 này, những cựu chiến binh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn ở khắp mọi miền náo nức hướng đến kỷ niệm 65 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959/ 19-5-2024). Chúng tôi trở lại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ ở miền trung du rừng cọ, đồi chè còn lưu dấu bao ký ức hào hùng thuộc đơn vị tiền thân của Đoàn 559 mở đường Trường Sơn huyền thoại để bộ đội cùng phương tiện, vũ khí, khí tài, thông tin liên lạc vào Nam phục vụ chiến đấu.

Dấu tích "hậu cứ thép" hào hùng

Xã Vân Lĩnh nay là vùng quê trù phú, bát ngát những vườn chè xanh mướt, thoai thoải theo những triền đồi, trải dài về phía chân trời. Nắng ươm vàng ruộm phủ sắc lên sức sống mới. Các cựu chiến binh ở Ban liên lạc Sư đoàn 305 hồ hởi dẫn chúng tôi đi trên con đường rộng thoáng ở Vân Lĩnh, tự hào với những đổi thay và ký ức hào hùng thuở nào.

Chúng tôi thả bước theo con đường đến Nghĩa trang Liệt sĩ Vân Lĩnh ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ viếng thăm hàng trăm phần mộ liệt sĩ giữa đồi chè xanh bạt ngàn. Nhiều liệt sĩ nằm lại đây có quê quán ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… Họ là những thế hệ đầu tiên về Vân Lĩnh nếm mật nằm gai, khai hoang trồng những vườn chè.

Đại tá Hồ Anh Thắng, nguyên Trưởng phòng Tăng thiết Giáp, Quân khu 5, Hội Con em Trung đoàn 210 miền Nam chia sẻ: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1956, Bác Hồ, Bộ Quốc Phòng, Tổng Quân ủy triển khai chủ trương đưa một lực lượng lớn bộ đội tham gia sản xuất kinh tế, lấy các nông trường, nhà máy làm nòng cốt, hình mẫu cho các lực lượng làm kinh tế phát triển.

Sư đoàn 305 từ Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, đứng chân ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nông trường Quân đội Vân Lĩnh do Cục Nông trường Quân đội quản lý. Với tác phong người lính, kỷ luật, kỷ cương quân đội, tiềm năng vùng đất, thuộc tính cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo đã dốc sức gây dựng mô hình sản xuất mới hiệu quả, vừa là đội quân sản xuất, đội quân công tác, vừa bảo vệ Tổ quốc..

Vỏ bom dùng làm kẻng báo hiệu trong các hoạt động lao động, sản xuất, đời sống ở Nông trường Vân Lĩnh.

Vỏ bom dùng làm kẻng báo hiệu trong các hoạt động lao động, sản xuất, đời sống ở Nông trường Vân Lĩnh.

Ở Đội 6 cũ, xã Vân Lĩnh nay vẫn còn một chiếc kẻng bằng vỏ quả bom dùng làm hiệu lệnh một thời. Mỗi ngày, những hồi kẻng báo thức, kẻng đi làm, kẻng giải lao, kẻng tan ca… đã làm nên âm thanh khó quên của lớp lớp công nhân nông trường ngày ấy. Khi máy bay Mỹ trút hàng tấn đạn bom xuống vùng đất này thì tiếng kẻng vang lên báo động nhân dân trú ẩn.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quý (phải) ôn lại ký ức ngày đầu của Trung đoàn 210 xây dựng Nông trường Vân Lĩnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quý (phải) ôn lại ký ức ngày đầu của Trung đoàn 210 xây dựng Nông trường Vân Lĩnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quý, sinh năm 1929, nguyên cán bộ Trung đoàn 210, Sư đoàn 305 hiện sống ở xã Vân Lĩnh hồi tưởng: Ngày ấy, nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật, không có hoạt động thương mại, buôn bán nào được xâm nhập vào nội khu nông trường, trừ trường hợp có giấy giới thiệu từ trên.

Một di tích khác gần UBND xã Vân Lĩnh được gọi là “Đồi chiêu đãi”, từng là sở chỉ huy lâm thời của Sư đoàn 305. Thời gian ấy, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Hoàng Văn Thái cùng nhiều cán bộ cao cấp khác thường xuyên về đây thăm, huấn thị, đôn đốc đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Ở Vân Lĩnh nay còn có một di tích nguyên vẹn là cửa hàng cung tiêu đáp ứng mọi thứ phục vụ đời sống cho khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ ở nông trường.

Bia đá lưu niệm hoạt động xây dựng Nông trường Vân Lĩnh của Trung đoàn 210, Sư đoàn 305 tại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.

Bia đá lưu niệm hoạt động xây dựng Nông trường Vân Lĩnh của Trung đoàn 210, Sư đoàn 305 tại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.

Dịp kỷ niệm 69 năm Ngày sinh nhật Bác, ngày 19-5-1959, trở thành mốc thời gian lịch sử khi Bộ Quốc phòng thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 (phiên hiệu của Đoàn công tác quân sự đặc biệt) bí mật mở đường Trường Sơn. Trên “Đồi chiêu đãi” diễn ra nhiều cuộc họp để lựa chọn cán bộ, chiến sĩ tham gia Đoàn công tác quân sự đặc biệt, nơi diễn ra khóa huấn luyện ngắn cho cán bộ, chiến sĩ trước khi lên đường vào Nam.

Trong cuốn hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến”, Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 559, có đoạn mô tả trước lúc xuất quân, sau khi lãnh đạo đơn vị được cấp trên phổ biến mệnh lệnh, giao nhiệm vụ, còn truyền đạt lời dặn dò của Bác Hồ: “Các chú đi làm nhiệm vụ đặc biệt này phải bảo đảm tuyệt mật, luôn luôn ghi nhớ “sống để dạ, chết mang theo”. Chiều hôm sau, cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác quân sự đặc biệt hành quân ra ga Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ vào Nam sau khi để lại mọi giấy tờ, kỷ vật tùy thân.

Những người ở lại tiếp tục thi đua, khắc phục khó khăn, lao động, sản xuất, kiên trung bám nông trường, xây dựng hậu phương, dồn sức tất cả cho tiền tuyến, sắt son hướng về miền Nam. Từ hậu cứ thép này, những năm sau đó, nhiều cán bộ ở nông trường tiếp tục tái nhập ngũ, xung phong vào Nam chiến đấu.

Mô hình sản xuất kinh tế chủ nghĩa xã hội tiêu biểu

Vân Lĩnh vào thời điểm năm 1959 đã trở thành “vựa” sản xuất trà hàng đầu cả nước, với diện tích hơn 4.000ha chè, là hình mẫu điển hình trong số 30 nông trường sản xuất chủ lực, nòng cốt ở miền Bắc. Trong giai đoạn ấy, cây chè Việt Nam đã giữ một sứ mệnh lịch sử là cung ứng cho hoạt động xuất khẩu, giúp mang lại nguồn lực phương tiện, vũ khí, trang bị hiện đại, góp phần cho kháng chiến thắng lợi. Thành quả lao động đáng kinh ngạc của nông trường đã tạo tiếng vang lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nông trường liên tục đón nhiều đoàn lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế, phóng viên… của các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên… đến tham quan, học tập, ngợi khen và ngưỡng mộ. Chúng tôi lần mở cuốn sổ lưu niệm khắc ghi ý kiến, cảm tưởng của những đoàn khách dân sự, quân sự quốc tế về “mô hình Vân Lĩnh” đã làm nên niềm tự hào Vân Lĩnh.

Bút tích và bản dịch của Đoàn Hungary đến thăm Vân Lĩnh ngày 30-1-1959.

Bút tích và bản dịch của Đoàn Hungary đến thăm Vân Lĩnh ngày 30-1-1959.

Bút tích được dịch lại của đoàn Trung Quốc đến thăm, tham quan tại Nông trường Vân Lĩnh.

Bút tích được dịch lại của đoàn Trung Quốc đến thăm, tham quan tại Nông trường Vân Lĩnh.

Những đoàn khách đến Vân Lĩnh thời đó còn có nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động sản xuất, huấn luyện, nghiên cứu khoa học… Ngày 22-12-1960, Nông trường chè Vân Lĩnh được chuyển đổi qua mô hình nông trường quốc doanh do Nhà nước quản lý, phần lớn sản phẩm trà chế biến được xuất khẩu sang Liên Xô.

Các cựu chiến binh từng làm việc ở Nông trường Vân Lĩnh kể lại với chúng tôi, năm 2013, một đại diện của Việt Nam đã nêu câu hỏi: “Liên Xô đã giúp Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, vậy Việt Nam có giúp gì các đồng chí hay không ?” Ông Vladimir Buianov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, Liên bang Nga trả lời rằng “Trà…Trà Việt Nam và nhiều thứ khác”.

 Cây lưu niệm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng trong lần về thăm Nông trường Vân Lĩnh năm 1958.

Cây lưu niệm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng trong lần về thăm Nông trường Vân Lĩnh năm 1958.

Cây lưu niệm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng trong lần về thăm năm 1959.

Cây lưu niệm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng trong lần về thăm năm 1959.

Nỗi niềm mong ước công nhận di tích lịch sử

Nhiều cựu chiến binh, cán bộ, nhân viên, các thế hệ con em của Nông trường Vân Lĩnh và chính quyền địa phương, có cả nhiều đồng chí cán bộ cấp cao từng hoạt động, cống hiến ở Vân Lĩnh đã có nhiều ý kiến, văn bản kiến nghị các cấp, ngành Trung ương và địa phương sớm công nhận di tích lịch sử, xây dựng khu tưởng niệm truyền thống Trung đoàn 210, Sư đoàn 305, ghi dấu nơi khởi đầu, đơn vị tiền thân của Đoàn 559.

Đầu tháng 4-2024, Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam có văn bản gửi UBND xã Vân Lĩnh và Hội Con em miền Nam Trung đoàn 210 do Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội ký, khẳng định, đến nay hệ thống di tích Đường Hồ Chí Minh ở 13 tỉnh thành từ Nghệ An vào đến Bình Phước đã được Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, nhưng vẫn còn một số điểm di tích, nhất là thời kỳ đầu tiên của Đoàn 559, trong đó có nơi thành lập và huấn luyện.

Hội truyền thống Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đề nghị địa phương quản lý chặt chẽ khu đất “Đồi chiêu đãi”, không cấp phép xây dựng, có thể xây dựng bia tưởng niệm vị trí đóng quân của đơn vị. Hội sẽ luôn đồng hành với chính quyền địa phương và các thế hệ sau của Trung đoàn 210 trong việc đề nghị công nhận di tích lịch sử ở Vân Lĩnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bài (ngồi xe lăn), cán bộ Trung đoàn 210 hiện sinh sống ở xã Vân Lĩnh .

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bài (ngồi xe lăn), cán bộ Trung đoàn 210 hiện sinh sống ở xã Vân Lĩnh .

Những thế hệ đầu tiên của Nông trường Vân Lĩnh nay đã ngoài chín mươi tuổi, hiện vẫn sinh sống ở xã Vân Lĩnh chỉ còn hơn 10 người. Tuổi cao, sức yếu nhưng khi nhắc đến ký ức nông trường, họ đều ngời lên niềm vui, tự hào khi đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho mảnh đất này, tạo nên hậu cứ thép sản xuất kinh tế, sẵn sàng chi viện chiến trường miền Nam.

Trong mỗi câu chuyện của các cựu chiến binh, các thế hệ Trung đoàn 210 và cả chính quyền địa phương, tôi cảm nhận được nỗi niềm mong ước các cơ quan chức năng cần sớm đánh giá đầy đủ tầm quan trọng và giá trị lịch sử để sớm công nhận di tích lịch sử, xây dựng khu tưởng niệm truyền thống, không để thời gian dần xóa mờ những dấu tích hào hùng ở Vân Lĩnh.

Điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn, lưu giữ ký ức hào hùng, thành quả cách mạng, biểu tượng của ý chí lao động, sản xuất trong giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, tất cả cho tiền tuyến, kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến muôn đời sau.

Vân Lĩnh - tháng 5 năm 2024

Bút ký của HUY CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/van-linh-hau-cu-thep-giua-doi-xanh-777142