Nâng cao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người bị ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều, đáng lo ngại là gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, khiến nhiều người phải nhập viện điều trị.

Ngày 3-4, một lễ hội ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ghi nhận gần 50 người dân sau khi ăn bánh mì, bánh bao phát từ thiện đã có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm. Trước đó, có 10 học sinh ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhập viện điều trị ngộ độc, nghi do ăn cơm gà được bày bán ở vỉa hè, trước cổng trường. Một vụ ngộ độc thực phẩm khác gây xôn xao dư luận với hơn 300 người phải nhập viện điều trị sau khi ăn bánh mì Phượng ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Gần đây nhất, đêm 5-5 và sáng 6-5, gần 20 người được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu với các triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, 1 người đã tử vong. Qua khai thác tiền sử bệnh tật, những bệnh nhân này đều ăn tiết canh.

Theo thống kê, trong quý I-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm là do ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách. Cùng với đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm còn lỏng lẻo…

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 3-5-2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Theo đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không để xảy các vụ ngộ độc tập thể, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, các địa phương công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần tự bảo vệ bằng cách ăn chín, uống sôi; mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng sản phẩm. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-cao-trach-nhiem-bao-ve-suc-khoe-cong-dong-665679.html