Mỹ nói gì về khả năng Israel phát động tấn công toàn diện vào Rafah?

Đã tập trung đủ quân lực trong bối cảnh Hamas đang yếu thế, quân đội Israel vẫn đang chờ một hiệu lệnh để tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào thành phố Rafah như dự định.

Cuối tuần trước, các xe tăng ở Israel đã xuất hiện trên con đường chính phân chia hai nửa đông-tây của Rafah và “chạm trán” với lực lượng Hamas tại khu vực phía đông thành phố. Tuy nhiên, Israel cũng đang cân nhắc nghiêm túc những cảnh báo từ Mỹ, đồng thời đảm bảo binh sĩ sẽ không tiến vào thành phố phía nam Dải Gaza trước khi sơ tán khoảng 800.000 người Palestine.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố trước báo giới hôm 13/5: “Tổng thống Mỹ đã nói rõ về hậu quả mà Israel sẽ gánh chịu nếu cuộc tấn công tổng lực của Israel được tiến hành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, điều đó vẫn chưa xảy ra”.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: The Hill.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: The Hill.

Israel đối mặt nhiều thách thức trước cuộc tấn công toàn diện

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Israel đã tập trung đủ quân tại rìa thành phố Rafah ở Gaza để tiến hành một cuộc tấn công toàn diện trong những ngày tới. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Washington vẫn chưa chắc chắn về việc liệu Israel có đưa ra quyết định cuối cùng hay không, khi Nhà Trắng vẫn giữ thái độ phản đối kế hoạch quân sự mới của Tel Aviv.

Một trong các quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng, bên cạnh vấn đề nhân lực, Israel vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ về nhu yếu phẩm và nơi trú ẩn cho quân đội nước này trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự tại Rafah.

Nếu Israel tiến hành một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào Rafah thì việc từ bỏ một cuộc tấn công toàn diện vào thành phố này sẽ đi ngược lại những cảnh báo trong nhiều tháng nay của Mỹ. Tuần trước, trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Biden đã cho biết Mỹ sẽ ngừng một số chuyến hàng viện trợ vũ khí tới Israel nếu Israel không chịu từ bỏ Rafah.

Khi xung đột Israel-Hamas đã bước sang tháng thứ tám, các quan chức Mỹ vẫn không chắc chắn về cách tiếp cận cuộc chiến của Tel Aviv, dù công khai cho rằng nước này khó có thể đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas và giành lại quyền kiểm soát Gaza.

Cũng trong hôm 13/5, Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ Kurt Campbell nói: “Các nhà lãnh đạo Israel hay nói về một chiến thắng toàn diện trên chiến trường, nhưng chúng tôi không tin vào điều này”. Ông Campbell cũng cho rằng xung đột có thể được giải quyết bằng các giải pháp chính trị, thay vì bạo lực quân sự.

Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng cảnh báo Israel rằng việc “đâm đầu vào Rafah” có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và không thực sự chấm đạt được kết quả như Israel kỳ vọng.

"Có khả năng Israel phải đối mặt cuộc nổi dậy của những thành viên vũ trang Hamas còn sót lại. Khi quân đội Israel rút đi, tình trạng hỗn loạn sẽ diễn ra và Hamas có thể hồi sinh", ông Blinken nhận định.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, khi Israel tiến sâu hơn vào thành phố Rafah, chiến dịch quân sự có thể đạt được một số thành công ban đầu nhưng có nguy cơ gây tổn hại khủng khiếp cho người dân nếu không đảm bảo được rằng “Hamas không thể kiểm soát Gaza một lần nữa”.

Hamas nhượng bộ, Mỹ thúc giục Israel tập trung vào kế hoạch hậu chiến

Dù cho rằng Israel sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas, chính quyền Mỹ cũng phải công nhận những thành tựu mà Israel đã đạt được từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matt Miller tuần trước cho biết Hamas đang ở thế yếu.

Ông Miller nói: “Khả năng Hamas thực hiện các cuộc tấn công như thời điểm 7/10/2023 đã suy giảm đáng kể, nếu như không muốn nói là bị loại bỏ hoàn toàn”. Lý giải về điều này, ông Miller cho biết các nhà máy sản xuất vũ khí dưới lòng đất của Hamas đã không còn hoạt động và hầu hết chỉ huy lực lượng này phía bắc và trung tâm Gaza cũng bị tiêu diệt. Đây được xem là những thành công của Hamas trong hơn nửa năm giao tranh.

Khói bốc lên tại Gaza trong một cuộc đụng độ vũ trang giữa Israel-Hamas hồi đầu năm 2024. Ảnh: Getty.

Khói bốc lên tại Gaza trong một cuộc đụng độ vũ trang giữa Israel-Hamas hồi đầu năm 2024. Ảnh: Getty.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các thành viên cấp cao của Hamas có đang tập trung ở Rafah hay không, nhưng Mỹ đang tiếp tục hỗ trợ Israel trong việc “thu nhỏ bộ não lãnh đạo” của đối phương, bao gồm cả việc hỗ trợ tình báo nhằm truy tìm các nhân vật quan trọng bao gồm Yahya Sinwar - lãnh đạo Hamas ở Gaza. Tờ Times of Israel hôm 10/5 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Mỹ cho biết thủ lĩnh Yahya Sinwar không ẩn náu ở Rafah mà đã vào đường hầm ở Khan Younis.

Đầu tháng 5, trong hội nghị đàm phán ở Cairo (Ai Cập), Hamas đã chấp nhận nhượng bộ khi đồng đề xuất ngừng bắn do các nước trung gian đưa ra, bao gồm bao gồm các nỗ lực tái thiết ở Gaza, trao trả những người Palestine di tản và trao đổi con tin Israel với các tù nhân Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel. Theo đó, thỏa thuận sẽ gồm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ kéo dài 42 ngày và giai đoạn thứ hai được cho là sẽ “ngưng vĩnh viễn các hoạt động quân sự và thù địch”. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ đề xuất này.

Theo các quan chức Mỹ, chính quyền ông Biden cũng đang thúc giục Israel bắt đầu tập trung nghiêm vào các kế hoạch cải tổ Gaza thời hậu chiến, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và giải phóng con tin. Tuy nhiên, tới thời điểm này, những nỗ lực của Mỹ vẫn chưa cho thấy hiệu quả.

Nhà Trắng cho biết Israel vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng cho hai câu hỏi lớn: ai sẽ là người giám sát an ninh và làm thế nào để quản lý Hamas ngay sau khi chấm dứt xung đột. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CBS, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói: “Chúng tôi đã làm việc trong nhiều tuần để phát triển các kế hoạch quan trọng về an ninh, quản trị và tái thiết tại Gaza, nhưng vẫn chưa nhận thấy sự tham gia tích cực của Israel trong vấn đề này. Chúng tôi có cùng mục tiêu với Israel là đảm bảo Hamas sẽ không thể tiếp tục kiểm soát Gaza”.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-noi-gi-ve-kha-nang-israel-phat-dong-tan-cong-toan-dien-vao-rafah-post1095016.vov