Khơi dòng chảy cho 'nguồn lực vàng'

Nếu được huy động vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đầu tư…, kiều hối sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn hơn, 'chia lửa' với các nguồn lực khác

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết gia đình ông sống ở California - Mỹ, hằng năm đều gửi kiều hối về cho người thân ở Việt Nam. TS Hiếu là một trong khoảng 6 triệu người Việt sống ở nước ngoài. Năm 2023, người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài đã gửi về nước khoảng 16 tỉ USD, trong đó TP HCM tiếp nhận 9,5 tỉ USD.

Con số kỷ lục

Trong quý I/2024, kiều hối gửi về TP HCM tiếp tục lập kỷ lục khi đạt gần 2,9 tỉ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay lượng kiều hối gửi về thành phố cao gấp 3 lần nguồn vốn FDI trên địa bàn. "So với các nguồn vốn khác, kiều hối luôn có giá trị lớn và tính ổn định cao. Kiều hối cũng là dòng tiền đơn phương, trách nhiệm, nghĩa tình, góp phần đầu tư, tích lũy tài sản và tăng cường nội lực của quốc gia" - ông nhận xét.

Dù kiều hối về TP HCM đạt kỷ lục nhưng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tiềm năng, dư địa thu hút nguồn lực này còn lớn. "Trước đây, kiều bào đổ tiền về nước thường gửi tại các ngân hàng thương mại để lấy lãi suất. Nhiều năm qua, khi lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% thì kiều bào không còn mặn mà chuyển về gửi tiết kiệm. Kế hoạch phát hành trái phiếu huy động nguồn lực tại những nước mà kiều bào có thu nhập cao, có khả năng đóng góp cho việc phát triển kinh tế cả nước nói chung, TP HCM nói riêng cần được nghiên cứu, triển khai càng sớm càng tốt" - ông đề xuất.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối được tập trung và sử dụng hiệu quả sẽ có tác động thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế rất lớn. Bởi lẽ, đặc thù của kiều hối là dòng vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như những nguồn vốn ngoại tệ khác. Tại TP HCM, với quy mô nguồn kiều hối chuyển về hằng năm bình quân khoảng 6,9 tỉ USD trong 5 năm qua, đây là nguồn lực vàng để phát triển kinh tế - xã hội. Có điều, phải làm sao để thu hút nguồn lực kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư thương mại, phát triển du lịch hay hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục...?

Trong quý I/2024, kiều hối gửi về TP HCM tiếp tục lập kỷ lục khi đạt gần 2,9 tỉ USD Ảnh: Hoàng Triều

Sớm mở rộng "đường băng"

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cho biết nhiều chính sách như: không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng… đã được thành phố triển khai. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách chuyên biệt thu hút kiều hối vào sản xuất - kinh doanh; chính sách cụ thể trong việc định hướng hình thành, phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp, các thị trường cụ thể đáp ứng nhu cầu của người Việt ở nước ngoài với mức thu nhập khác nhau... là chưa có.

Trong bối cảnh này, đề án "Chính sách kiều hối trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023 - 2030" đang được soạn thảo. Mục tiêu của đề án này là tạo hành lang cơ chế, chính sách, giúp nguồn kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về thành phố thuận lợi hơn; được kỳ vọng sẽ tạo ra "đường băng" mới.

Về chính sách cụ thể, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng có 2 kênh để huy động nguồn lực kiều hối. Kênh thứ nhất là phát hành trái phiếu công trình và trái phiếu dự án. Kênh thứ 2 là phát hành trái phiếu đô thị, được bảo đảm bằng ngân sách thành phố rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ.

"Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh cho kiều hối chảy vào. Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của nhà nước, bảo đảm an toàn cùng lãi suất đủ hấp dẫn" - ông Lịch gợi mở.

Trong khi đó, muốn phát hành trái phiếu thành công để huy động nguồn lực kiều hối chảy đúng mục đích cho các lĩnh vực mà TP HCM và cả nước cần, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng địa phương phát hành phải bảo đảm chứng minh tình hình tài chính đủ khả năng trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - thống kê cho thấy khoảng 50% kiều bào có mối quan hệ với TP HCM. Đây là nguồn lực lớn. Việc đầu tư của kiều bào trên cơ sở lợi ích nhưng sự đóng góp của họ trên cơ sở khơi gợi lòng yêu nước là rất quan trọng. Trên hết, vẫn chính là sự minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-dong-chay-cho-nguon-luc-vang-196240428170146484.htm