Hiệu quả bước đầu từ Dự án hỗ trợ chăn nuôi

Sau gần 1 năm triển khai Dự án “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới (SAPLING)" gọi tắt là dự án Chăn hênh, trên địa bàn huyện Mai Sơn, đã tạo những chuyển biến tích cực trong chăn nuôi; thành lập được các tổ hợp tác, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Tập huấn an ninh sinh học và phòng, chống dịch bệnh cho nông dân huyện Mai Sơn.

Dự án Chăn hênh do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La phối hợp thực hiện trong 2 năm 2023-2024 tại huyện Mai Sơn và huyện Phù Yên, với tổng nguồn vốn gần 76,5 tỷ đồng. Dự án có 5 hợp phần, gồm: Công nghệ và thực hành tăng năng suất bền vững; tăng đa dạng dinh dưỡng qua thực phẩm nguồn gốc động vật; năng suất chăn nuôi bền vững cho bình đẳng giới và hòa nhập xã hội; chuỗi giá trị chăn nuôi và cạnh tranh; quyết định dựa trên bằng chứng, nhân rộng mô hình.

Sau gần 1 năm triển khai, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho trên 300 lượt nhân viên thú y xã, bản, hộ gia đình về ứng dụng khoa học công nghệ về giống, di truyền, sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; giới thiệu các phương pháp bảo quản chế biến thức ăn, giới thiệu các giống thức ăn. Đồng thời, tiến hành khảo sát, điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất chăn nuôi và tác động của chăn nuôi tới môi trường; hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh và kết nối thị trường; xây dựng hợp đồng hợp tác, lập kế hoạch sử dụng vốn trong sản xuất và kinh doanh cho các hộ chăn nuôi.

Cán bộ Dự án Chăn hênh hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh cho tổ hợp tác chăn nuôi bản Mảy, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.

Đến nay, Dự án Chăn hênh đã hỗ trợ nông dân các xã: Chiềng Chung, Hát Lót, Mường Bon của huyện Mai Sơn thành lập 6 tổ hợp tác chăn nuôi với 89 thành viên. Các hộ chăn nuôi được hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tái đàn và dự kiến doanh thu; được hỗ trợ giống cỏ, giới thiệu các hình thức góp vốn trong sản xuất và kinh doanh và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm của các hộ thành viên.

Trực tiếp tham gia Dự án Chăn hênh, anh Tòng Văn Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bản Mảy, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Tổ có 20 hộ thành viên, đã ban hành quy chế hoạt động cụ thể và thỏa thuận hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết. Tham gia dự án, chúng tôi được hướng dẫn thu hoạch cỏ đúng thời điểm đạt hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất, dùng men vi sinh ủ cỏ làm thức ăn dữ trữ và xử lý chất thải chăn nuôi; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất, giúp giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.

Đánh giá về Dự án Chăn hênh, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thủy sản tỉnh, cho biết: Với hình thức hỗ trợ, can thiệp kỹ thuật, định hướng giúp các nông hộ chuyển đổi sản xuất phù hợp, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của bà con. Sau gần 1 năm triển khai, Dự án không chỉ giúp người chăn nuôi tăng năng suất trang trại, mà còn hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ về giống, di truyền, sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi. Qua đó, nông hộ nhỏ có khả năng tự quản lý hệ thống chăn nuôi, phát triển các phương án chăn nuôi theo định hướng kinh tế tuần hoàn...

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/hieu-qua-buoc-dau-tu-du-an-ho-tro-chan-nuoi-FQsUildIg.html