Vay tiền phải mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Cần có biện pháp hiệu quả chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng người vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân.

Đây là kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi gửi Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.

Các ngân hàng không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua bảo hiểm.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng

Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là hành vi tư vấn, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

"Các ngân hàng tiếp tục tăng cường rà soát, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp bắt buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, ngân hàng chủ động có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định" - Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Cơ quan này cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

Trước đó, tháng 11-2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó đã bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là hoạt động đại lý thông qua các tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư đã quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật" - cơ quan này khẳng định.

Ghi nhận của phóng viên, việc vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm vẫn còn xảy ra tại một số ngân hàng. Một số khoản vay có ưu đãi đặc biệt với điều kiện khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ.

Dù vậy, tình trạng "ép" khách vay vốn mua bảo hiểm đã giảm nhiều so với trước đó, mà hiện tại nhân viên tư vấn ngân hàng chủ yếu thông tin về sản phẩm bảo hiểm để khách hàng lựa chọn.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vay-tien-phai-mua-bao-hiem-ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-196240519112241155.htm