Đón đầu xu thế, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp

Tỉnh ta đang trong lộ trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại... Để phục vụ nhu cầu phát triển ấy, việc chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ không thể tách rời.

Nghề công nghệ ô tô được chú trọng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu). Ảnh: Anh Tuấn

Hiện nay, ngành Du lịch Ninh Bình đã có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển; Ninh Bình trở thành điểm sáng, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới…

Để ngành Du lịch tiếp tục phát triển xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ta đã và đang thực hiện các nhóm giải pháp quan trọng, trong đó có việc tập trung phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật. Tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch cũng đã được khẳng định tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Nghị quyết đề ra nhằm đưa du lịch tỉnh ta phát triển lên một tầm cao mới, đó là phải tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Từ năm 2017 đến nay, tổng số nhân lực du lịch toàn tỉnh là gần 200 nghìn người. Để bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, ngành Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS); thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp... Các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp được giao quản lý khu, điểm du lịch mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự đối với khách du lịch cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch…

Đón đầu xu thế phát triển các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề cũng đã chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo phù hợp. Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình là một trong những cơ sở đào tạo đang đầu tư phát triển mạnh nghề du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Căn cứ vào định hướng phát triển nghề trọng điểm của tỉnh, nhà trường đã chủ động đón đầu xu hướng, phát triển đào tạo ngành du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn với mục tiêu thu hút được nhiều người học, góp phần tăng cường nguồn nhân lực cho địa phương, cho tỉnh, cho đất nước và xuất khẩu lao động. Ngoài ra, căn cứ vào xu thế phát triển các ngành trọng điểm của tỉnh, nhà trường cũng đang phát triển mạnh nghề Công nghệ ô tô và nghề sửa chữa máy thi công xây dựng. Quy mô tuyển sinh hàng năm của ngành này đạt trên 300 học sinh, sinh viên, đông nhất so với các ngành, nghề khác.

Huyện Gia Viễn là địa phương có sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ, tỷ trọng các ngành công nghiệp đạt trên 80% ở thời điểm hiện nay. Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 400 dự án với tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là gần 1 nghìn ha để sử dụng vào mục đích như: xây dựng các KCN, CCN, kinh tế, đô thị, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng công cộng…

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết: Để giúp người lao động chuyển đổi nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, huyện Gia Viễn đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề để bắt kịp với xu thế phát triển của những xã nông thôn mới. Theo đó, huyện tập trung làm tốt công tác dự báo về cung-cầu lao động để phối hợp với các cơ sở dạy nghề có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Mục tiêu, vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, tổng số lao động địa phương làm việc tại các KCN, CCN trên địa bàn đạt trên 19 nghìn người. Đặc biệt là phấn đấu đưa lực lượng lao động có chất lượng vào làm việc, đảm nhận những vị trí việc làm chủ chốt tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có 2 trường chất lượng cao, có 23 nghề trọng điểm, 6 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 10 nghề cấp độ quốc gia được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, công tác dạy nghề ở các cơ sở đào tạo nghề đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đoàn tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi, hội thi, hội thao cấp tỉnh, toàn quốc đều đạt kết quả cao tại các kỳ thi: Tay nghề quốc gia; Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc; Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc…

Đặc biệt, việc đào tạo nghề đã bám sát định hướng nghề trọng điểm của tỉnh, phù hợp với xu thế của thị trường lao động. Trung bình mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đào tạo trên 17 nghìn lượt người. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 70- 80%.

Chỉ số thành phần đào tạo lao động trong Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top 10 của cả nước. Sự phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh và thu hút đầu tư.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/don-dau-xu-the-dao-tao-nguon-nhan-luc-phu-hop/d20240502080113926.htm