Da giày Việt gặp khó từ nguyên phụ liệu đến sức ép sản xuất bền vững

Những dấu hiệu cho thấy đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục trở lại. Dù vậy, ngành xuất khẩu hàng chục tỉ đô la và đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đáng chú ý nhất là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và sức ép chuyển đổi sản xuất bền vững.

Điều này dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp nội địa trong ngành bị kém cạnh tranh.

Sản xuất giầy dép: Ảnh minh họa: TL

Rục rịch tuyển lao động để “đua” đơn hàng

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, tín hiệu sản xuất của công ty từ đầu năm đến nay cho thấy tốt hẳn lên khi mà đơn hàng nhận được đến nay đảm bảo cho người lao động làm việc đến tháng 9-10 tới.

Để đơn hàng sản xuất tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh “chăm sóc” khách hàng truyền thống như Mỹ và EU, Tập đoàn Gia Định đã mở rộng thêm khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico,…

Nhờ vậy mà tại các nhà xưởng sản xuất của Tập đoàn Gia Định, từ đầu năm đến nay, công nhân luôn được tăng ca suốt 5 ngày/tuần, mỗi ngày 2 – 2,5 tiếng. Sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao là lợi thế khiến doanh nghiệp có thêm đơn hàng ngay đầu năm 2024.

Đáng chú ý, kỳ nghỉ lễ vừa qua kéo dài đến 5 ngày, nhưng nhiều người lao động chỉ sắp xếp nghỉ 2 ngày, những ngày còn lại họ đi làm vừa để kịp công ty kịp tiến độ giao hàng cho khách; đồng thời người lao động được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định của pháp luật, được tăng lương thu nhập.

Với diễn biến đơn hàng hiện nay, ông Trung tin rằng kết quả năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty sẽ tăng ít nhất 30% so với năm ngoái.

Cũng với đơn hàng dần phục hồi trở lại, tại Đồng Nai, Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina ở khu công nghiệp Biên Hòa 2, vừa qua cũng chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông để mở rộng sản xuất với mức thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp này đã chủ động liên hệ công nhân cũ để mời trở lại làm việc và chi trả mức lương tại thời điểm thôi việc (tối đa không quá bậc 4). Doanh nghiệp có các chính sách ưu đãi dành cho công nhân có tay nghề may và khuyến khích người lao động giới thiệu người thân, bạn bè đến công ty làm việc có mức thưởng từ 1,2-1,5 triệu đồng/người.

Hay tại Công ty TNHH Cibao, đơn vị lâu năm trong lĩnh vực da giày cũng đang cần gấp lượng lớn lao động phổ thông lẫn các vị trí chuyên môn trình độ cao như: quản lý chất lượng, quản lý nhà máy, thợ điện, QC…với các yêu cầu cao về tiếng Anh, tiếng Hoa.

Đáng chú ý, trước đó tại TPHCM, Công ty PouYuen thuộc Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan), nhà sản xuất giày dép thể thao cho Nike, Adidas, New Balance, Timberland và Salomon cũng thông báo tuyển dụng nhiều lao động trở lại sau khi cắt giảm 9.500 lao động vào năm ngoái.

Cụ thể với đơn hàng quay trở lại, PouYuen cần tuyển dụng 1.000 lao động và tuyển dụng cả lao động trên 40 tuổi nếu có tay nghề. Công ty cho biết có xe đưa rước cho công nhân tại Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp đến làm việc ở nhà máy thuộc quận Bình Tân (TPHCM).

Cùng với PouYuen, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày khác trên địa bàn TPHCM và cả khắp các tỉnh thành cũng tục rịch tuyển dụng lao động trở lại sau khi sa thải và cho nghỉ nhiều vào 2 năm qua.

Nút thắt nguyên phụ liệu

Theo nhiều doanh nghiệp, từ cuối năm ngoái và đặc biệt là quí đầu năm nay, tình hình đơn hàng đã dần hồi phục, dù chưa về như thời điểm trước năm 2023.

Nút thắt lớn của ngành sản xuất da giày Việt Nam là chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Ảnh minh họa: H.L

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách các loại trong quí 1-2024, đạt khoảng 5,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, 5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.

Mức tăng trưởng xuất khẩu giày dép, túi xách của quí 1 theo các chuyên gia là chưa phản ánh sự hồi phục hoàn toàn của thị trường giày dép thế giới, bởi năm ngoái, ngành da giày và túi xách giảm gần 4 tỉ đô la so với năm 2022, chỉ đạt trên 24 tỉ đô la.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chí Trung cho rằng thị trường xuất khẩu giày dép các nước trên thế giới hiện chưa phục hồi nhiều mà đơn hàng Gia Định cũng như các doanh nghiệp cùng ngành có được chủ yếu là do các nhà nhập khẩu, nhãn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải xoay xở để tìm thị trường ngách mới sau một năm sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất còn cho biết, khách hàng đặt đơn hàng nhỏ và giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước. Đáng chú ý, dù đơn hàng tăng trở lại nhưng giá trị hàng hóa vẫn còn thấp, trong khi chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, nhất là vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp Hội Da – giầy – Túi xách Việt Nam (Lefaso) và là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) cũng cho rằng, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển.

Theo ông Thuấn, các doanh nghiệp chủ yếu tâp trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9-6-2014 đã xác định dệt may – da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành”, ông Thuấn nhìn nhận.

Trên cơ sở đó, ông Thuấn kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.

Từ thực tiễn ngành da giày hiện chủ yếu là doanh nghiệp FDI, đang mở rộng quy mô và mua các doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cụng cho rằng việc có trung tâm sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Do đó, nếu không có những biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.

Sức ép sản xuất bền vững tăng cao

Bên cạnh nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso còn chỉ ra những sức ép mới với doanh nghiệp trong ngành từ các thị trường nhập khẩu, nhãn hàng. Đó là các quốc gia nhập khẩu giầy dép lớn đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

Ảnh minh họa: TL

Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3-2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

“Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với lợi thế nhiều FTA được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp”, bà Xuân nhấn mạnh.

Những yêu cầu này buộc các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Điều này tiếp tục đặt lên vai các doanh nghiệp trong ngành những áp lực về mục tiêu phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng sức cạnh tranh.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dù đã có chiến lược, đề án tái cơ cấu ngành nhưng việc phát triển còn hạn chế. Hiện vẫn còn những quy định gây cản trở làm tăng chi phí, giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngành da giày vẫn sản xuất với giá trị gia tăng thấp, chưa đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mức độ tự động hóa, chuyển đổi số, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đồng tình việc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp quy định, xu hướng mới. Đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, tận dụng có hiệu quả cơ hội từ các FTA…

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/da-giay-viet-gap-kho-tu-nguyen-phu-lieu-den-suc-ep-san-xuat-ben-vung/