Báo động về doanh thu sách in tại Nhật Bản

Kyodo News dẫn số liệu từ một cuộc khảo sát của hiệp hội ngành xuất bản Nhật Bản cho biết gần 30% đô thị nước này không có hiệu sách truyền thống.

Cuộc khảo sát của Hiệp hội ngành xuất bản Nhật Bản gần đây đã cho thấy thực trạng đáng lo ngại của ngành xuất bản nước này.

Tín hiệu đáng lo ngại

Cụ thể, tính đến tháng 3 năm nay, trong tổng số 1.741 đơn vị dân cư trên toàn Nhật Bản, có tới 482 thành phố, thị trấn và làng mạc, tương đương 27,7%, không có hiệu sách. Tỷ lệ này tăng nhẹ từ 26,2% trong cuộc khảo sát trước đó vào tháng 9 năm 2022. Và nếu tính tổng thể các thành phố, thị trấn và làng mạc hoàn toàn không có khả năng hoặc bị hạn chế tiếp cận hiệu sách thì con số thực tế là 47,4%.

Tại các tỉnh Okinawa, Nagano và Nara, hơn một nửa số thành phố, thị trấn và làng mạc không có hiệu sách nào, với tỷ lệ lần lượt là 56,1%, 53,2% và 51,3%.

Sụt giảm dân số và sự phát triển công nghệ mạnh mẽ phần nào khiến số lượng hiệu sách tại Nhật Bản sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa: The Japan Times.

Hiện tại, trên khắp Nhật Bản có 7.973 hiệu sách, không bao gồm các hiệu sách cũ và hiệu sách thuộc trường học. Con số này đã giảm 609 hiệu sách so với cuộc khảo sát trước đó. Đáng chú ý, có 343 thành phố trực thuộc trung ương chỉ có một hiệu sách.

Các khu vực nông thôn có dân số suy giảm mạnh cũng là nơi ghi nhận số lượng hiệu sách sụt giảm đáng kể, trong khi toàn bộ 23 phường ở trung tâm Tokyo vẫn còn hiệu sách.

Thị trường sách in ảm đạm

Theo Viện Nghiên cứu Xuất bản Nhật Bản, quy mô thị trường sách in và sách điện tử nước này là khoảng 1,6 nghìn tỷ Yên (10,11 tỷ USD) vào năm 2023. Chỉ riêng riêng sách bìa mềm là khoảng 1,06 nghìn tỷ Yên (6,7 tỷ USD), giảm khoảng 6% so với năm trước. Số liệu này tiếp tục xu hướng sụt giảm doanh thu kể từ khi đạt đỉnh 2,66 nghìn tỷ Yên (16,8 tỷ USD) vào năm 1996.

Trước đây, doanh số bán tạp chí, sách bìa mềm và truyện tranh manga là nguồn thu chính của các hiệu sách. Tuy nhiên, các sản phẩm này không còn lợi thế với sự phát triển của các nhà bán lẻ trực tuyến cùng sự phát triển của Internet và sự đa dạng hóa hoạt động giải trí, chẳng hạn các nền tảng phát trực tuyến video.

Shuichi Matsuki, CEO Quỹ Văn hóa Công nghiệp Xuất bản Nhật Bản, cho biết: “Môi trường kinh doanh của các hiệu sách trở nên khắc nghiệt hơn khi chi phí nhân sự tăng lên trong khi doanh số bán hàng giảm".

CEO Matsuki nói thêm rằng các hiệu sách, thông qua hợp tác với các nhà xuất bản và nhà văn, cần làm cho tên tuổi của họ trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng.

Chính phủ hành động

Chính phủ Nhật Bản đang tìm kiếm các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng các hiệu sách truyền thống biến mất. Các hiệu sách có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức bằng cách mang đến cơ hội khám phá những cuốn sách ngoài sở thích thông thường của một người, trái ngược với xu hướng trực tuyến là tìm kiếm diện hẹp phục vụ cho những sở thích cụ thể.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito thăm một hiệu sách tại Tokyo. Ảnh: Kyodo.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito, sau khi thảo luận với các nhà quản lý hiệu sách trong tháng này, cũng đã bày tỏ tầm nhìn của mình về việc "hướng tới tương lai nơi các thư viện, trang web trực tuyến và hiệu sách cùng tồn tại".

Vào ngày 5/3, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cũng đã thành lập một nhóm dự án dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng nhằm đưa các hiệu sách thành cơ sở quảng bá văn hóa trong cộng đồng địa phương.

Nhóm dự án sẽ phải đối mặt với thách thức tìm cách thu hút không chỉ những người yêu sách mà cả những người hiếm khi đọc sách, từ đó gia tăng được doanh thu.

Thông tin về nhóm dự án này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết: “Các hiệu sách quen thuộc tại địa phương là nơi mọi người có thể bắt gặp nhiều nội dung khác nhau. Tôi nhận ra tầm quan trọng của các hiệu sách như những cơ sở văn hóa thúc đẩy khả năng sáng tạo của con người”.

Việc thúc đẩy sự phát triển của các hiệu sách cũng ảnh hưởng lớn đến các công ty xuất bản: “Khi số lượng hiệu sách giảm, doanh số bán sách bìa mềm và tạp chí cũng giảm theo. Đó là một đòn giáng mạnh vào các công ty xuất bản. Do đó, chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ từ chính phủ”, một quan chức cấp cao từ một nhà xuất bản lớn cho biết.

Nỗ lực từ người dân địa phương

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân địa phương có tình cảm mãnh liệt với các hiệu sách.

Chuỗi cửa hàng sách lớn Trung tâm sách Yaesu đã khai trương chi nhánh mới gần ga JR Asagaya ở phường Suginami, Tokyo vào ngày 10/2. Chủ thuê trước đó là một hiệu sách hoạt động được hơn 40 năm và đã thông báo vào tháng 11 năm ngoái rằng phải đóng cửa.

Khi hiệu sách địa phương không còn trụ được, Chủ tịch Kazuhiro Sato của Trung tâm sách Yaesu đã quyết định mua lại khu đất trống.

Chi nhánh Asagaya mới rộng 350 m2 hiện được rất nhiều khách hàng ghé thăm mỗi ngày. Được đông đảo khách hàng quan tâm, họ cũng có kế hoạch tổ chức các sự kiện đọc sách trong tương lai.

Hay ở tỉnh Osaka, tiểu thuyết gia Shogo Imamura đã tiếp quản một hiệu sách đang trên đà đóng cửa. Ông hiện điều hành 2 hiệu sách, một ở Minoh và một ở thành phố Saga. Dựa trên kinh nghiệm quản lý hiệu sách, ông cho biết: “Hiệu sách không chỉ cung cấp sách mà cũng cần mang đến nhiều nội dung khác. Việc quản lý hiệu sách không thể chỉ thực hiện được bằng ước mơ. Sẽ tốt hơn nếu có hệ thống dạy quản lý và hỗ trợ những người muốn mở hiệu sách”.

Tại phường Minato, Tokyo, các tòa nhà phức hợp Roppongi Hills và Azabudai Hills cũng có chủ thuê là các hiệu sách.

Các đại diện tòa nhà cho biết, du khách thường coi các hiệu sách là cơ sở vật chất mà họ muốn thấy tại những khu phức hợp. Và mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các hiệu sách thấp nhưng sự hiện diện của chúng có thể góp phần tạo ấn tượng về sự tinh tế của các tòa nhà và thúc đẩy hình thành các cộng đồng địa phương mới. Vì vậy, các tòa nhà vẫn giữ giá thuê các hiệu sách ở mức thấp.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/bao-dong-ve-doanh-thu-sach-in-tai-nhat-ban-post1473358.html