6 địa phương bị 'bêu tên' giải ngân đầu tư công chậm

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Tài chính cho biết, sau 3 tháng đầu năm 2024 có 6/12 địa phương, bao gồm tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm trong 3 tháng đầu năm 2024 của cả nước hiện đạt 13,67%. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận mới chỉ giải ngân 10,66%, tỉnh Gia Lai là 10,16%, tỉnh Đồng Nai là 9,19%, tỉnh Bình Dương đạt 10,54%, tỉnh Bình Phước đạt 12,61% và tỉnh Tây Ninh đạt 13,24%.

Sau 3 tháng đầu năm 2024 có 6/12 địa phương đang có tốc độ giải ngân đầu tư công chậm (Ảnh: LĐ)

Ước dự kiến khả năng giải ngân của 4 tháng năm 2024 của 6 địa phương không có nhiều đột phá, cụ thể tỉnh Bình Thuận ước 12,88%, tỉnh Gia Lai: 11,37%, tỉnh Đồng Nai: 18,43%, tỉnh Bình Dương: 16,79%, tỉnh Bình Phước: 16,36%, tỉnh Tây Ninh: 18,18%.

Ngoài ra đến hết 31/3, nhiều dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024), cụ thể: tỉnh Bình Thuận 5 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Đồng Nai 5 dự án; tỉnh Bình Dương 2 dự án; tỉnh Bình Phước 4 dự án; tỉnh Tây Ninh 2 dự án.

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh và các sở, ngành liên quan triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024; Chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu.

Bộ Tài chính đề nghị huy động cả hệ thống chính trị địa phương tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Chỉ đạo các chủ đầu tư, các Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng khẩn trương kiểm đếm, đền bù,... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện. Kịp thời báo cáo cụ thể các khó khăn vướng mắc cản trở làm chậm tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

“Không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/6-dia-phuong-bi-beu-ten-giai-ngan-dau-tu-cong-cham-post294316.html