Yên Bái tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa

Những ngày qua, thời tiết nồm ẩm, thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: sởi, cúm A H5N1, cúm A H7N9, sốt xuất huyết...

Cán bộ Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.

Cán bộ Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.

Trung bình tuần qua tại Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái có khoảng 80 bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi, hen phế quản, cảm cúm. Để đảm bảo công tác khám, điều trị kịp thời cho bệnh nhi và sản phụ, tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện đều tăng cường nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền...

Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Phương Thảo - Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: "Thời tiết giao mùa nồm ẩm, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất cao khiến trẻ nhỏ dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh còn tái phát nhiều lần. Có những trẻ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 2 lần do viêm đường hô hấp".

Đưa con trai 3 tuổi đến khám và điều trị tại khoa, chị Nguyễn Hồng Ngọc ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: "Cháu nhà tôi khỏe mạnh, ít khi ốm vặt, tuy nhiên, những ngày qua, thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường, gia đình thấy cháu bị sổ mũi, ho. Gia đình đã cho uống thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng bệnh không thuyên giảm. Cháu nhập viện với các triệu chứng sốt nhẹ, ho, sổ mũi, quấy khóc, khó ngủ về đêm. Sau khi khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phổi. Qua gần một tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe cháu đã dần ổn định”.

Còn Trung tâm Y tế huyện Lục Yên từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị chủ yếu là trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, người cao tuổi mắc bệnh lý nền phải theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ Trần Trung Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cho biết: "Trung tâm luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện, hóa chất nhằm ứng phó các tình huống dịch bệnh lây lan. Cùng đó, Trung tâm thực hiện tốt việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám, chữa bệnh; phân tầng điều trị, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị; phòng, chống lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế".

Trung tâm Y tế huyện cũng giao từng khoa, phòng tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ổ dịch, chùm ca bệnh có đặc điểm bất thường để có biện pháp xử lý nhanh chóng, hạn chế số ca mắc bệnh, chuyển nặng và tử vong; đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn huyện; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, Trung tâm phối hợp cùng các trạm y tế xã tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm A H5N1, cúm A H7N9, sốt xuất huyết… có nguy cơ lây nhiễm cao; tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là; kiên quyết ngăn chặn, khoanh vùng, xử lý dịch triệt để, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; chủ động bố trí trang thiết bị, vật tư, hóa chất để xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội đầu năm 2024, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm, mỗi người dân hãy chủ động tiêm vaccine phòng bệnh, nhất là trẻ em cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số loại vaccine cúm mùa, các loại bệnh truyền nhiễm được cung ứng phổ biến ở các điểm tiêm chủng dịch vụ sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, mọi người cần vệ sinh sạch sẽ nhà ở, nơi làm việc; đảm bảo ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; đặc biệt không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Nếu có các dấu hiệu nghi mắc bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bùi Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/318660/yen-bai-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-thoi-diem-giao-mua.aspx