Vì sao doanh nghiệp Việt chậm chinh phục các nhà thu mua lớn trên toàn cầu?

Việc chậm chinh phục những nhà thu mua lớn trên toàn cầu của các doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều vấn đề cần được mổ xẻ. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp để thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng cần có những sáng kiến hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Thành Huy, nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, kể lại rằng trong thời gian công tác tại Thương vụ, điều mà ông nhận thấy vấn đề của doanh nghiệp (DN) Việt khi tham gia các chương trình triển lãm hay hội chợ tại nước ngoài là ít chủ động phương thức tiếp cận, khó gây ấn tượng với đối tác thu mua, bán lẻ do hạn chế về không gian và thời gian.

Cần hoàn thiệnsự chuyên nghiệp

Theo ông Huy, một phần là vì họ hạn chế năng lực hay kiến thức phát triển thị trường, còn một phần khác do thiếu hụt nguồn lực để thâm nhập sâu rộng. Chính vì vậy, việc xúc tiến, quảng bá và thâm nhập thị trường của các DN Việt cần thời gian và sự kiên trì để thành công.

Để chinh phục những nhà thu mua quốc tế đòi hỏi các nhà cung ứng của Việt Nam khi tiếp cận cần thật sự chuyên nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Tập đoàn Walmart (Mỹ) tại Việt Nam, khi làm việc với một số DN ở Đồng bằng sông Cửu Long để tìm nguồn cung ứng nông sản thì thấy rằng có một mức độ nào đó từ những DN này là chưa thật sự chuyên nghiệp. Đây thực sự là điều rất đáng lưu tâm.

“Bởi vì khi họ tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao hơn của Walmart sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn. Bản thân tôi là người Việt cho nên tôi có thể hiểu được các quan điểm, cách suy nghĩ của các DN Việt, nhưng khi họ gặp mặt những người có tiếng nói quyết định trong việc đặt hàng lại không biết sẽ trình bày như thế nào. Nhất là khi việc giao tiếp với đại diện nhà thu mua là yếu tố rất quan trọng, là một phần trong vấn đề về dịch vụ”, ông Trọng chia sẻ.

Thậm chí, như lưu ý của vị trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới, có những chủ DN Việt khi tiếp xúc với đại diện nhà thu mua quốc tế nhưng lại nói tiếng Anh rất kém. Điều này khiến cho các nhà thu mua băn khoăn liệu những DN này có thực sự là đối tác để họ mua hàng hóa hay không. Và khi chứng kiến một thực tế như vậy, điều khó tránh khỏi sau buổi gặp gỡ giữa DN và nhà thu mua là sẽ không có được đơn đặt hàng nào.

Trong khi đó, theo thông tin được Thương vụ Việt Nam tại Brazil đưa ra vào ngày 9/5, hiện nay, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường Brazil đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt cả về chất lượng và giá cả đến từ các đối thủ XK như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.

Điều đó khiến cho hàng Việt vẫn chưa thể chinh phục các nhà thu mua lớn tại Brazil. Ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil, cho rằng cộng đồng DN xuất khẩu trong nước cũng như các địa phương, hiệp hội vẫn còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường và bảo vệ các thị trường XK truyền thống.

Số liệu XK của Việt Nam vào thị trường này hồi quý 1/2024 cho thấy có sức tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ đạt 676 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang thị trường Brazil từ đầu năm đến nay có thể kể đến: Túi xách, vali; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép các loại; cao su; điện thoại và linh kiện; xơ, sợi, dệt các loại; máy móc và thiết bị…

Ngược lại, kim ngạch XK của Brazil vào Việt Nam trong quý 1 vừa qua đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng đến 38%, với các sản phẩm chủ yếu như thức ăn gia súc và nguyên liệu; bông các loại, ngô, đậu tương, quặng và khoáng sản khác.

Nên khắc phục ngay mặt yếu

Không chỉ với đối mặt với cạnh tranh ở thị trường Brazil, việc đưa hàng Việt vào các kênh phân phối ở thị trường Mỹ Latinh nói chung vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là năng lực cung cấp của các DN Việt chưa thể đáp ứng nhu cầu cao từ các nhà thu mua.

Đơn cử như tại thị trường Mexico. Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước này, cho biết Tập đoàn Coppel (có 1.700 điểm bán hàng trên 34 tiểu bang của Mexico) đang xem Việt Nam là sự lựa chọn nguồn cung ứng hàng đầu của họ, nhất là kể từ tháng 8/2023 khi Mexico quyết định tăng thuế cho hơn 300 mặt hàng đối với những nước không ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với quốc gia này.

Theo ông Khang, trong thời gian vừa qua Coppel đã đặt hàng ở Việt Nam với 2 mặt hàng là dây thép DMI và giá đỡ tivi. Ngoài ra, tập đoàn này đang mong muốn tìm hiểu nhập khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của họ là 500.000 lốp/năm. Họ còn có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như giày dép với 65 triệu đôi/năm, quần áo có thể lên đến 200 triệu sản phẩm/năm…Tuy nhiên, sau ba năm vào Việt Nam thì Coppel vẫn chưa tìm được nhà XK mà có thể đảm bảo nhu cầu của họ.

Từ những vấn đề nêu trên để thấy việc chinh phục những nhà thu mua lớn trên toàn cầu của các DN Việt còn nhiều vấn đề cần được mổ xẻ và nên khắc phục ngay các mặt yếu của mình. Chẳng hạn như việc XK vào thị trường Mỹ Latinh đòi hỏi cần nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp các DN Việt thuận lợi trong XK. Bởi lẽ chi phí vận chuyển hàng hóa cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng và cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với các đối thủ XK từ các quốc gia khác.

Ngoài ra, trước những mặt hạn chế của DN Việt, ông Nguyễn Thành Huy có đưa ra câu chuyện của người Thái với nhiều điểm có thể tham khảo, học hỏi. Theo đó, các DN ở Thái Lan đang theo đuổi Công thức 3P (People – con người, Product – sản phẩm, Place – địa điểm) và 1S (Service – dịch vụ) được triển khai thông qua 4 hoạt động trụ cột gồm Capacity Building – xây dựng năng lực; Value Creation – kiến tạo giá trị; Trade Channel – kênh thương mại; Information Service – dịch vụ thông tin).

Ngoài ra, như chia sẻ của ông Huy, Thái Lan còn triển khai nhiều sáng kiến giúp kết nối DN của họ để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với định hướng gắn với lợi ích của các hiệp định tự do thương mại (FTA) – đòn bẩy định hướng XK vào các thị trường mục tiêu qua các chương trình xây dựng giá trị sản phẩm dưới mô hình kinh tế “Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG)”, quảng bá thương hiệu quốc gia hay nền tảng giao thương quốc tế tập trung vào 6 trụ cột XK thế mạnh của nước này.

Tóm lại, để các DN Việt chinh phục được các nhà thu mua lớn trên thế giới và thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi còn nhiều việc làm từ phía DN và cách thức hỗ trợ của Nhà nước cũng cần có những sáng kiến hiệu quả hơn (điều này có thể tham khảo từ một số quốc gia khác). Trong đó, riêng bản thân DN phải thực sự chuyên nghiệp hơn khi tiếp cận nhà thu mua lớn, sẵn đáp ứng đủ nhu cầu và yêu cầu về các tiêu chuẩn, tăng sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả…

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vi-sao-doanh-nghiep-viet-cham-chinh-phuc-cac-nha-thu-mua-lon-tren-toan-cau-1099684.html