Trường Sa trong tôi: Cứu nạn trên biển, nhiệm vụ thời bình (Kỳ cuối)

Trang sử về Trường Sa không chỉ là chuyện giành và giữ đảo trong bối cảnh cụ thể của lịch sử, mà vẫn đang được viết tiếp bởi những nhiệm vụ của Hải quân trong thời bình.

Trong chuyến công tác Trường Sa vừa qua, tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân về công tác cứu nạn, không để xảy ra xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển và củng cố quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực.

Trường Sa trong tôi: Cứu nạn trên biển, nhiệm vụ thời bình (Kỳ cuối)

Trường Sa trong tôi: Cứu nạn trên biển, nhiệm vụ thời bình (Kỳ cuối)

Thưa ông, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã có gần 50 năm hình thành và phát triển, với nhiệm vụ sẵn sàng cơ động chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa, ông có thể cho biết đôi nét về đơn vị?

Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo suốt chiều dài các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, từ Đèo Ngang, Quảng Bình đến đảo Cù Lao Xanh, Bình Định các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ và quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, Vùng 3 Hải quân luôn sẵn sàng cơ động chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển trọng điểm hay các nhiệm vụ đột xuất khác khi có lệnh.

Với nhiệm vụ không để xảy ra xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển và quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 đã và đang quyết tâm xây dựng đơn vị cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân vẫn đang cố gắng phấn đấu để xứng đáng với truyền thống tự hào của các thế hệ cha anh: “Tích cực, chủ động, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.

Thực thi nhiệm vụ tại vị trí đặc biệt như Trường Sa, điều đó hẳn khiến đơn vị vừa vinh dự, tự hào nhưng cũng luôn đối mặt với những thách thức, thưa ông?

Các đơn vị trực thuộc Vùng 3 thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm túc mọi chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường tuần tra, trinh sát, nắm chắc tình hình trên biển; xây dựng và luyện tập thành thục các phương án, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và trực tiếp xử lý các tình huống trên biển theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi luôn ghi nhớ và tự hào về truyền thống quả cảm, từng lập nên nhiều chiến công anh dũng của các thế hệ cha anh. Trong những tình huống đối mặt với khó khăn, hiểm nguy nhưng cán bộ, chiến sĩ của Vùng, nhất là lực lượng trực tiếp đấu tranh ngoài thực địa luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, bình tĩnh, dũng cảm kiên cường, không lùi bước, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đặc biệt, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 luôn sẵn sàng và hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ, không quản khó khăn, gian khổ. Vùng 3 sẵn sàng lực lượng, phương tiện chi viện cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khi có lệnh để tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Trường Sa. Giữa trời biển mênh mông sóng gió, nhiều lúc cận kề với những tình huống hiểm nguy, đối mặt giữa sự sống với cái chết, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Có nhiều con tàu chiến đấu của Vùng 3 đã “lập nên chiến công đánh thắng trận đầu”, mãi mãi là niềm tự hào, là di sản tinh thần quý báu của Vùng 3 nói riêng và của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung. Những chiến công đó còn là động lực mạnh mẽ để thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay tiếp tục kiên định và thể hiện sức mạnh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đặc biệt, trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên trên biển là một trong những nhiệm vụ chính thời bình, chúng tôi luôn xác định trách nhiệm mà những người lính phải làm để bảo vệ người dân cũng như ngư dân được đảm bảo an toàn vươn khơi bám biển, đồng thời cũng là bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc.

Với những thành tích đạt được, Vùng 3 Hải quân vinh dự có bốn đơn vị được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Trạm Radar 535 thuộc Trung đoàn 351; Tàu 331 thuộc Lữ đoàn 172; Tàu 851 thuộc Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172; 17 tập thể được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương các hạng; hàng trăm lượt tập thể, hàng nghìn lượt cá nhân được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trao tặng các phần thưởng cao quý; nhiều cán bộ, sĩ quan trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của Quân chủng Hải quân và quân đội.

Đại tá Đoàn Bảo Anh trao huy hiệu chiến sĩ Trường Sa cho các đại biểu tham gia chuyến công tác tại Trường Sa, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyến Tấn Tuấn)

Đại tá Đoàn Bảo Anh trao huy hiệu chiến sĩ Trường Sa cho các đại biểu tham gia chuyến công tác tại Trường Sa, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyến Tấn Tuấn)

Trong thời bình, nhưng có thể thấy hoạt động cứu nạn trên biển của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân căng thẳng không kém thời chiến. Ông có thể chia sẻ đôi nét về nhiệm vụ này?

Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn được coi như nhiệm vụ chiến đấu. Xuất phát từ trách nhiệm với nhiệm vụ được giao và trái tim người lính, trong mọi trường hợp, khi nhận lệnh, các cán bộ, chiến sĩ nỗ lực hết mình, làm tất cả những gì có thể để cứu ngư dân cũng như các phương tiện trên biển.

Tôi cùng các cán bộ và chiến sĩ Vùng 3 đã thực hiện được nhiều chuyến cứu hộ đưa về bờ nhiều ngư dân và các phương tiện của họ. Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi cố gắng hết sức để đưa ngư dân về đất liền an toàn, góp phần vào sự bình yên của đời sống nhân dân khi thực hiện sinh kế trên biển.

Chúng tôi luôn xác định công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân là nhiệm vụ chiến đấu thời bình và vô cùng cao cả của người lính.

Trong số đó hẳn sẽ có những chuyến cứu hộ để lại ấn tượng trong đời quân ngũ của ông?

Có rất nhiều câu chuyện còn để lại nguyên ấn tượng trong tôi. Năm 2017, khi cơn bão số 12 với tâm bão đi vào khu vực vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, chúng tôi được lệnh đi cứu tàu dân của Bình Định ở cách bờ khoảng 60 hải lý. Khi tâm bão đến gần, dù chỉ với phương tiện cứu hộ là một chiếc tàu nhỏ nhưng chúng tôi đã quyết định đi thẳng vào tâm bão và cứu được hai ngư dân, đưa họ vào bờ an toàn trong sự vui mừng khôn xiết của người dân đi biển.

Hồi tháng 10/2023, Vùng 3 đã đưa được hơn 80 ngư dân gặp nạn ở Trường Sa về đất liền, cùng đợt có liền hai tàu cá gặp nạn. Đêm ngày 16/10/2023, tàu cá Qna-90129 TS đang hoạt động cách đảo Song Tử Tây, Trường Sa khoảng 70 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc thì bị lốc xoáy đánh chìm. Tiếp đến, vào lúc 1h00 ngày 17/10, tàu cá Qna-90927 TS đang hoạt động, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc cũng gặp nạn tương tự.

Sau khi nhận thông tin các tàu và ngư dân gặp nạn trên biển, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã cử bốn tàu mở rộng phạm vi tìm kiếm và tiếp cận, sau đó đã đón và đưa các ngư dân về đất liền an toàn. Trong quá trình đón các ngư dân, lực lượng chức năng đã tiến hành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt bố trí chỗ ăn, nghỉ cho bà con. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chiến đấu nên đã nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm các ngư dân gặp nạn.

Cách đây khoảng hơn chục năm, có một tàu đánh cá của Indonesia bị chìm. Do thời tiết xấu nên dù rất nỗ lực nhưng khi đến nơi, chúng tôi đã rất buồn khi trên tàu chỉ còn duy nhất một người sống sót. Chúng tôi đã tìm mọi cách để đưa người dân đó và kéo tàu cá vào bờ, bàn giao cho lực lượng biên phòng. Tôi không thể quên được cảm xúc khi chia tay với người ngư dân. Dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng qua đôi mắt rưng rưng và cách anh bắt tay từng người lúc chia tay vẫn còn gợi lên trong tôi cảm giác rưng rưng.

Vượt qua những nguy hiểm khó khăn để đưa những niềm vui, hạnh phúc như vậy đến với nhân dân là điều mà chúng tôi có thể hy sinh cả tính mạng của mình để thực hiện.

Lời kết

Chuyến công tác Trường Sa diễn ra trong vỏn vẹn tám ngày ngắn ngủi. Thời tiết không cho phép chúng tôi đến thăm từng điểm đảo, để trò chuyện với từng chiến sĩ, người dân đang ngày đêm gìn giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Từ hành trình lênh đênh trên biển, đối mặt với những trận say sóng, càng thêm ngưỡng mộ vô cùng sự quả cảm và sẵn sàng hy sinh của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, qua câu chuyện của hai cựu đặc công nước khi trở lại chiến trường xưa; Từ cảm nhận một Trường Sa bi tráng trong lịch sử, đến đẹp như tranh họa đồ ngày hôm nay và sự khốc liệt cả trong thời bình qua lời kể cán bộ, chiến sĩ hải quân và những người dân chân chất, hiền lành trên đảo. Họ và Trường Sa đã chiếm một vị trí trang trọng trong tim chúng tôi, cũng như bất kỳ ai có vinh dự được tham gia chuyến đi đặc biệt này. Xin cảm ơn các chiến sĩ và đồng bào nơi đây vì tất cả!

(thực hiện)

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truong-sa-trong-toi-cuu-nan-tren-bien-nhiem-vu-thoi-binh-ky-cuoi-271682.html