Trung Quốc điều tra quan chức chống tham nhũng để giữ sạch 'lưỡi kiếm'

Trong 10 năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng các cơ quan giám sát nội bộ của đảng trong chiến dịch chống nham nhũng ở hầu hết các cơ quan công quyền. Giờ đây, chiến dịch này nhắm đến các mục tiêu mới. Đó là, các quan chức ở Ủy ban Kiểm tra Kiểm tra – Kỷ luật trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC), hai cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của đất nước.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ năm 2012, chiến dịch trấn áp tham nhũng “đả hổ diệt ruột” do Chủ tich Tập Cận Bình phát động đã bắt giữ ít nhất 4,7 triệu quan chức cấp thấp và hàng nghìn quan chức cấp cao hơn. Ảnh minh họa: China Daily

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ năm 2012, chiến dịch trấn áp tham nhũng “đả hổ diệt ruột” do Chủ tich Tập Cận Bình phát động đã bắt giữ ít nhất 4,7 triệu quan chức cấp thấp và hàng nghìn quan chức cấp cao hơn. Ảnh minh họa: China Daily

Ít nhất 20 quan chức của CCDI và NSC bị điều tra trong năm nay, theo thông báo chính thức và phân tích của các nhà nghiên cứu. Con số bị điều tra trong sáu tháng qua nhiều hơn tổng số quan chức của CCDI và NSC bị điều tra trong bất kỳ năm nào kể từ 2014, năm đỉnh điểm của chiến dịch chống tham nhũng.

Theo Alex Payette, CEO của Cercius Group, một công ty tư vấn chuyên về giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc, dù nhiều trường hợp bị điều tra là các quan chức cấp thấp và không tập trung vào các vị trí lãnh đạo, động thái tăng cường giám sát bộ máy chống tham nhũng đang trở nên “rất căng thẳng”.

“Trung Quốc đang chuyển sang một giai đoạn khác của cuộc trấn áp tham nhũng khi nước này cố gắng giữ cho lưỡi kiếm sạch sẽ”, ông nói.

Hồi tháng 1, chỉ vài tháng sau được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo mới đối với các quan chức hàng đầu của CCDI về hành vi của họ. Ông nói Trung Quốc “sẽ chỉ trở nên hùng mạnh nếu đảng duy trì được sức mạnh của mình”.

“Những quan chức tham nhũng không có dấu hiệu kiềm chế bản thân cần phải bị trừng phạt. Tham nhũng liên quan đến cả yếu tố chính trị và kinh tế cần được điều tra và xử lý kiên quyết”, truyền thông nhà nước trích dẫn lời của Chủ tịch Tập Cân Bình.

Dưới thời kỳ cầm quyền của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, các cuộc trấn áp chống tham nhũng được phát động liên tục.

Andrew Wedeman, chuyên gia về tham nhũng Trung Quốc tại Đại học bang Georgia (Mỹ), ghi nhận số vụ điều tra nhắm mục tiêu vào chính các nhà điều tra chống tham nhũng ở Trung Quốc đang gia tăng. Động thái tăng giám sát nội bộ có nhiều khả năng phản ánh bản chất “mãn tính, không bao giờ kết thúc” của vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc, dù chống tham nhũng là một trong những chính sách nổi bật của ông Tập.

“Rõ ràng, nạn tham nhũng vẫn chưa bị tê liệt ở Trung Quốc”, Wedeman nói.

Các chuyên gia vẫn bất đồng về nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng ở Trung Quốc. Một số người cho rằng hối lộ chủ yếu là do mối quan hệ giữa giới tinh hoa chính trị và doanh nhân trong khi những người khác nhận định tham nhũng trở thành vấn nạn phổ biến trong xã hội vì mức lương thấp khiến các quan chức lương dễ bị cám dỗ bởi hối lộ.

Theo truyền thông nhà nước, kể từ năm 2012, chiến dịch trấn áp tham nhũng của Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 4,7 triệu quan chức cấp thấp, hay còn gọi là “ruồi”, cũng như hàng nghìn quan chức cấp cao hơn, hay còn gọi là “hổ”.

Giáo sư Lynette Ong của Đại học Toronto (Canada) cho rằng, việc nhắm mục tiêu vào các quan chức CCDI cho thấy chiến dịch chống tham nhũng hiện tại có thể đang chuyển sang một “giai đoạn nâng cao”.

“Vẫn còn quá sớm để suy đoán liệu điều này có báo trước sự kết thúc của chiến dịch chống tham nhũng hay không nhưng đó chắc chắn là một cột mốc quan trọng”, bà nói.

Theo Lynette Ong, trong thập niên qua, trọng tâm điều tra chống tham nhũng của CCDI đã chuyển từ quan chức địa phương sang quan chức chính quyền cấp tỉnh và trung ương và sang các ngành “từ ngoại vi đến cốt lõi”.

Trong những năm gần đây, trọng tâm của CCDI đã mở rộng ra cả các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp trong các ngành mà ông Tập xem là đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia và ổn định kinh tế, bao gồm tài chính, năng lượng, công nghệ và quốc phòng.

Yuen Yuen Ang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết giải pháp của ông Tập đối với các chu kỳ thăng trầm lịch sử của Trung Quốc dường như là “cuộc chiến chống tham nhũng vĩnh viễn”.

“Có lẽ thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh là ai sẽ giám sát những người giám sát chống tham nhũng? Sự chuyển hướng điều tra nhằm vào quan chức chống tham nhũng phản ánh điều này”, bà nói thêm.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-dieu-tra-quan-chuc-chong-tham-nhung-de-giu-sach-luoi-kiem/