Tour du lịch độc đáo thăm làng 'cá gỗ'

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch 'Làng cá gỗ - sau ánh hào quang' vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.

Du khách thăm làng "cá gỗ" Quỳnh Đôi

Làng “Cá gỗ”

Làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vốn nổi tiếng là "cái nôi" văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học của vùng Bắc Trung Bộ. Về với mảnh đất địa linh nhân kiệt Quỳnh Đôi, du khách không khỏi bồi hồi, xúc động trước những câu chuyện về các “ông Nghè, ông Tổng”, hay sự lam lũ, chịu thương, chịu khó của người dân ở vùng quê yên bình nơi đây. Đặc biệt, hình ảnh các cô “thôn nữ” ở làng Quỳnh Đôi tái hiện gánh nước trong câu chuyện của “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương ở Giếng Bà Cả (ở gần khu vực Đền Thần) đã để lại sự tò mò, thích thú cho du khách.

Gánh nước bằng lu để tái hiện câu chuyện Hồ Xuân Hương.

Vào thế kỷ XIV, các cụ Hồ Khai giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng Nguyễn Thạc và Hoàng Thánh đến đây khai cơ, lập ấp và đặt tên là "Thổ Đôi trang". Ba họ Hồ, Nguyễn, Hoàng cũng là 3 đại tộc ở làng Quỳnh. Đến năm 1528, vào thời nhà Mạc, nơi này được đổi tên thành Quỳnh Đôi. Tính tới nay, mảnh đất Quỳnh Đôi đã có hơn 640 năm hình thành và phát triển.

Ngay khi bước qua cổng làng, du khách sẽ được lắng nghe về lịch sử hình thành và truyền thống hiếu học của người Quỳnh Đôi. Ước tính từ năm 1378 đến 1918, khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, Làng có 734 người đậu tú tài và cử nhân, 4 phó bảng, 7 tiến sỹ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa. Tiêu biểu là ông Hồ Sỹ Dương 3 lần thi đậu giải nguyên và nữ sĩ Hồ Xuân Hương - người được mệnh danh là "bà chúa thơ Nôm" của văn học Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn của tour "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" là tiểu phẩm "Người đã về đây", kể về những ngày ghé làng Quỳnh của Bác Hồ thuở niên thiếu. Dưới cổng làng, người dân làng Quỳnh dựng lại câu chuyện khi Người 13 tuổi, cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về Quỳnh Đôi gặp các sĩ phu Nghệ Tĩnh bàn việc nước. Thông qua hoạt cảnh được dàn dựng giản dị, khách tham quan có thể cảm nhận được sự trân trọng, ngưỡng mộ và chân thành của người dân làng Quỳnh dành cho Bác Hồ.

Bước qua cổng làng Quỳnh, từ phía trái, du khách sẽ có dịp viếng thăm mộ và nhà thờ Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích - danh nhân lịch sử tiêu biểu có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Ông Hồ Phi Tích (1665-1754), tên húy là Kỳ, đậu Hoàng Giáp khoa Canh Thìn (năm 1700) đời vua Lê Hy Tông. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, bộ Hình, tước Quỳnh Quận công. Đến ngày 13/2/2015, mộ và nhà thờ cụ Hồ Phi Tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Sát nhà thờ cụ Hồ Phi Tích là Nhà bia tưởng niệm thi sĩ Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm". Bà được xem là một hiện tượng độc đáo trong nền văn học Việt Nam, để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm đặc sắc như: "Bánh trôi nước", "Tự tình", "Vịnh cái quạt", "Thiếu nữ ngủ ngày"... Thơ của bà là sự đúc kết từ những trải nghiệm giữa cuộc đời, thể hiện khát vọng được yêu, được cảm thông và hiểu thấu cho thân phận của người phụ nữ thời phong kiến.

Vở "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" được đánh giá là "linh hồn" của tour du lịch "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang". Người dân làng Quỳnh kể lại, xưa kia ở làng có 2 nghề chính. Thứ nhất là nghề học, nghề làm thầy đồ. Thứ hai là nghề dệt, nghề nuôi các sĩ tử học hành, thi cử.

Gần Nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nơi tưởng niệm một số anh dân tộc như: tượng đài Anh hùng lực Lượng vũ trang Cù Chính Lan, mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu... Vị trí các nơi này khá gần nhau nên khách tham quan có thể ghé thăm các địa danh nổi tiếng của làng Quỳnh trong vòng một buổi

Tiểu phẩm trên gắn với sự tích về con cá gỗ. Có người thuật lại rằng, con cá gỗ ra đời từ chuyện của một sĩ tử nghèo xứ Nghệ. Trên đường đi thi, ông có ghé vào quán ăn bên đường và chỉ gọi duy nhất một bát cơm, xin thêm ít nước mắm để ăn cùng con cá gỗ mang theo trong tay nải. Khi cơm đã hết, nước mắm đã vơi, thầy lại lau sạch con cá, gói lại và bỏ vào túi.

Người dân làng Quỳnh tái hiện câu chuyện “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”(Ảnh: Tư liệu).

Sự tích về con cá gỗ cũng có lắm phiên bản, song đều là ngụ ý cho việc để đạt được những thành tựu như vậy, người làng Quỳnh đã vượt qua bao gian khó. Con cá gỗ xuất hiện ở khắp nơi trong làng, trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học, cần cù, chịu thương, chịu khó của con dân xứ Nghệ. Và người làng Quỳnh chưa bao giờ thôi tự hào về sự tích con cá gỗ.

Đặt tên tour du lịch là “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang”, chính quyền địa phương và người dân Quỳnh Đôi như đặt cả hy vọng vào sự phát triển của làng khi bắt đầu chuyển hướng làm du lịch. Hơn hết, đó còn là lời nhắn nhủ đến con, cháu làng Quỳnh nói riêng và thế hệ tương lai của đất nước nói chung không ngừng học tập và làm việc, tiếp nối truyền thống hiếu học, cùng bản lĩnh để vượt qua gian khó dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Minh Nhật/Baodantoc.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/tour-du-lich-doc-dao-tham-lang-ca-go-709584.html