Tọa đàm, trao đổi về các vấn đề 'nóng' trong các dự án luật do Bộ Công an chủ trì

Các Luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội khóa XV bao gồm: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Luật Dữ liệu.

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Chiều 17/5, tại Hà Nội, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Thanh Phong nhấn mạnh, buổi tọa đàm tập trung trao đổi, làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách nhất là những điểm mới, sửa đổi trong các dự án luật.

Bên cạnh đó, hai Luật rất quan trọng đã được Quốc hội thông qua là Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cũng rất cần đẩy mạnh tuyên truyền để sớm đi vào cuộc sống.

Tại tọa đàm, trả lời câu hỏi về quy định trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất duy trì quy định cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Cục Cảnh sát giao thông.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Cục Cảnh sát giao thông.

Chung quanh vấn đề này, thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định nồng độ cồn bằng 0 với lái xe là chưa hợp lý.

Về vấn đề này, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, C08 đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, điều tra xã hội học, tổ chức hội thảo, nghiên cứu tác hại rượu bia với người tham gia giao thông.

Ngoài số liệu liên quan đến tai nạn giao thông, hành vi của người khi sử dụng rượu bia còn liên quan rất lớn đến hành vi khác như giết người, gây rối trật tự công cộng. Theo thống kê điều tra xã hội học, 43.000 phạm nhân thì có 42.000 người trước khi phạm tội đã sử dụng rượu bia.

Cũng theo C08, thời gian qua, số nạn nhân chấn thương sọ não vì bị tai nạn giao thông do rượu bia gây ra cao hơn nhiều so với người không sử dụng.

Do đó, việc kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm hành vi đã uống rượu bia còn điều khiển phương tiện giao thông rất hiệu quả, tai nạn liên quan rượu bia năm 2023 giảm hơn nhiều so với 2022.

Với những lý do trên, chúng tôi đề xuất giữ nguyên quy định cấm tuyệt đối việc tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia. Nếu vẫn nghi vấn về kết quả xét nghiệm tại chỗ, người bị kiểm tra có thể yêu cầu đi xét nghiệm máu- đại diện C08 khẳng định.

Về đề xuất bổ sung trừ điểm Giấy phép lái xe tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho rằng, giao thông Việt Nam rất phức tạp, ý thức người điều khiển phương tiện giao thông bị buông lỏng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu cho việc quản lý giấy phép lái xe, nhất là những người bị tước giấy phép lái xe.

Mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn khoảng 500 nghìn Giấy phép lái xe, việc tước giấy phép lái xe đang được thực hiện thủ công. Việc nhiều tài xế đã bỏ không đến lấy làm tồn đọng nhiều giấy phép, gây lãng phí nguồn lực.

Thượng tá Minh cho rằng việc trừ điểm trên Giấy phép lái xe không chỉ là một biện pháp quản lý hành chính mà còn có tính chất của một công cụ răn đe, cảnh tỉnh đối với người lái xe khi vi phạm luật lệ.

Người lái xe vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Thượng tá Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

Thượng tá Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

Trả lời câu hỏi câu hỏi của phóng viên về việc giải quyết vấn đề khó khăn trong xử lý đối tượng mua bán người, Thượng tá Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã xây dựng khái niệm mua bán người trong đó xác định rõ mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên...

Tại tọa đàm, các phóng viên cũng đã được các đơn vị xây dựng Luật trả lời, làm rõ các nội dung như: bổ sung quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), quy định liên quan đến an toàn cho trẻ em khi ngồi xe ô-tô trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng trong dự án Luật Công nghiệp quốc phòng-an ninh và động viên công nghiệp...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/toa-dam-trao-doi-ve-cac-van-de-nong-trong-cac-du-an-luat-do-bo-cong-an-chu-tri-post809881.html