Tỉnh duy nhất nào ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế?

Trong khi Kon Tum có biên giới giáp với cả Lào và Campuchia, có một tỉnh Tây Nguyên không có đường biên giới với quốc gia nào.

1. Tỉnh nào của Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế?

Gia Lai
Đắk Lắk
Lâm Đồng
Đắk Nông

Chính xác

Trong khi Kon Tum có biên giới phía tây giáp với cả hai nước Lào và Campuchia, 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông có chung đường biên giới với Campuchia, riêng Lâm Đồng không có đường biên giới quốc tế.

Phía Đông Bắc của Lâm Đồng giáp với tỉnh Khánh Hòa, phía Đông giáp với tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp Đắk Nông, phía Tây Nam giáp hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk. Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2. Loại đất nào chiếm diện tích lớn ở tỉnh này?

Đất đen
Đất đỏ bazan
Đất phù sa
Đất mùn núi cao

Chính xác

Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên, Di Linh, Bảo Lộc. Loại đất chiếm diện tích lớn ở tỉnh là đất đỏ bazan. Vì chất lượng đất đai của Lâm Đồng rất tốt, khá màu mỡ, trong đó có 200.000ha đất bazan, tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh nên nơi đây rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày.

3. Loại cây nào được trồng ở tỉnh này chiếm diện tích hàng đầu cả nước?

Tiêu
Điều
Ca cao
Chè

Chính xác

Lâm Đồng – thủ phủ của cây chè - được xem là một trong những địa phương có diện tích trồng chè và cho sản lượng lớn nhất cả nước.

Đây là tỉnh sở hữu những đặc tính như độ cao (từ 1000 – 1.100m), khí hậu mát lạnh quanh năm, độ ẩm cao và nguồn đất đỏ bazan màu mỡ được đánh giá là tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Hiện cây chè tập trung chủ yếu ở các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt.

Ngoài cây chè, Lâm Đồng còn đứng thứ hai cả nước về sản xuất cà phê. Tỉnh này nổi tiếng với hạt cà phê Arabica chất lượng cao, được trồng tại Đà Lạt, Lâm Hà và Đức Trọng.

4. Dân tộc thiểu số nào đông nhất ở tỉnh này?

Ê đê
Gia Rai
K’ho
Xê Đăng

Chính xác

Tại Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 338.000 người, chiếm khoảng 26% dân số toàn tỉnh.

K’ho là dân tộc thiểu số có đông dân tại tỉnh này với khoảng gần 176.000 người. Ngoài ra, dân tộc Mạ có gần 39.000 người, Chu ru có hơn 22.000 người, Nùng có hơn 24.000 người, Tày có hơn 20.000 người, M'nông có gần 11.000 người…

5. Đà Lạt nằm trên cao nguyên nào?

Di Linh
Lâm Viên
Mơ Nông
Bảo Lộc

Chính xác

Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Đây được xem là thành phố nằm ở vị trí cao nhất Việt Nam.

Cao nguyên Lâm Viên được phát hiện bởi một bác sĩ người Pháp là Alexandre Yersin. Thời Pháp thuộc, thành phố có tên Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa “cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ”.

Nhờ khí hậu và vị trí đặc biệt, hiện Đà Lạt trở thành điểm đến của những người yêu du lịch tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Nhiều hồ nước đẹp thuộc cao nguyên Lâm Viên thu hút sự chú ý của khách du lịch bao gồm: hồ Xuân Hương, hồ Mê Linh, hồ Than Thở…

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-duy-nhat-o-tay-nguyen-khong-co-duong-bien-gioi-quoc-te-2216856.html