Thực tế còn tồn tại

Theo báo cáo thường niên vừa công bố của Trung tâm Tư vấn về phân biệt chủng tộc, các báo cáo về các vụ phân biệt chủng tộc ở Thụy Sĩ đã tăng gần 1/4 lần trong năm 2023. Hầu hết những người bị ảnh hưởng đều ở độ tuổi từ 15 đến 39 và có nguồn gốc di cư.

Một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Thụy Sĩ trước đó. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Liên bang chống phân biệt chủng tộc và nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ nhân quyền ở Thụy Sĩ, cho biết phân biệt chủng tộc đối với thanh thiếu niên ở Thụy Sĩ đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, xảy ra trong mọi lĩnh vực của đời sống. Những trường hợp được ghi nhận liên quan đến chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc chống Đức Quốc xã chủ yếu diễn ra trong môi trường học đường và trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Tháng 10-2022, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã ghi nhận một báo cáo cho rằng Thụy Sĩ gặp phải vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ thống về phân biệt chủng tộc đối với người gốc Phi. Hành vi sai trái này khá phổ biến và không bị trừng phạt. Chẳng hạn, tại các sân chơi công cộng ở Thụy Sĩ vẫn còn tồn tại các trò chơi như “Ai sợ người da đen?”, vốn bị cho là kích động nạn phân biệt chủng tộc.

Báo cáo lần này không nêu rõ quốc tịch hoặc tôn giáo của các nạn nhân bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trong số các yếu tố góp phần làm gia tăng nạn phân biệt chủng tộc có sự leo thang xung đột ở Trung Đông, các cuộc bầu cử và chiến dịch tranh cử sắp tới. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì rất nhiều hành vi phân biệt chủng tộc trên thực tế vẫn chưa được kể tên.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-te-con-ton-tai-post737746.html