Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sức mạnh hải quân

Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố kế hoạch chế tạo mới một tàu sân bay và 4 tàu khu trục, như một phần trong chiến lược nhằm tăng cường sức mạnh lực lượng hải quân của nước này. Kế hoạch được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban điều hành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, do Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đích thân chủ trì, theo Naval News.

Tàu sân bay mới dự kiến có sức chứa lớn hơn tàu tấn công đổ bộ đa năng TCG Anadolu (L400) đang biên chế trong hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, 4 tàu khu trục lớp Istanbul thuộc dự án mở rộng MILGEM. Những chiếc tàu này được đánh số từ 9 đến 12, là loạt nối tiếp chiếc đầu tiên thuộc loại này (tàu TCG Istanbul (F515).

Chiến lược tăng cường sức mạnh hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn bao gồm việc mua thêm các tàu tuần tra viễn dương, tàu đổ bộ, tàu quét mìn thế hệ mới.... Việc công bố chiến lược này cho thấy, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần đến sở hữu một hạm đội trên biển với sức mạnh thống trị ở khu vực biển Aegean và Biển Đen.

Trước đó, tháng 4-2023, tàu tấn công đổ bộ đa năng TCG Anadolu-tàu sân bay tự chế đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa vào trang bị cho lực lượng hải quân nước này. TCG Anadolu có lượng giãn nước 27.000 tấn, có thể đạt tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ (khoảng 39km/giờ), tầm hoạt động 9.000 hải lý (17.000km). Nó được trang bị các hệ thống tiên tiến, bao gồm radar 3D băng tần S (SMART-S Mk2), radar tiếp cận chính xác hải quân SPN-720, hệ thống quản lý chiến đấu GENESIS-ADVENT và hệ thống phòng thủ ngư lôi.

TCG Anadolu có khả năng chở một tiểu đoàn quân với đầy đủ trang bị vũ khí, có thể độc lập tác chiến trong một thời gian nhất định mà không cần phụ thuộc vào căn cứ trên bộ. Nó cũng có thể chứa tới 45 xe bọc thép, 12 máy bay trực thăng cỡ trung. Sau phi vụ đổ bể do không mua được máy bay chiến đấu đa năng tàng hình F-35B của Mỹ, Ankara đã quyết định biến TCG Anadolu thành tàu sân bay được trang bị máy bay không người lái (UAV) đầu tiên trên thế giới, với một loại UAV từng “làm mưa làm gió” trên thị trường toàn cầu thời gian qua là Bayraktar TB3 và máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) Kizilelma, đều do Baykar Technology của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.

 TCG Anadolu (L400) - tàu sân bay tự chế đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ - trong một cuộc tập trận hải quân. Ảnh: IHA News

TCG Anadolu (L400) - tàu sân bay tự chế đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ - trong một cuộc tập trận hải quân. Ảnh: IHA News

Trong kế hoạch chế tạo tàu sân bay thứ hai, đây sẽ là phiên bản cải tiến và gia cố của TCG Anadolu nhằm đem lại hiệu quả sử dụng cao hơn. Dự kiến tàu sân bay thứ hai cũng sẽ được trang bị cả UAV, UCAV, trực thăng và máy bay chiến đấu hạng nhẹ.

Bên cạnh việc củng cố lực lượng hải quân, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nỗ lực tăng cường sức mạnh chiến đấu trên nhiều lĩnh vực khác. Thông tin từ Ủy ban điều hành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, Ankara sẽ tiếp tục phát triển các UAV, UCAV, hệ thống radar, chương trình tên lửa và chế tạo vệ tinh. Ngành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tập trung phát triển máy bay tiêm kích tàng hình Kaan thế hệ tiếp theo, máy bay huấn luyện Hürkuş và trực thăng T625 Gökbey. Các yêu cầu đối với máy bay chỉ huy và hệ thống cảnh báo sớm trong tương lai cũng sẽ được đáp ứng.

Năm 2023 là một dấu mốc đáng nhớ đối với ngành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ, khi giá trị xuất khẩu của ngành này đạt mức kỷ lục 5,5 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2022. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm CNQP của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 176 lên 185 quốc gia trên thế giới-một chỉ dấu nhấn mạnh sự nổi bật ngày càng tăng về vị thế của Ankara trong lĩnh vực CNQP toàn cầu.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tho-nhi-ky-tang-cuong-suc-manh-hai-quan-760551