Thánh nhân Thân Loan (Shinran) – Những khó khăn trong hành trình tìm kiếm sự giải thoát

Thánh nhân Thân Loan đã sống trong một lịch sử đầy biến động, với cuộc chiến tranh và sự thay đổi xã hội đang diễn ra. Hoài bão của Shinran đối với đạo Phật và sự tận tâm của ông trong việc truyền bá tri thức và tâm linh để lại dấu ấn cao quý trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Mục lục bài viết

Thánh nhân Thân Loan đã sống trong một lịch sử đầy biến động, với cuộc chiến tranh và sự thay đổi xã hội đang diễn ra. Hoài bão của Shinran đối với đạo Phật và sự tận tâm của ông trong việc truyền bá tri thức và tâm linh để lại dấu ấn cao quý trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Dẫn nhập

1. Tiểu sử của Thánh nhân Thân Loan

2. Những sóng gió trong quá trình hoằng pháp của Shinran

3. Giai đoạn bị lưu vong 1214 – 1235

4. Những năm tháng cuối đời trở về Kyoto 1235 – 1263

5. Kết luận

Thánh nhân Thân Loan đã sống trong một lịch sử đầy biến động, với cuộc chiến tranh và sự thay đổi xã hội đang diễn ra. Hoài bão của Shinran đối với đạo Phật và sự tận tâm của ông trong việc truyền bá tri thức và tâm linh để lại dấu ấn cao quý trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Tác giả: Hoàng Thị Thanh, Pháp danh: Thích nữ Trung Nhân
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Thánh nhân Thân Loan (Shinran 1172 – 1263), người không chỉ đã thay đổi tư duy nhận thức cho Phật giáo Nhật Bản vào cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII mà còn có những hướng đi hoàn toàn mới lạ, thể hiện rõ tính độc lập tự chủ đáng khâm phục đối với Phật giáo xứ Phù tang. Ngài được biết đến như là một bậc đạo sư lãnh đạo tinh thần lỗi lạc, vị thiết lập và tổ chức tông phái hoàn toàn khác với các tông phái đương thời trên phương diện tổ chức tăng đoàn.

Bên cạnh đó, hình thức sinh hoạt trong tông phái của Thân Loan dường như đi ngược lại hoàn toàn so với giáo lý truyền thống Phật giáo; sự thay đổi về hình thức tăng già Nhật Bản khiến cho Thân Loan phải chịu nhiều sóng gió trong cuộc đời tu hành.

1. Tiểu sử của Thánh nhân Thân Loan

Thân Loan (Shinran), sinh vào mùa xuân năm Thừa An (1173), cuối thời kỳ Bình An, ở vùng nông thôn Hino (Nhật Dã), một nhánh nhỏ của gia tộc Fujiwara đã thống trị đời sống chính trị và văn hóa tại triều đình Kyoto trong hai thế kỷ từ XII-

XIII. Thân phụ là Hito Arinori (Hữu Phạm) từng giữ chức Quyền Đại Tiến trong cung Hoàng Thái Hậu, thân mẫu là Kikko con gái của Minamoto Yoshichika thuộc dòng dõi quý tộc.

Thân Loan có 4 người anh em, ông mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội loạn lạc. Khi mới 9 tuổi được cha nuôi là Phạm Cương đưa đến núi Tỷ Duệ xuất gia làm đệ tử thầy Từ Viên với pháp danh là Phạm Yến, theo học Thiên Thai tông. Tại đây, ông theo học Thiên Thai tông suốt hai mươi năm, đồng thời cũng hành trì theo pháp môn Bất Đoạn Niệm Phật.

năm Kennin thứ nhất 1201(niên hiệu Kiến Nhân), lúc 29 tuổi (1201) ông rời khỏi núi Tỷ Duệ và chuyên tâm cầu nguyện tìm được con đường chân chính hướng đến sự giác ngộ. Ông tu học suốt 100 ngày ở Lục Giác Đường (Rokkakudo), nơi đây do thái tử Shotoku (574 – 621) thành lập. Thánh đức Thái tử là người có sự ảnh hưởng lớn nhất cũng được xem là khơi nguồn cho sự thành tựu thánh đạo của Thân Loan.

Ở chính điện chùa có thờ tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm vị Bồ-tát biểu tượng của lòng từ bi. Tại đây, Shinran chuyên tâm cầu nguyện ngày đêm, điều duy nhất Thân Loan ước nguyện là mong rằng Thái tử vạch rõ con đường chân chính mà mình phải bước tiếp. Đến ngày thứ 95, Shinran nằm mộng thấy Thánh Đức thái tử hiện thân như là Bồ-tát Quán Thế Âm và dẫn dắt ông đến làm môn đệ của Pháp Nhiên (Honen).

Thánh nhân Thân Loan (Shinran). Nguồn: St

Câu chuyện về giấc mơ của Shinran tại Rokkahudo (Lục Giác Đường) được tìm thấy ở một số tài liệu như sau: Also, in the dream, the Bodhisattva Kannon gave Shinran permission to marry Eshinni, claiming that Kannon would incarnate herself as Eshinni. Through the dream and the truth of the prophecies, according to Eshinni, shinran came to believe that shotoku was his personal savior”.(1)

(Tạm dịch: Ngoài ra, trong giấc mơ Bồ Tát đã cho phép Shinran kết hôn với Eshinni, tuyên bố rằng Bồ- tát là hóa thân thành Eshinni. Thông qua giấc mơ và sự thật của những lời tiên tri, theo Eshinni, Shinran đã tin rằng thái tử Shotoku là vị cứu tinh của cuộc đời ông).

“In the dream Kannon vows to take the form of a woman and together they will spread the nembutsu teaching. The text of this dream also appears in Shinran’s handwriting but undated”.(2)

(Tạm dịch: Trong giấc mơ Bồ Tát nguyện mang hình tướng của một người phụ nữ và họ sẽ cùng nhau truyền bá giáo lý niệm Phật. Những lời này được Shinran viết tay ra từ những giấc mơ của ông bằng chữ viết của mình nhưng không ghi rõ ngày tháng).

Thân Loan nghe theo lời báo mộng của Thánh Đức Thái tử sau khi tu niệm đủ 100 ngày ở Rokkakudo, ngài đã đi tìm gặp ngài Pháp Nhiên để giải tỏa những thắc mắc trong lòng. Theo tác giả trong tác phẩm “Lịch sử Phật giáo Nhật Bản” cho rằng: khi gặp ngài Pháp Nhiên, Shinran đem lời trong mộng ra hỏi, ngài được Pháp Nhiên trả lời rằng: “làm tăng sĩ, nếu không lập gia đình thì không chuyên tâm, không niệm Phật được thì hãy lập gia đình”.(3)

Qua những lời giải đáp của Honen dành cho Shinran chúng ta có thể khẳng định được rằng: Honen muốn đưa ra một con đường, phương tiện giúp Shinran tu tập. Bởi lẽ, trong tu tập có những trường hợp phải vận dụng những phương tiện khác nhau, Shinran đã thất bại trong những dục vọng và không tìm rõ con đường phù hợp với chính mình. Nhưng từ những thất vọng này, đã giúp ông có một con đường riêng trong tu tập.

Chiến thắng của Shinran là có được lập trường sống bán tăng bán tục trước dư luận của xã hội, có lối đi riêng, và hơn thế nữa lối đi này rất thành công. Sau khi lắng nghe lời giải đáp của Honen, Shinran dường như bị thuyết phục và nhận ra rằng, trong mỗi con người đều tiềm ẩn những dục vọng, phiền não riêng biệt, không thể chối bỏ.

Cuộc sống luôn đặt ra nhiều thách thức trước mắt chúng ta, thử thách là điều làm cho cuộc sống chúng ta thú vị hơn, cho phép chúng ta khám phá những giá trị tiềm ẩn bên trong mình và đánh bại bản thân để đạt được những thành tựu đáng kể trong cuộc sống.

2. Những sóng gió trong quá trình hoằng pháp của Shinran

Thanh danh của Pháp Nhiên ngày càng lan xa, với một tông phái có tư tưởng, giáo lý và đường lối tu tập rõ ràng, đơn giản dễ hiểu; khi niềm tin về niệm Phật được phổ biến và giáo lý Tịnh độ lan rộng khắp mọi tầng lớp trong dân chúng. Điều này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo Phật giáo ở núi Tỷ Duệ, họ cho rằng đây là mối đe dọa, là dị giáo đối với quốc gia. Sự hưng thịnh của Tịnh Độ tông đã khơi dậy lòng ganh ghét của một số kẻ xấu.

Năm 1207, đồ chúng của giới Phật giáo vùng Nam Đô Bắc Lĩnh đã dâng sớ xin triều đình đình chỉ pháp môn niệm Phật và đưa ra chín điều sai trái của tông Tịnh độ cho rằng Tịnh độ tông dạy người hủy báng giới luật; thêm vào đó, hai môn đồ của Pháp Nhiên là An Lạc và Trụ Liên cùng sáng lập nên Biệt Thời Niệm Phật Hội ở Lộc Cốc.

Sự kiện lịch sử ghi lại rằng: Do có người cung nữ của Thượng hoàng gặp việc ức chế, chán lìa trần thế, tự tìm đến Biệt Thời Niệm Phật Hội xuống tóc xuất gia. Những kẻ ganh ghét ngài nhân dịp đó liền sàm tấu lên thượng hoàng rằng môn đồ của Pháp Nhiên khuyến dụ cung nữ xuất gia. Thượng hoàng nổi giận, hạ lệnh xử An Lạc và Trụ Liên tội chết”.(4)

Pháp Nhiên cùng các vị cao đồ bị lưu đày trong đó có cả Shinran cũng bị liên lụy. Honen bị đày đến Tosa ở Shikoku, cũng chính từ đây cả Honen và Shinran không bao giờ được gặp lại nhau nữa. Sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn về cuộc đời của Thân Loan. Năm đó Shinran được 34 tuổi và bị đày đến Việt Hậu (Echigo) một tỉnh xa xôi, hẻo lánh, nơi bản thân ông đã lặng lẽ trãi qua những tháng ngày được bao quanh bởi những hiểm nguy.

Ông quán chiếu lại cuộc đời và thực hành những lời dạy của Honen để duy trì khát vọng cháy bỏng trong sâu thẳm của ngài, và đây cũng là cơ hội để ngài có thể tiếp cận người nông dân và vũ sĩ hạ cấp trong thời gian bị lưu đày.

Đương thời theo Luật lệnh tăng ni được quốc gia chấp thuận thì “hàng tăng lữ phải sống ở các tự viện, hành trì giới luật và chuyên tâm về mặt học vấn; họ là những người có bổn phận cầu nguyện cho quốc gia được bình an hưng thạnh” . Cho nên tất cả tăng lữ khi bị lưu đày đều sẽ bị tịch thu tăng tịch, đổi thành tục danh, vì vậy Shinran phải đổi tên thành Đằng Nguyên Thiện Tín (Fujibara Zenshin) và buộc phải hoàn tục.

Không dừng lại ở đó, bấy giờ triều đình lại hạ chỉ không cho phép dùng họ thế tục mà phải đổi thành họ “Toku” (Ngốc). Vì vậy, Shinran trở thành một người phi tăng phi tục với tên là “Gutoku Shinran” (Ngu Ngốc Thân Loan). Shinran tự gọi mình là “Ngu Ngốc” để thể hiện sự khiêm nhường cũng có thể nhằm châm biếm, phê phán chính sách của của quốc gia đối với hàng tăng lữ đương thời không nên đánh giá hay khinh thường người khác.

Ngoài ra còn có một số tài liệu khác thì ghi chép rằng tên “Ngu Ngốc” của Shinran là do ông tự xưng để thể hiện quan điểm của mình, là người không có học thức.

Cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm cùng những hoài bão ước mơ của Shinran đã tạo nên một con người vĩ đại tại Nhật Bản, một bậc Thánh nhân vang danh khắp cả nước. Con đường vì đạo mà đến, vì người được hóa độ mà đi qua, Shinran đã đến vùng Việt Hậu nơi ông bị lưu đày. Khoảng thời gian lưu vong 1207 – 1212 và các hoạt động truyền bá Tịnh độ ở các tỉnh phía Đông, tìm hiểu các nguồn tài liệu ít đề cập đến khoảng thời gian này ngoại trừ ông kết hôn với ni sư Huệ Tín (Eshin) và bắt đầu xây dựng gia đình.

“During the next period of approximately seven years of exile and residence at Kokubu in Echigo, Shinran married eshin-ni and fathered six children. Shinran is particularly noted for establishing marriage among the clergy and abandoning monastic precepts as a religiously justified act. He was inspired by a dream vision of the Bodhisattva Kannon (skt., Avalokitesvara, Bodhisattva of compassion), who promised to take the form of a woman to be this helpmate in his mission to spread pure land teaching to the masses”.(5)

(Tạm dịch: Trong khoảng thời gian bảy năm kế tiếp, Shinran theo sống lưu vong và cư trú tại Kokubu ở Echigo, ông đã kết hôn với Eshin-Ni và có sáu người con. Shinran gây sự chú ý đặc biệt vì đã tạo ra cuộc hôn nhân giữa các tu sĩ với nhau và từ bỏ các giới luật của thiền môn.

Ông được truyền cảm hứng từ một giấc mơ về Bồ Tát Kannon (Skt., Avalokitesvara, Bồ Tát biểu tượng của lòng từ bi), hứa sẽ mang hình dáng một người phụ nữ để trở thành người bạn đời để giúp ông với sứ mệnh truyền bá giáo lý Tịnh độ đến đại chúng).

Tuy nhiên, có một số tài liệu cho rằng: Shinran đã có gia đình trong thời gian tu học với ngài Pháp Nhiên cho rằng: “There is a legend that Kujo Kanezane, a supporter of Honen, requested him to designate a disciple to marry his daughter Tamahi in order to demonstrate his teaching that Amida’s salvation does not require keeping precepts. Honen chose Shinran to fullfill this request, who thereupon obediently married Tamahi”.(6)

(Tạm dịch: Có thuyết kể rằng Kujo Kanezane, một người ủng hộ Honen, đã yêu cầu Honen chỉ định một vị đệ tử kết hôn với con gái Tamahi của Kujo Kanezane để chứng minh lời dạy về sự cứu rỗi của A Di Đà là không cần giữ giới luật. Honen đã chọn Shinran để thực hiện yêu cầu này, sau đó Shinran đã nghe theo lời chỉ bảo của thầy đã kết hôn với Tamahi).

Trong thời gian này, Thân Loan đã chủ trương về đời sống tu hành của Thân Loan là “phi tăng phi tục” đã ảnh hưởng rất lớn trong quá trình hoằng pháp của ngài, mở ra một trang sử mới, một sứ mệnh mới đối với cuộc đời ông và cho đạo pháp. Con đường đạo hòa nhập vào đời sống gia đình, mở ra chân lý Phật giáo sống động và độc nhất từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

3. Giai đoạn bị lưu vong 1214 – 1235

Ròng rã những tháng ngày bị lưu vong nơi xứ người, năm 1211, Honen và các đệ tử, trong đó bao gồm cả Shinran được xá tội. Thay vì trở lại lối sống quý tộc ở kinh đô Kyoto và đoàn tụ với thầy Honen, nhưng vì bệnh duyên nên Honen đã thị tịch vào 25 tháng giêng năm 1212 tại Đông Sơn Đại Cốc. Lúc bấy giờ, Thân Loan vẫn còn sống ở Việt Hậu, cũng có thể là do người những người con của Shinran khi ấy còn quá nhỏ không thể di chuyển xa.

Khi nghe tin đạo sư đã ra đi, sự trống rỗng được lấp đầy bởi những lời dạy của thầy, nén nổi đau mất mát đó, để thực hiện được nguyện vọng của đạo sư là truyền bá rộng rãi giáo lý niệm Phật trong dân gian. Mặc dù, đã bị xử phạt, đã bị lưu vong, Tịnh Độ tông đã vắng bóng ở kinh đô trong một thời gian dài, nhưng sau khi được tha bổng thì bên phía triều đình vẫn chưa chấp nhận và vẫn bảo lưu lệnh cấm hoạt động, vì vậy Shinran buộc phải ở lại Echigo để hoằng hóa.

Điều này là một thách thức lớn đối với Thân Loan, nhưng họ vẫn kiên trì trong việc lan truyền giáo lý niệm Phật và thực hiện sứ mệnh của thầy Honen.

Năm 1214 Shinran và vợ con của mình đã quyết định rời khỏi tỉnh Echigo nơi ông đã bị lưu đày và chuyển đến sống tại làng Inada, thuộc tỉnh Kantou (Đông Quan) vừa làm nông kiếm sống vừa triển khai giáo lý Tịnh Độ và hướng dẫn cho nhiều người dân ở đây tu học pháp môn niệm Phật.

Mặc dù không rõ lí do tại sao Shinran lại chọn Kanto để hoằng hóa. Tuy nhiên, trong giấc mộng của ông kể lại về con người ở đây khao khát được nghe giáo lý và có lẽ ông tin rằng bản thân ông có thể truyền bá giáo lý niệm Phật mà không bị can thiệp bởi chính quyền địa phương ở các tỉnh miền Đông.

Tiến sĩ Hirota Fushihara đã nhận xét rằng: “people of Japan were one of the strongest inspirations in Shinran’s life, and he sought “to deepen his own self- awareness and his insight into the dharma by sharing it with the people of the countryside”(7).

(Tạm dịch: Người dân ở Nhật Bản là một trong những nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của Shinran, ngài đã cố gắng “để tăng thêm tính tự nhận thức của bản thân và tuệ giác của mình đối với Phật pháp bằng cách chia sẻ nó với những người dân ở vùng nông thôn).

Dựa theo địa lý đất nước Nhật Bản khu vực Kanto là trung tâm của chính quyền quân sự thời kỳ Kamakura. Đời sống nhân dân ở đây rất khó khăn, không chỉ chịu áp lực bởi quân đội và địa chủ và họ còn bị ảnh hưởng bởi hạn hán, động đất. Tư tưởng là sức mạnh nội tại để tạo nên con người chúng ta, nếu tư tưởng thể hiện qua hành động giống như bánh xe lăn luôn hướng theo người kéo.

Cũng vậy, tâm nguyện của Shinran luôn nghĩ đến mọi người, trong hành trình đi đến vùng Kanto, Shinran đã phát nguyện tụng kinh Tam Tịnh Độ một ngàn lần để làm lợi lạc cho chúng sinh. Tuy nhiên, Shinran nhận ra rằng tụng kinh không phải là phương pháp đưa đến giải thoát thực sự. Thay vào đó, phải nhờ vào tha lực của Phật A Di Đà, giúp mọi người có niềm tin vào tha lực của Phật mới thực sự là đền đáp thâm ân của chư Phật.

Bởi vì: Con người quá yếu đuối nên không thể tự mình cứu mình được, chỉ có lòng tin tuyệt đối vào đức Amida mới cứu được mình. Ngay niềm tin Shinran nói vậy, cũng là tặng vật của Amida ban cho, đấy là nguồn của mọi sức mạnh tinh thần, và với ông câu niệm Namu Amida Butsu đã trở thành một cách tỏ lòng biết ơn đối với tặng vật là niềm tin để dẫn đến cứu rỗi linh hồn (8).

Một điều thú vị là trong suốt hai thập kỉ mà Shinran và Eshinni sống ở vùng Kanto, ông đã tham gia vào nhiều hoạt động tôn giáo khác nhau, cũng là lúc ngài được nổi bật lên như bậc thầy của Tịnh độ. Bên cạnh đó, “Shinran established dojos, places where all people could gather to hear him preach the dharma” (9).

(Tạm dịch: Shiran đã thành lập giảng đường, nơi mà tất cả mọi người có thể tụ tập để nghe pháp).

Ngài chủ yếu thông qua việc truyền bá niềm tin và thực hành giáo lý Tịnh độ cho những người dân nơi đây, dần dần, ông đã xây dựng một tín đồ tôn giáo trở thành cốt lõi, phôi thai của trường phái Phật giáo Chân tông. Một nơi hẻo lánh, nhưng với niền tin tôn giáo, Thân Loan đã có những bước tiến trong quá trình hoằng hóa “…yet many disciples sought after him,… many nobles and lesser persons thronged into the village”(10).

(Tạm dịch: … có nhiều đệ tử đã tìm đến ông, nhiều người quý tộc và những người thấp kém đã kéo vào làng).

Điều này đã đốt cháy tâm can Shinran, tạo động lực giúp ông thầm nghĩ rằng, người dân nơi đây một phần nào đó đã chấp nhận giáo lý của ông, thôi thúc ông nhanh chóng truyền bá giáo lý thiêng liêng của mình, bởi lẽ Kanto vốn là một trong những trung tâm phát triển của Phật giáo Hiển Mật.

Shinran ở lại vùng Kanto 3 năm sau đó rời từ tỉnh Echigo, Shinran chuyển đến tỉnh Hitachi, và sống ẩn dật ở Inada, ngôi làng nhỏ của vùng Kasama. Lí do ông di chuyển đến vùng đất mới đến bây giờ vẫn chưa có sự nghiên cứu chính xác, tuy nhiên một số học giả nghi ngờ cho rằng họ đến đó vì gia tộc của Eshini là một gia tộc có quyền lực và sở hữu nhiều ruộng đất.

Do đó, dù ở Kanto cũng như Echigo, Shinran phụ thuộc vào gia đình cô ấy để sinh hoạt hằng ngày. “While living in Hitachi province Eshinni gradually became convinced that her husband was not an ordinary human but rather an earthly manifestation of the Bodhisattva Kannon”(11).

(Tạm dịch: Trong khi sống ở tỉnh Hitachi, Eshinni dường như bị thuyết phục và cho rằng chồng của mình không phải là một người bình thường mà là một biểu hiện trần thế của Bồ- tát Quán Thế Âm (Kannon)).

Là vị Bồ-tát biểu tượng của lòng từ bi cứu độ chúng sinh, như trong kinh Vô Lượng Thọ có nói rằng: “Những trai lành gái tín ở thế gian nếu có tai nạn ngặt nghèo hoảng sợ, chỉ cần hướng tâm về Bồ-tát Quán Thế Âm thì không có nạn gì mà không được cứu thoát”.

Ngài tùy thuận chúng sinh mà hóa thân với nhiều hình thức khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, xã hội để có một hình mẫu lí tưởng giúp cho chúng sinh vượt qua những nổi khổ đau trong cuộc sống và tiến xa hơn đến sự giải thoát giác ngộ. Cũng vậy, Eshinni với niềm tin tôn giáo cho rằng Shinran là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm vào Phật giáo Nhật Bản thời Trung Cổ cũng không phải là điều bất thường.

Shinran không tự xưng mình là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, thay vào đó, danh tiếng này được thừa nhận và xem xét bởi cộng đồng. Eshin và nhiều người khác đã thấy ở Shinran là một hình mẫu đạo đức, một người thầy thông thái, chính vì vậy họ tôn kính ông.

Điều này cũng thể hiện được sự uyển chuyển của tôn giáo, khả năng của con người trong việc nhận biết và tôn trọng các hình mẫu để tôn thờ, nhất là khi họ cảm nhận rằng người đó có khả năng định hướng họ trên con đường tìm kiếm sự an lạc ngay trong đời sống hiện tại và tiến xa hơn là sự giác ngộ giải thoát.

Shinran đã để lại một di sản quý báu, một bức tranh về lòng tin và lòng từ bi mà mọi người có thể tìm kiếm sự giải thoát ngay trong cuộc sống của họ. 當親鸞被流 放到越後時,正值當地有將軍剛從宋朝請來兩部《大藏經》,並招聘幾位僧侶 校對,知道親鸞也曾是出家人,因此順便請其校對,親鸞乃藉此親近《大藏 經》之緣,將藏經中有關淨土要文筆錄成冊,並加按語,之後修修改改,直 到七十幾歲才成定本12.

(Tạm dịch: Khi Thân Loan bị lưu đày đến Việt Hậu, đúng vào thời điểm một vị tướng tại địa phương vừa thỉnh được hai bản Đại tạng kinh từ thời nhà Tống, rồi thỉnh một số tăng lữ làm việc hiệu đính. Tướng quân biết Thân Loan cũng từng là người xuất gia, do đó thuận mời ông tham gia công việc.

Nhờ đó, Thân Loan mới có duyên tiếp xúc Đại tạng kinh, đem những bản văn quan trọng về Tịnh Độ trong kinh tạng thành một cuốn sách, rồi ghi chép thêm những ghi chú, sau đó tiếp tục chỉnh sửa thêm nhiều lần, cho đến sau bảy mươi tuổi mới hoàn thành xong định bản).

“Niên hiệu Nguyên Nhân đầu năn 1224 sư soạn Giáo Hạnh Tín Chứng 6 quyển tại Thảo Am Đạo Điền ở Thường Lục và trở thành Thánh điển căn bản của chân tông sau này. Sau niên hiệu Nguyên Nhân năm đầu được lấy kỉ nguyên khai tông lập phái”(13).

Có thể nói, Kyogyoshinsho là một bản tường trình về niền tin tôn giáo của tác giả đối với ơn cứu rỗi của Phật A Di Đà và triết học giáo lý Tịnh độ. Với sự nhiệt huyết và niềm tin chân thật, tác giả đã đánh thức được những định kiến về Phật giáo mang tính luật lệnh hay là những tầng lớp thấp kém dường như không thể nào biết đến Phật giáo hay là sự giác ngộ giải thoát đối với những người bình thường. Cũng chính tác phẩm này, đã thúc đẩy mọi người suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của niềm tin và giác ngộ.

Với tâm nguyện mong hoàn thành tác phẩm sớm nhất, nhưng từ sau năm 1224 những người niệm Phật ở Kyoto lại bị đàn áp mãnh liệt, cho nên để phản đối lại lệnh đình chỉ niệm Phật vào năm 1227 Thân Loan đã cố gắng nổ lực để hoàn thành tác phẩm này. Để có một tác phẩm chỉnh chu thì Thân Loan lại đưa ra một quyết định hết sức khó khăn cho bản thân ông và cả tông phái đó là trở về Kyoto.

Căn cứ vào bản truyền thừa từ thời đại Thất Đinh trở đi, có thể thấy niên đại ông trở về là trong khoảng thời gian 1233-1234 tức lúc này Shinran khoảng 61- 62 tuổi, với lí do là cần phải hoàn thành xong tác phẩm Kyogyoshinsho.

Chùa Higashi Honganji ở Kyoto, chùa theo Tịnh độ Chân tông tại Nhật Bản. Nguồn: St

4. Những năm tháng cuối đời trở về Kyoto 1235 – 1263

Sau năm 1224, những người theo pháp môn niệm Phật đã phải đối mặt với một đợt đàn áp mãnh liệt. Đến năm 1227, chính phủ triều đình đã ra lệnh đình chỉ pháp môn niệm Phật, gây ra sự căm phẩn và kháng cự từ phía những người theo phái Tịnh độ Chân tông. Trong bối cảnh này, để phản đối sắc lệnh đình chỉ niệm Phật của triều đình, Shinran đã cùng con gái của mình là ni Giác Tín (Kakushin) trở về Kyoto để hoàn thành tác phẩm Kyogyoshinshu, gồm 6 quyển.

Mục đích của tác phẩm là giữ vững tinh thần niệm Phật và bảo vệ Tịnh độ Chân tông trong bối cảnh đàn áp. Trong Kyogyoshinshu, Shinran giới thiệu một khía cạnh quan trọng trong tư tưởng Tịnh độ Chân tông, đó là thuyết “Hòa Tướng Hồi Hướng”.Thuyết này cho rằng những người đã được vãng sinh về cõi Tịnh độ tự phát tâm từ bi trở lại thế gian để cứu độ những chúng sinh khác.

Tuy tình hình đàn áp trở nên khóc liệt hơn, nhưng sự kiên định và lòng tôn kính của tín đồ đối với chủ trương của Shinran không bao giờ bị phai mờ. Kyogyoshinsho được xem là tác phẩm chính của Tịnh độ Chân tông và đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển tôn giáo trong bối cảnh khó khăn của thời kỳ bị triều đình đàn áp lần thứ hai.

Vào khoảng năm 1256, Shinran đã giao cho con trai của mình là Zenran (Thiện Loan) một nhiệm vụ quan trọng. Ông gửi Zenran xuống vùng Kanto để cải giáo những tà thuyết và những quan điểm lệch lạc đi ngược lại với những lời dạy của Shinran. Tình trạng này phát sinh do một số người ác tâm đã bắt đầu đặt điều vu cáo những tình tiết sai lệch về tông phái Tịnh độ Chân tông và Shinran.

Tuy nhiên, không ngờ con trai của Shinran không những không tuân theo lời căn dặn của cha mình mà còn đi tuyên truyền sai sự thật về Shinran và tông phái. Zenran tự xưng là người duy nhất được Shinran truyền thọ phái môn thật sự, các đệ tử học được từ Shinran chỉ là hư ngôn,và bắt đầu phát triển một tông phái riêng, tự tạo ra những giáo thuyết riêng biệt. Sự việc này đã dấy lên làn sóng phản đối, nhiều nguời trong số các đệ tử đang theo đuổi lời dạy của Shinran bị hoảng sợ trước tình hình nổi loạn này và mất lòng tin.

Để giải quyết tình hình hỗn loạn và tái lập sự đoàn kết trong cộng đồng tôn giáo, Shinran buộc lòng phải viết “Nghĩa Tuyệt Trạng”. Trong tác phẩm này, ông cắt dứt quan hệ cha con với Zenran, đồng thời cũng thông báo tin này cho tất cả đệ tử của mình ở Kanto. “Nghĩa Tuyệt Trạng” một dấu ấn đau lòng của người cha dành cho con, nhưng đây cũng được xem là một sự thay đổi quan trọng trong sự phục truyền giáo lý và tư tưởng của Shinran.

Đây là một quyết định bi thương và khó khăn đối với một người cha, cũng là sự thất vọng lớn đối với ông. Sự kiện này góp phần gia tăng vào sự khó khăn và thách thức đối với Shinran trong những năm cuối đời ông trở về Kyoto để hoằng hóa.

Để giữ vững niềm tin và hiểu đúng tư tưởng của mình đối với tín đồ, Shinran đã phải thực hiện nhiều hành động để tạo điều kiện thuận lợi cho họ đặc biệt là ông đã dành thời gian trả lời cẩn thận những lá thư. Điều mà các tín đồ cần đó là sự giải thích, hồi âm bởi chính Shinrnan.

Việc làm này cho thấy sự tận tâm của ông đối với cộng đồng Phật giáo của mình, nhằm truyền đạt tri thức và những lời dạy chân chính của mình để mọi người có thể thực hành một cách dúng đắn, “vì vậy mới có chuyện kể rằng dù có lâm trọng bệnh và phải nhờ người khác viết thay, nhưng đến những đoạn quan trọng thì Shinran vẫn phải gượng dậy để tự tay chấp bút”(14).

Hơn nữa vào những năm cuối đời ông dành nhiều thời gian trước tác nhiều tác phẩm cho môn đồ và đệ tử như Jodo Wasan (Tịnh độ Hòa tán), Koso Wasan (Cao tăng Hòa tán), Gutokusho (Ngu ngốc sao), Nyushutsunimonge (Nhập xuất nhị môn kệ), Nembutsusha (Niệm Phật giả nghi vấn),… sau khi hoàn thành các tác phẩm ông đã gửi cho các tín đồ của mình ở vùng Kanto.

Với tâm nguyện những tín đồ của ông luôn giữ vững niềm tin vào đức Phật A Di Đà để thể hiện được sự tôn nghiêm của những người sống trong sự chế ngự của bản thân và có niềm tin về tôn giáo.

Năm 1263, Shinran đã để lại một cuộc đời 90 năm với vô vàn biến cố. Một điều đáng khâm phục về cuộc đời của ông là sự kiên nhẫn và trí tuệ trong nghiên cứu, thực hành và giảng dạy về đạo Phật.

5. Kết luận

Sinh vào thế kỷ XII, Shinran đã sống trong một lịch sử đầy biến động, với cuộc chiến tranh và sự thay đổi xã hội đang diễn ra. Hoài bão của Shinran đối với đạo Phật và sự tận tâm của ông trong việc truyền bá tri thức và tâm linh để lại dấu ấn cao quý trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Cuộc đời và sự cống hiến của Shinran là một tấm gương sáng không chỉ cho người theo đạo Phật mà còn cho nhân loại. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của kiên nhẫn, trí tuệ và lòng tận tụy trong cuộc sống và sự giúp đỡ người khác. Cuộc đời của Shinran là một ví dụ về sự cam kết đối với giảng dạy và lý tưởng của mình, nó để lại di sản vĩ đại trong tâm hồn của những người được tiếp xúc với tri thức và tâm linh của ông.

Tác giả: Hoàng Thị Thanh, Pháp danh: Thích nữ Trung Nhân
Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tài liệu tiếng Việt

1. Thích Nguyên Tâm (biên dịch) (2011). Tinh hoa Phật giáo Nhật Bản, tập 2, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.

2. Phạm Thị Thu Giang (2015), “Nhân sinh quan trong tư tưởng của nhà sư. Shinran (1173-1262)”, Phương Đông truyền thống và hiện đại, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

3. Giác Dũng (2007), Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Đoàn Trung Còn (2010) – Nguyễn Minh Tiến hiệu đính – Lịch sử các tông phái đạo Phật, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Văn Tần (dịch) (2019), Nhật Bản tư tưởng sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Thích Minh Châu (dịch) (2021), Kinh tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

7. Nguyễn Văn Sỹ (dịch) (2004), Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Lao Động, Hà Nội.

8. Thích Quảng Độ (dịch) (2000), Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.

B. Tài liệu tiếng Anh

1. Kenneth Doo Young Lee (2007). The Prince and the Monk, State University Of New York Press, Alany, New York.

2. Alfred Bloom (2007), The Esential Shinran: A Buddhist Path of True Entrusting, World Wisdom, United States.

3. Lindsay Jones, Encyclopeddia of Religion (Second Edition), Macmillan Reference USA.

4. S. Yamabe and L. Adams Beck (2012), Wisdom of the East: Buddhist Psalms translated from the Japanese of Shinran Shonin, Duke Classics, p.15

5. James C.Dobbins (2004). Letters of the Nun Eshinni, University of Hawaii Press, Honolulu, Hawaii, America.

C. Tài liệu tiếng Hoa

1. 慧淨法師, 回歸善導, 出版者: 淨土宗文教基金會. (Tuệ Tĩnh Pháp sư, Hồi quy Thiện Đạo, Tịnh độ tông Văn giáo cơ kim hội xuất bản)

CHÚ THÍCH:

1. Kenneth Doo Young Lee (2007). The Prince and the Monk, State University Of New York Press, Alany, New York, p.12.

2. Alfred Bloom (2007), The Esential Shinran: A Buddhist Path of True Entrusting, World Wisdom, United States, p. 27.

3. Giác Dũng (2007), Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.172

4. Đoàn Trung Còn (2010) – Nguyễn Minh Tiến hiệu đính – Lịch sử các tông phái đạo Phật, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, tr. 124.

5. Lindsay Jones, Encyclopeddia of Religion (Second Edition), Macmillan Reference USA, p. 8354.

6. Alfred Bloom (2007). The Esential Shinran: A Buddhist Path of True Entrusting, World Wisdom, United States, p. 28.

7. Kenneth Doo Young Lee (2007). The Prince and the Monk, State University of New York Press, Alany, New York, p.11.

8. Nguyễn Văn Sỹ (dịch) (2004), Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Lao Động, Hà Nội, tr.182.

9. Kenneth Doo Young Lee (2007). The Prince and the Monk, State University Of New York Press, Alany, New York, p.11

10. S. Yamabe and L. Adams Beck (2012), Wisdom of the East: Buddhist Psalms translated from the Japanese of Shinran Shonin, Duke Classics, p.15

11. James C.Dobbins (2004). Letters of the Nun Eshinni, University of Hawaii Press, Honolulu, Hawaii, America, p. 7- 8.

12. 慧淨法師, 回歸善導, 出版者: 淨土宗文教基金會, tr. 14.

13. Thích Quảng Độ (dịch) (2000), Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 5348.

14. Phạm Thị Thu Giang (2015), “Nhân sinh quan trong tư tưởng của nhà sư Shinran (1173-1262)”, Phương Đông truyền thống và hiện đại, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 236.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thanh-nhan-than-loan-shinran-4-2024.html