Tháng Năm về Khau Tý

Đồi Khau Tý (xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc) là 'Phủ Chủ tịch' đầu tiên ở 'Thủ đô kháng chiến' Định Hóa. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 20/5/1947 đến 11/10/1947. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử đó, ngày 15/11/2006, Di tích lịch sử đồi Khau Tý xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Lán Bác Hồ từng ở, làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc. Ảnh: T.L

Lán Bác Hồ từng ở, làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc. Ảnh: T.L

Những ngày tháng Năm lịch sử này, chúng tôi cùng ngược đường về xã Điềm Mặc, vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử cách mạng, thăm đồi Khau Tý - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đặt bản doanh đầu tiên khi Người trở lại chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trên suốt dọc đường qua những “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”, lòng phơi phới bởi lời thơ của cố nhà thơ Tố Hữu giục lòng: “Vui sao một sáng tháng Nǎm/ Đường về Việt Bắc lên thǎm Bác Hồ”.

Đang những ngày mưa, đồi Khau Tý như xanh hơn, tiết trời cũng dịu lại hơi nắng oi nồng của mùa Hè đỏ lửa. Chúng tôi nhẩn nha đi dưới tán rừng đầy tiếng chim líu lo gọi bạn, nhẹ đặt từng bước chân trên những bậc đá rêu phong. Từng cây cổ thụ xen lẫn với vô số thân vầu khoe dáng và những tán cọ xòe rộng như ánh mặt trời. Đồi Khau Tý mang vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa thân thiện, lại gần gũi như “dìu” ta về miền sử xanh. Vâng! 77 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 chiến sĩ cảnh vệ, giúp việc là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi (do Người đặt tên) đã về Khau Tý.

Như “thiên định”, đồi Khau Tý bốn mùa được bao phủ một màu xanh bởi cây rừng. Trên đỉnh đồi là một khoảng đất bằng, có cây đa và trám cổ thụ sum suê tỏa bóng mát. “Phủ Chủ tịch” được dựng lên dựa vào thế đất, thế rừng và lòng dân. Đó là một ngôi nhà sàn nhỏ, có cửa vào đằng trước qua năm bậc cầu thang và cửa thoát phía sau. Nhà được ngăn đôi, một bên Bác ở và làm việc, bên còn lại cho bộ phận bảo vệ giúp việc ở.

Năm tháng trôi mau, đã mấy mươi năm đất nước đi qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chiến tranh bảo vệ biên giới đất nước, “Phủ Chủ tịch” năm xưa vẫn còn đây dưới bóng đại ngàn, trước hiên nhà ngày nào cũng rực hồng sắc cờ Tổ quốc. Đã có bao lớp người đến đây, đứng ở khoảng sân nhỏ trước “Phủ Chủ tịch” để thầm hứa với anh linh Người về lý tưởng cách mạng xuất phát từ lòng mình. Rồi nhẩn nha chiêm ngưỡng cảnh xưa: Đây xà đơn, xà kép Người cùng các chiến sĩ cảnh vệ tập thể dục. Đây vầng dâm bụt Người trồng năm xưa vẫn đỏ hoa mỗi độ Hè về. Rồi ngay sau nhà, một bộ bàn ghế được ghép lại từ những thân cây vầu, rêu phong, cổ kính mà “như còn đâu đây bóng hình của Bác” đang trăn trở vì việc nước non.

Di tích lịch sử đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa) - nơi Bác Hồ từng ở, làm việc - là một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ảnh: H.T

Di tích lịch sử đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa) - nơi Bác Hồ từng ở, làm việc - là một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ảnh: H.T

145 ngày ở Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc họp quan trọng với Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Việt Minh Hoàng Quốc Việt bàn về công cuộc kháng chiến kiến quốc. Từ mái nhà sàn đơn sơ trên đồi Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”; Viết thư gửi Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm để toàn dân tỏ lòng tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ (Lễ mít tinh công bố chính thức tại Hùng Sơn, Đại Từ, vào ngày 27/7/1947) và viết bài thơ “Cảnh khuya”. Đặc biệt là cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, tài liệu học tập, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên.

Cuốn sách gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” là văn kiện quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trải qua các giai đoạn lịch sử đất nước, đến nay cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị và trở thành cẩm nang quan trọng trong công tác gìn giữ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó có việc nêu gương và đức hy sinh của của người cán bộ cách mạng.

Từ nhiều năm nay, Di tích đồi Khau Tý đã trở thành một địa chỉ đỏ cho con dân trên mọi miền Tổ quốc tìm về, nhất là với thế hệ trẻ. Đây còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng; nơi truyền cảm hứng sống tích cực, thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân tích cực tham gia bài trừ những tật xấu, một lòng bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của Đảng.

Trở lại với Điềm Mặc hôm nay, đi trên những trục đường bê tông sạch đẹp, chúng tôi cảm nhận được vùng đất này đang "động cựa", thức dậy những tiềm năng kinh tế. Đến nay, xã không còn hộ ở nhà dột nát; thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; 11/11 xóm có nhà văn hóa cho nhân dân hội họp, sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể thao.

Những năm vừa qua, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy làm kinh kinh tế gia đình trong nhân dân. Hầu hết các hộ dân đã linh hoạt chuyển đổi diện tích cây vườn tạp kém hiệu quả sang trồng rừng, chè và cây ăn quả. Diện tích chè già cỗi, cho năng suất thấp được chuyển đổi sang trồng chè giống mới như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân; hướng tới làm chè chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt trong xã đã có một số hộ tham gia làm du lịch cộng đồng. Các hộ này tự cải tạo nương chè, khu ruộng thành cảnh quan đẹp mắt phục vụ du khách trải nghiệm...

Mê mải với các di tích lịch sử và cảnh quan Điềm Mặc, mặt trời đã xuống núi từ khi nào không hay, chúng tôi trở về thành phố lòng mang theo câu hát “Bác mừa (về) Khau Tý” do Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xóm Bản Quyên thể hiện. Tôi biết, câu hát ấy đã bao lần được cất lên, ngân vang, rộn ràng cả núi rừng Việt Bắc.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202405/thang-nam-ve-khau-ty-fc61d68/