Thận trọng với nợ tiêu dùng

Lĩnh vực thương mại điện tử bùng nổ tại Indonesia đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các phương thức thanh toán số phát triển. Trong đó, phương thức 'mua ngay, trả sau' (BNPL) tăng trưởng mạnh gây lo ngại về các khoản nợ tiêu dùng ngày càng tăng, do khả năng tiếp cận dễ dàng khiến việc chi tiêu quá khả năng thanh toán.

Có khoảng 19 nhà cung cấp BNPL hoạt động tại Indonesia. Không giống như các phương thức thanh toán truyền thống, BNPL cung cấp cho người tiêu dùng giải pháp thay thế thanh toán trả trước mà không cần sử dụng thẻ tín dụng. Nó cũng có chức năng như một lựa chọn tài trợ ngắn hạn cho các giao dịch cụ thể, để người dùng mua hàng và hoãn thanh toán. BNPL được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), tính đến tháng 3-2024, nợ tiêu dùng phát sinh thông qua các chương trình BNPL đã tăng lên 6.130 tỷ rupiah (382 triệu USD), tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê cho thấy, gen Y - thế hệ millenials (sinh năm 1981 đến 1996) là nhóm người dùng BNPL lớn nhất, chiếm hơn 52% số người mắc nợ, tương đương 7 triệu người mắc nợ mỗi tháng. Theo sau là Gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) chiếm 35% số người mắc nợ, đồng nghĩa có trung bình 4,6 triệu người mắc nợ mỗi tháng.

Hiệu suất và sự tăng trưởng của các công ty BNPL tại Indonesia được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của công nghệ trong thời gian tới. Mô hình BNPL cũng khiến mức nợ của các nhóm thu nhập thấp nhất tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, tổng số nợ chưa trả cho BNPL vẫn chưa được đặt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý, giám sát tài chính truyền thống. Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận rõ ràng về khung pháp lý, do Chính phủ Indonesia đang cố gắng cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng và khuyến khích đổi mới trong ngành.

Ông Heru Kristiyana, Giám đốc Viện Phát triển Ngân hàng Indonesia (LPPI), đánh giá cao vai trò của BNPL trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định thận trọng để giảm rủi ro tiềm ẩn cho xã hội. Hiện OJK đang nghiên cứu các khung pháp lý phù hợp với các dịch vụ BNPL để đảm bảo tăng trưởng bền vững, đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/than-trong-voi-no-tieu-dung-post740542.html