Tên lửa tư nhân đầu tiên của Nhật Bản phát nổ ngay sau khi phóng

Khán giả tại sự kiện phóng tên lửa Kairos ngạc nhiên khi nhìn thấy nó phát nổ thành nhiều mảnh ngay trước mắt vào sáng 13/3.

 Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản phóng tên lửa thất bại. Ảnh: NHK.

Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản phóng tên lửa thất bại. Ảnh: NHK.

Được chế tạo bởi start-up nội địa Space One, tên lửa đã phát nổ ngay sau khi phóng và được đài truyền hình NHK quay lại đoạn phim cận cảnh nổ tan tành.

Space One vốn đặt mục tiêu trở thành công ty tư nhân đầu tiên của Nhật Bản đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo. Hãng khởi nghiệp Nhật Bản hy vọng sẽ đưa vệ tinh Kairos - một từ Hy Lạp cổ đại có nghĩa là "thời điểm thích hợp"- vào quỹ đạo khoảng 51 phút sau khi phóng. Nhưng tham vọng này đã thất bại.

Đòn giáng mạnh vào tham vọng vũ trụ của Nhật Bản

Tên lửa Kairos dùng nhiên liệu rắn có độ dài 18 m và được phóng từ bệ phóng tư nhân của công ty tại thị trấn Kushimoto, tỉnh Wakayama, phía tây Nhật Bản. Tên lửa này còn mang theo một vệ tinh thử nghiệm nhỏ của chính phủ.

Nhưng chỉ vài giây sau khi phóng, tên lửa nổ tan tành, tạo thành quả cầu lửa và khói đen bao trùm khu vực bệ phóng. Theo quan sát, mảnh vụn cháy rơi xuống các sườn núi xung quanh khi các vòi phun bắt đầu phun nước dập hỏa.

 Tên lửa này vốn được kỳ vọng sẽ bay vào quỹ đạo khoảng 51 phút sau khi phóng. Ảnh: NHK.

Tên lửa này vốn được kỳ vọng sẽ bay vào quỹ đạo khoảng 51 phút sau khi phóng. Ảnh: NHK.

“Nhiệm vụ phóng tên lửa Kairos đầu tiên đã được thực hiện, nhưng chúng tôi đành sử dụng biện pháp hủy chuyến bay khẩn cấp”, Space One nói với báo giới. Start-up Nhật Bản còn cho biết sẽ điều tra chi tiết vụ việc.

Thất bại của tên lửa Kairos được đánh giá là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Nhật Bản trong việc thâm nhập thị trường phóng vệ tinh đầy tiềm năng sinh lời. Bằng cách thử nghiệm Kairos, chính phủ nước này muốn xem xét liệu họ có thể nhanh chóng phóng các vệ tinh nhỏ, tạm thời và liệu các vệ tinh do thám hiện có có gặp trục trặc trên quỹ đạo hay không.

Hàng trăm khán giả đã tập trung tại các khu vực quan sát tên lửa gần đó. "Tôi đã đặt nhiều hy vọng vào sự kiện này, vì vậy tôi cảm thấy thất vọng. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra", một người đàn ông nói với đài truyền hình NHK.

Theo quan sát của Japan News tại một địa điểm quan sát nằm cách nơi phóng khoảng 2 km, mọi người đã nghe thấy tiếng thở dài của ai đó, sau khi nhận được thông báo nói rằng vụ phóng tên lửa thất bại chỉ vài phút cất cánh.

Người dân thất vọng, bàng hoàng

Một người đam mê tên lửa 44 tuổi - từng chứng kiến gần 30 vụ phóng tên lửa khác - cho biết ông đã lái xe cả đêm từ tỉnh Saitama đến đây để xem vụ cất cánh. "Thất bại là điều tất yếu khi chế tạo tên lửa. Tôi hy vọng họ xem sự kiện này như một bàn đạp để thành công trong tương lai”, ông nói với trang tin.

Thị trưởng thị trấn Kushimoto - có hơn 15.000 cư dân ở tỉnh Wakayama và là nơi diễn ra vụ phóng - đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng. "Tôi thậm chí còn không tưởng tượng được một kết cục như thế này", Katsumasa Tashima nói. Nhưng thị trấn vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Space One để phóng thành công tên lửa tư nhân đầu tiên của Nhật Bản, ông nói.

Space One được thành lập vào năm 2018 bởi một nhóm các doanh nghiệp công nghệ lớn của Nhật Bản, bao gồm Canon Electronics, IHI Aerospace, công ty xây dựng Shimizu và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản thuộc sở hữu chính phủ.

 Đám khói đen kịt vụ nổ để lại. Ảnh: NHK.

Đám khói đen kịt vụ nổ để lại. Ảnh: NHK.

Tháng 7/2023, một động cơ tên lửa khác của Nhật Bản cũng đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm chỉ khoảng 50 giây sau khi bắt đầu. Có tên Epsilon S, đây là phiên bản cải tiến của tên lửa dùng nhiên liệu rắn Epsilon từng không được phóng vào tháng 10 trước đó.

Địa điểm thử nghiệm nằm ở tỉnh Akita nhưng nơi này chìm trong biển lửa, cùng với một đám khói khổng lồ bốc lên trời.

Trước đó, tháng 3/2023, Nhật Bản cũng chứng kiến sự kiện tên lửa H3 thế hệ tiếp theo lại một lần nữa thất bại sau khi cất cánh. Đến tận tháng 2 vừa qua, cơ quan vũ trụ Nhật Bản mới tổ chức thành công vụ phóng tên lửa H3 sau nhiều năm trì hoãn và hai lần thử thất bại trước đó.

H3 được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở phía tây nam Nhật Bản, được bao quanh bởi tiếng reo hò và vỗ tay của khán giả tại trung tâm điều khiển JAXA. Nó được xem là đối thủ của Falcon 9 hãng SpaceX, mang theo tham vọng của Nhật Bản một ngày nào đó có thể vận chuyển hàng hóa đến các căn cứ trên Mặt trăng.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/ten-lua-tu-nhan-dau-tien-cua-nhat-ban-phat-no-ngay-sau-khi-phong-post1464766.html