Sức sống mới ở những làng nghề

Hà Nội được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đến nay, dù chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, song nhiều làng nghề truyền thống vẫn đang phát huy tốt vai trò giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở địa phương.

Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế

Nằm ở phía tây Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Hiện, cả huyện có trên 50 làng có nghề truyền thống, thu hút hàng chục nghìn lao động nông thôn như làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, xã Phùng Xá; Làng nghề đồ mộc - may xã Hữu Bằng; Làng nghề mây tre, giang đan ở xã Bình Phú; Làng nghề mộc Chàng Sơn, xã Chàng Sơn; Làng nghề mộc - xây dựng ở xã Canh Nậu, Dị Nậu; Làng nghề bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá…

Làng nghề tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Ảnh: K.Tiến

Những năm qua, các làng nghề ở Thạch Thất đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Để phát huy được những tiềm năng lợi thế, thời gian qua, các làng nghề ở Thạch Thất đã không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, thị trường được mở rộng, doanh thu tăng đều qua từng năm.

Bà Lê Thị Tám (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) cho biết, trước kia người dân Chàng Sơn sống chủ yếu vào nông nghiệp, những nghề truyền thống chỉ là nghề làm thêm. Tuy nhiên, đến nay khi quỹ đất càng ít đi vì phải xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, nghề nông không còn phổ biến. Từ đó, người dân tập trung vào phát triển những làng nghề cổ truyền như: Làm quạt, tạc tượng, nghề mộc, làm nhà gỗ cổ truyền…

“Từ những nghề vốn được coi là nghề phụ nhằm giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, đến nay, nhiều nghề truyền thống đã mang lại thu nhập chính, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân Chàng Sơn”, bà Tám cho biết.

Ở Thạch Thất phải kể đến Làng nghề chuồn chuồn tre ở Thạch Thất. Sản phẩm chuồn chuồn tre ở đây được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên. Những con chuồn chuồn tre độc đáo ra đời nhờ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của nghệ nhân đã tạo nên kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người. Sản phẩm chuồn chuồn tre với những màu sắc bắt mắt đã trở thành món quà lưu niệm và vật trang trí yêu thích của rất nhiều người. Sản phẩm đã được phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021. Cũng chính nhờ sản phẩm làng nghề này đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Xoan, người có 20 năm kinh nghiệm với nghề tâm sự: “Tôi cứ giữ nghề vì nhờ nó mà gia đình tôi có được cuộc sống như bây giờ, mới nuôi được các con ăn học đàng hoàng”.

Cùng với làng nghề Thạch Thất, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng nổi tiếng từ hàng nghìn năm nay. Trải qua bao thăng trầm và những thách thức về thị trường tiêu thụ, các sản phẩm lụa từ làng nghề này vẫn trụ vững và ngày càng góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hiện nay, đây không chỉ là nơi mua bán sản phẩm mà còn dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điều này một mặt gia tăng sức bán sản phẩm lụa, mặt khác tạo thêm việc làm từ các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và quảng bá văn hóa truyền thống.

Chú trọng dạy nghề, tạo việc làm

Có thể khẳng định rằng, các làng nghề truyền thống tại Thủ đô rất phong phú; tiềm năng giải quyết việc làm còn rất lớn. Thực tế cho thấy làng nghề có thể đóng góp vào toàn bộ quá trình tạo việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện cuộc chuyển dịch cơ cấu lao động và góp phần tăng năng suất lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta.

Đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh của ông Nguyễn Văn Trúc (xã Hiền Nhân, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những cơ sở có quy mô lớn tại làng nghề. Ông Trúc phấn khởi cho biết, đặc điểm của cơ sở là làm nghề truyền thống, bởi vậy 100% lao động đều có tay nghề và rất thành thạo công việc. Hiện tại, xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đang có trên 30 lao động, trong đó khoảng 10 người đang học nghề. Ông luôn động viên, hướng dẫn chi tiết cho những người thợ, thực việc khoán sản phẩm để tăng thu nhập, tạo động lực làm việc.

Ông quan niệm rằng, để có thể duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống thì những người thợ phải sống được bằng nghề. Vì thế, ông luôn nỗ lực để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, trao truyền kỹ thuật điêu khắc cho những người thợ; đưa những sản phẩm điêu khắc Nhân Hiền đến gần với thị hiếu của khách hàng và thị trường, góp phần đưa làng nghề điêu khắc Nhân Hiền hướng đến phát triển bền vững…

Trải qua hơn 40 năm làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã trực tiếp dạy nghề tại xưởng cho hàng trăm người. Nhiều người thành nghề đã về phát triển xưởng riêng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung. Tại làng Nhân Hiền, có anh Hoàng Văn Kế là học trò ưu tú nhất của ông, đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2015. Ông tâm sự rằng, khi mỗi học sinh của mình thành đạt hoặc lĩnh hội thêm các kinh nghiệm đều mang lại cảm giác hạnh phúc trong ông, bởi đó chính là đóng góp phần nào trong việc giữ gìn và phát huy giá trị điêu khắc gỗ Nhân Hiền.

Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết lao động việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Đây là một trong những giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội hiện nay. Bộ mặt nông thôn của Hà Nội đã có những đổi thay lớn. Đời sống của người nông dân ở mọi địa phương trên cả nước đã được nâng cao không ngừng cả về vật chất, văn hóa và tinh thần.

Có thể nói, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô ngày càng có sự phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Cùng với đó, làng nghề truyền thống còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà bao đời nay ông cha ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn là chủ trương lớn của thành phố Hà Nội. Trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đạt nhiều kết quả. Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04- CTr/TU “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/suc-song-moi-o-nhung-lang-nghe-159815.html