Sông Đà - một đoạn đường đời

Một dòng sông, dù là lớn như sông Đà cũng đón nắng và trông mưa. Có nhiều cách khác nhau để cảm nhận, nhưng ngồi yên trên bờ trong ánh nắng ngắm dòng nước lững lờ trôi cũng là một thú vui lạ thường.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Đà - một đoạn đường đời của tác giả Đinh Thành Trung.

Ngày nay, trong cơn hối hả thị thành, mấy ai đi về nguồn, qua thủy điện và ngắm xuống trong một thời gian dài. Giở chiếc đồng hồ ra, đếm từng tiếng tích tắc của thời gian, tôi chợt tự hỏi lại mình, có phải con sông rộng đến thế không nếu so với chiều dài đất nước?

Thiên nhiên không cho chúng ta câu trả lời cụ thể nào mà phải tự mình tìm hiểu và khám phá, để có lời giải đáp lợp lý cho sự tò mò của chính bản thân mình. Sông Đà dài hơn năm trăm cây số mà người ta vẫn nhớ. Sông Đà không chỉ là vẻ đẹp mà còn xúc cảm thi ca và mang đến dòng năng lượng lớn lao với những thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Sông Đà. (Ảnh: Thế Bằng)

Sông Đà, nghe tưởng quen thuộc mà hóa ra còn nhiều điều kỳ bí, huyền ảo. Vốn bắt nguồn từ phương Bắc, sông Đà vẫn ở trong những câu chuyện, chén rượu với nhiều sự tích khó ai kiểm chứng. Mọi người cứ vui vẻ mà chấp nhận tất cả những điều đó với tâm thế bình lặng và an yên.

Sông Đa có một phần nằm trong hiểu biết của con người, có vậy con người mới có thể chế ngự một khúc thiên nhiên, lấy đó làm nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống. Có nhà văn lại cảm tác sông Đà theo góc nhìn cá nhân, để trở thành một thiên tuyệt tác. Dù là cách nào thì sông Đà cũng hiện lên như một huyền thoại, được con người coi như điều lớn lao, kỳ vĩ.

Áng tóc mun là cách ví von nói lên độ dài cùng những điều vừa thân thuộc, nâng niu và trân trọng. Biết bao năm, con người và sông Đà cứ dựa vào nhau mà sống, mà cùng tồn tại, như thói quen vốn có của loài người với thiên nhiên. Con người chỉ biết sống hiền lành bên cạnh dòng sông và chấp nhận mọi điều con sông mang đến cho mình.

Sông Đà không hề phẳng lặng - ai đó đã thốt lên như thế, nhất là những người dành cả đời gắn bó với dòng sông này. Tôi ngồi bên ấm chè của người anh em trên Tây Bắc nghe những câu chuyện buồn về người đi mà không trở về. Sông Đà như một con thú hoang với bản chất dữ dội và không xót thương con người. “Ấy là do chính con người làm ra mà thôi.”

Sông Đà không chỉ là dòng chảy trong xanh mà còn nhiều đá ghềnh, thác đổ hay vực xoáy. Sông rất công bằng, đó chính là sự công bằng của thiên nhiên chứ chưa nói đến cách con người tác động đến tự nhiên ra sao.

Sông Đà lúc mưa bão thì kinh khủng lắm, nhất là cho những người phải kiếm sống dựa vào sông và người sống bên sông. Khi có lũ lụt thì cuốn đi tất cả. Những con thú trộn với gỗ rừng ào ào cuốn theo dòng, cuốn đi cả người nếu không may mắn. Sông là thế, sông Đà hay sông nào cũng thế thôi, con sông đem đến cho con người cả những điều mà dù đã tính toán trước cũng khó ai ngờ.

Người ta vẫn đổ cho sức mạnh của thủy thần, của Thủy Tinh như truyền thuyết mà quên đi sức nặng của những hành động do con người gây nên. Sông Đà từ núi rừng Tây Bắc chảy về và hòa vào dòng sông Hồng. Trên đường đi, thiên nhiên giáng những cú đấm mạnh vào cuộc sống của con người, thứ mà chúng ta vẫn gọi là sự hung hãn của thủy thần.

Tôi đứng cạnh một bàn lễ của người dân. Họ mong chuyến đi bình an và đem về thành quả. Phong tục của con người là nơi để thể hiện mong muốn tốt đẹp, ai cũng mong như thế, nhưng thực tế lại phụ thuộc phần lớn vào may mắn. Dòng sông linh thiêng trong tâm tưởng. Dòng sông giận dữ có thể lấy đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Nếu nhìn theo một cách khác thì việc có người chết dưới sông là việc hiển nhiên, và con người phải cầu xin để tránh nó.

Tâm trạng của chúng tôi và người lái đò thật khác biệt, khi chúng tôi chỉ nhìn với góc của những du khách. Nhưng thật kỳ lạ, người vốn bàng quan với mọi chuyện lại hòa vào tâm trí và lĩnh vực tâm linh của người dân nơi đây để thấy họ không sai. Bao đời nay, những người bên sông Đà vẫn sống như thế, dù có xảy ra chuyện gì. Ngã ba sông, nơi hai con sông lớn nhất miền Bắc hợp lưu, hai dòng chảy cứ thế cùng tồn tại. Một lão niên nói với tôi, cứ coi như ngã ba sông là nơi cuộc chiến của thiên nhiên hay các vị thần, để thấy con người sinh sống thuận theo tự nhiên thì sẽ ấm no. Nhưng những trận lũ hằng năm thì khủng khiếp đến nỗi con người coi đó là sức mạnh của thần.

Đến khi con người trở nên mạnh hơn nhờ khoa học và công nghệ, trận chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh năm xưa vẫn được giữ trong truyền thuyết và văn hóa của các cộng đồng bên sông Đà. Đến khi đập thủy điện Hòa Bình chặn dòng sông Đà để hấp thụ một phần sức mạnh của thiên nhiên phục vụ cho con người, chúng ta vẫn không thay đổi truyền thuyết, mà càng trân trọng hơn công sức và ý chí của tổ tiên.

Đoạn Sông Đà chảy qua tỉnh Hòa Bình. (Ảnh flickr@tlvna)

Tháng 7 âm lịch, ở một làng chài bên sông Đà có những người dân thành kính cầu nguyện. Lũ từ thượng nguồn đổ về là tiếng nói của tự nhiên, nhưng người dân bây giờ cũng có kiến thức về biến đổi khí hậu, về tác động của con người cũng làm gia tăng sự giận dữ của con sông ấy. Dòng nước cổ tích năm nào đã trở nên yên lành hơn, bớt dữ dội hơn. Bến đò qua sông Đà nhộn nhịp ngày đêm, người đi qua vẫn ngắm nhìn dòng sông trong ánh mắt vui tươi và nụ cười trìu mến.

Giờ đây, chính những người năm xưa đã yêu dòng sông này hơn, nhìn sông Đà với vẻ lãng mạn hơn. Người dân chài dần ít đi, theo dòng phát triển của đất nước mà làm những nghề hiện đại. Họ vẫn nhớ quá khứ lênh đênh làm bạn với con nước, với tay chèo. Sông Đà dần trở thành kỷ niệm, thành nỗi nhớ nhung không bao giờ gặp lại. Sông Đà ơi! Có người thốt ra như thế vì nuối tiếc cho một đoạn đường duy nhất của cuộc đời.

Đinh Thành Trung

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-da-mot-doan-duong-doi-2270050.html