Quỹ ngoại tỷ USD tiếp tục thoái vốn tại Thế giới Di động

Sau khi bán ra 114 nghìn cổ phiếu MWG, Arisaig Asian Fund Limited đã giảm sở hữu tại CTCP Đầu tư Thế giới Di động xuống còn 50,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,45%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan theo đó cũng giảm xuống còn 4,997%, tương ứng 73 triệu cổ phiếu MWG – chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, ngày 14/11, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý đã bán ra 114 nghìn cổ phiếu MWG. Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (41.500 đồng/cp), quỹ ngoại này có thể thu về khoảng 5 tỷ từ việc bán bớt cổ phiếu.

Arisaig Partners không còn là cổ đông lớn tại Thế giới Di động.

Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund Limited đã giảm sở hữu tại MWG từ 50,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,458%) xuống còn 50,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,45%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan cũng theo đó giảm từ 5,005% xuống còn 4,997% tương ứng 73 triệu cổ phiếu MWG.

Quỹ thành viên Arisaig Asian Fund Limited bắt đầu ghi nhận bán ra cổ phiếu MWG kể từ giữa tháng 4/2023. Chỉ sau 7 tháng, quỹ đã bán ròng tổng cộng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG.

Arisaig Partners là nhóm quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quy mô hàng tỷ USD. Lựa chọn của nhóm chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, nắm bắt công nghệ và mang lại lợi nhuận cao.

Nhóm quỹ ngoại này từng rất ưa thích cổ phiếu MWG, thậm chí phải mua gom từ các quỹ ngoại khác như Dragon Capital, Pyn Elite Fund,… Giao dịch thường được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) với mức chênh lệch (premium) lên đến 20% so với thị giá. Nhóm quỹ Arisaig Partners cũng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào MWG và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, động thái của quỹ ngoại này lại đang có sự thay đổi.

Không riêng gì Arisaig Partners, trong khoảng vài tháng trở lại đây, cổ phiếu MWG liên tục ghi nhận tình trạng hở “room” ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về dưới sát ngưỡng 45%, tương ứng hở gần 4% - điều rất hiếm thấy tại doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết, việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ra cổ phiếu MWG có thể đến từ sự lo ngại về tình hình kinh doanh của các chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh. Ông cũng thừa nhận trong năm 2023, tập đoàn không tạo ra được lợi nhuận đáng kể.

Quý III/2023, Thế giới Di động lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 39 tỷ đồng, giảm tới 96% và ở vùng đáy lịch sử. Đáng chú ý, nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính tăng 77% đạt 619 tỷ đồng thì phần lợi nhuận còn kém khả quan hơn. Doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi khi công ty gia tăng lượng tiền gửi lên hơn 20.000 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt gần 87.000 tỷ đồng doanh thu, nhưng lãi ròng vỏn vẹn 77 tỷ, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% - cách rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đã đề ra.

Dù đang sở hữu 3 chuỗi cửa hàng mang lại doanh thu chủ lực là Bách Hóa Xanh (BHX), Thế giới Di động và Điện máy xanh, tuy nhiên lợi nhuận của CTCP Thế giới Di động chủ yếu đến từ chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh, trong khi Bách hóa xanh vẫn đang chịu lỗ.

Được biết, doanh thu tháng 10 của công ty đạt hơn 10.000 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm đến nay và là tháng đầu tiên tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động đánh giá tình hình quý IV sẽ khá hơn quý III một chút nhưng sẽ khó kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong dịp Noel và Tết như các quý IV của những năm trước do bối cảnh hiện tại sức mua ở Việt Nam chưa thể phục hồi.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/quy-ngoai-ty-usd-tiep-tuc-thoai-von-tai-the-gioi-di-dong-1096687.html