'Ông trùm' dầu khí lớn nhất thế giới ngỏ ý xây nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam

Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Aramco và ông Mohammed Al-Khrashi, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam (Ảnh: VGP).

Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Aramco đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021.

Tại buổi tiếp, ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Aramco cho biết, Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện, Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa có đầu tư trực tiếp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí như dầu thô, khí hỏa lỏng, hạt nhựa, phân bón…

Thủ tướng cũng đề nghị Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia, tìm các dự án lớn để cùng đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dầu khí.

Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc gặp PVN và Aramco thu xếp làm việc trực tiếp về kế hoạch hợp tác.

Mới đây, tại báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra, thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành.

Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%; có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước.

Trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh, phân phối xăng dầu, trên thị trường có 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm 2 doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu và không tính 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh xăng dầu hàng không); khoảng trên 300 doanh nghiệp phân phối; tổng hệ thống cửa hàng bán lẻ trên cả nước là 17.000 cửa hàng. Dự án về xăng sinh học chưa hấp dẫn người tiêu dùng, về cơ bản đã không thành công.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/apos-ong-trum-apos-dau-khi-lon-nhat-the-gioi-ngo-y-xay-nha-may-loc-hoa-dau-tai-viet-nam-1096064.html