Nữ thanh niên dân tộc thiểu số truyền cảm hứng khởi nghiệp

Vượt qua định kiến về giới, không cam chịu số phận, chăm chỉ học hỏi và không ngừng vươn lên, không ít nữ thanh niên dân tộc thiểu số của Lào Cai đã khởi nghiệp thành công. Quá trình họ vượt lên chính mình trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho những người trẻ đang loay hoay khởi nghiệp.

Ở thôn Bản Pho, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) có hơn 70 hộ kinh doanh du lịch, trong đó đa phần do thanh niên chủ sở hữu, nhưng mô hình homestay của nữ thanh niên người Mông Giàng Thị Ly là ấn tượng nhất. Homestay nằm cạnh con dốc nhỏ có view đẹp nhìn xuống thung lũng Mường Hoa. Homestay được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ gồm 8 phòng riêng và 4 phòng tập thể. Xung quanh homestay được vợ chồng Giàng Thị Ly trồng rất nhiều hoa. Homestay chủ yếu đón khách nước ngoài. Bên cạnh đó, Giàng Thị Ly còn tổ chức tour trekking và làm hướng dẫn viên du lịch.

Trước đó, Giàng Thị Ly thường đi theo phụ nữ trong thôn bán hàng rong, đeo bám khách du lịch, cả ngày bán được vài chiếc túi, chiếc vòng, vất vả mà kém văn minh. Năm 2018, Giàng Thị Ly bàn với chồng cải tạo lại căn nhà thành homestay từ số tiền vợ chồng tích cóp được và bán 3 con trâu của gia đình. Năm 2019, homestay đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì dịch Covid - 19 ập đến khiến việc kinh doanh hoàn toàn đóng băng. Khó khăn không nản chí, năm 2022, khi dịch bệnh qua đi, homestay của Giàng Thị Ly hoạt động trở lại, với cách điều hành năng động, sáng tạo của cô chủ nhỏ, homestay nhanh chóng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Hiện homestay của Giàng Thị Ly tạo việc làm ổn định cho 6 - 7 lao động địa phương.

Để điều hành homestay, ngoài kỹ năng quản lý, Giàng Thị Ly còn rất giỏi tiếng Anh. Chị chia sẻ quá trình học tiếng Anh của mình đều do kiên trì mà thành. “Tôi thường tìm những lớp học miễn phí của các tổ chức tình nguyện mở tại Sa Pa, học qua internet và tự nói chuyện, làm quen với người nước ngoài, dần dần tôi đã tự tin giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh” - Giàng Thị Ly tâm sự.

Lồ Dìn Sủi là nữ thanh niên dân tộc Bố Y sống ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Từ nhỏ, ngoài học ở trường, Lồ Dìn Sủi còn giúp bố mẹ việc nhà. Lớn lên, Lồ Dìn Sủi theo những người trong thôn sang Trung Quốc buôn bán, làm thuê. Dọc đường cô đi thấy những vườn quýt bạt ngàn quả sai trĩu cành, Lồ Dìn Sủi nghĩ đến mảnh nương của nhà đang để trống, cô mơ ước sau này sở hữu vườn quýt rộng lớn như vậy.

Năm 2013, Lồ Dìn Sủi nhập 3.000 cây quýt giống ở Trung Quốc về trồng thử trong vườn nhà. Vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh từ những người đã trồng quýt thành công trong thôn. Trong quá trình chờ quýt lớn, Lồ Dìn Sủi lại xin làm việc ở những vườn quýt của chủ Trung Quốc. Công việc của Sủi là cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước. Cô cố gắng chăm chỉ để được tham gia tất cả các quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch. Vừa làm vừa hỏi người Trung Quốc những “bí mật” của cây quýt, dần dần Lồ Dìn Sủi đã nắm được toàn bộ kỹ thuật trồng loại cây này. Khi đã có đầy đủ kiến thức, Lồ Dìn Sủi mạnh dạn mua thêm 3.000 cây giống về mở rộng diện tích.

Năm 2017, vườn quýt cho thu hoạch vụ đầu tiên với chất lượng quả ngon, ngọt. Vườn quýt cho gia đình Lồ Dìn Sủi thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc quýt, Lồ Dìn Sủi cho biết: Cây quýt hay xuất hiện nhện đỏ, do vậy người trồng cần đặc biệt chú ý diệt loại côn trùng này triệt để.

Vườn quýt của Lồ Dìn Sủi có vị thế đẹp, chị cũng đầu tư đường bê tông nhỏ đi dọc vườn quýt và xây dựng mô hình trải nghiệm hái quýt tại vườn. Từ mô hình trồng quýt của nữ thanh niên người Bố Y đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của nhiều thanh niên khác trong thôn, đến nay Lao Chải có hơn 20 thanh niên trồng quýt...

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng nhất là với nữ thanh niên người dân tộc thiểu số. Không ít lần thất bại nhưng bằng sự quyết tâm, tinh thần kiên trì, chăm chỉ lao động, những nữ thanh niên dân tộc thiểu số như Lồ Dìn Sủi, Giàng Thị Ly từng bước gặt hái được thành công. Điểm chung của họ đều là những người trẻ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám thử thách. Mô hình phát triển kinh tế của nữ thanh niên người dân tộc thiểu số đã và đang lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của người trẻ ở vùng cao, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nu-thanh-nien-dan-toc-thieu-so-truyen-cam-hung-khoi-nghiep-post383395.html