Nông dân ĐBSCL chuyển đổi hình thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Không khuất phục trước khó khăn, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất thích ứng với tình hình mới. Phóng viên của Reuters đã thực hiện phóng sự liên quan đến vấn đề này.

Phóng sự của Reuters bắt đầu bằng lời kể của anh Tạ Thanh Tùng, một nông dân nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng về cuộc sống cơ cực của anh trước kia khi còn làm đồng ruộng.

Ông Tạ Thanh Tùng cùng với người em mình là Tạ Thị Thanh Thủy từng làm việc cực nhọc trên mảnh đất Sóc Trăng nằm ở cuối nguồn con sông Mê Kông, khu vực được nhiều người biết đến là vựa lúa của Việt Nam. Nhưng do tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới tiêu, hai anh em ông Tùng và những người hàng xóm đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm.

Phóng viên Reuters cho rằng khi nước biển dâng cao làm gia tăng đáng kể độ mặn của nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xu hướng đào ao nuôi tôm dự kiến sẽ thúc đẩy ngành thủy sản trong nước. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu tôm từ mức hiện tại lên 10 tỷ USD vào năm 2025. Hướng tới mục tiêu này, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã tổ chức các buổi đào tạo bài bản về nuôi tôm cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Song song với đó, nhiều hỗ trợ về mặt tài chính, thủ tục, khuyến khích người nông dân chuyển đổi sản xuất cũng được triển khai.Với việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ kèm theo quy mô lớn, các nhà phân tích kỳ vọng ngành xuất khẩu thủy sản sẽ tăng 5-10% mỗi năm trong thập kỷ tới do tổng diện tích đất nuôi tôm của cả nước - chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long - tăng 3-5% mỗi năm.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nong-dan-dbscl-chuyen-doi-hinh-thuc-canh-tac-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau