Nỗi sợ mới khi đi xin việc

Các ứng viên ở Mỹ ngày càng lo sợ trước những công cụ lọc CV mà nhà tuyển dụng sử dụng. Do đó, họ nộp nhiều CV nhất có thể hay tìm cách 'vượt mặt' bộ lọc, nhưng không mấy hiệu quả.

Cuộc chiến xin việc làm đang ngày càng khốc liệt. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Melissa Weaver đang làm ở vị trí tuyển dụng cho một công ty tư vấn công nghệ. Trong quá trình làm việc, cô ấn tượng về CV của một chàng trai từng làm việc tại một cửa hàng pizza trong suốt 4 năm đại học.

"Anh ấy bắt đầu bằng vị trí nhân viên rửa bát, và giờ đã trở thành quản lý cửa hàng đó", cô nói với Business Insider.

Nam sinh viên mới tốt nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng đối với Weaver, ứng viên đó đã thể hiện sự quyết tâm gắn bó lâu dài với công ty và mong muốn đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn.

Weaver cũng đánh giá cao cuộc trò chuyện với người đàn ông nói trên. Cuối cùng, anh đã vượt qua nhiều đối thủ, nhận được công việc mới và thăng chức nhiều lần.

Đó là một câu chuyện cảm động, nhưng dường như sẽ ngày càng ít bắt gặp hơn trên thị trường lao động Mỹ hiện nay, khi mà các công ty sử dụng phần mềm như ATS (Applicant Tracking System) để tự động lọc và từ chối hồ sơ.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng người đưa ra quyết định cuối cùng về hồ sơ của ứng viên thường là con người, không phải máy móc tự động.

Nhiều ứng viên đang tìm cách lách qua những hệ thống lọc CV bằng những tips được truyền tai trên MXH. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Nỗi ám ảnh

ATS (Applicant Tracking System) là một loại phần mềm được sử dụng để quản lý quá trình tuyển dụng của một tổ chức. Hệ thống này giúp doanh nghiệp tự động hóa việc thu thập, sắp xếp và xử lý hồ sơ ứng viên, từ việc nhận thông tin đăng ký đến theo dõi tiến trình tuyển dụng.

Mark Jensen, một nhà tuyển dụng của Upswing Talent Acquisition, nói rằng những người tìm việc thường tập trung quá nhiều vào việc làm sao để lách qua hệ thống ATS này.

"Tất cả đều nghĩ ATS là một công nghệ kỳ diệu nào đó, nó tự sàng lọc mọi người. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là một kho lưu trữ mà thôi", ông nói.

Thay vào đó, các nhà tuyển dụng thường lọc từ khóa và các biến số khác để giảm bớt lượng hồ sơ xin việc. Vì vậy, mấu chốt là người xin việc nên điều chỉnh CV và thư xin việc của mình để đảm bảo chúng phù hợp với mô tả công việc.

"Giống như các nhân sự khác, bộ phận tuyển dụng cũng cảm thấy bị làm việc quá sức. Do đó, họ nhờ sự hỗ trợ từ các công cụ khác. Họ không có thời gian để thực sự phân tích sơ yếu lý lịch và suy nghĩ xem ai đó có phù hợp hay không. Họ cần bản lý lịch đó nổi bật lên khỏi trang giấy", Jensen nói thêm.

Weaver đồng ý với điều đó. Cô khuyên các ứng viên nên liệt kê những thành tựu và kỹ năng cụ thể, chứ không chỉ tập trung vào những từ khóa có trong JD từ nhà tuyển dụng.

"Hãy đưa các con số, dữ liệu cụ thể để chứng minh khả năng và kinh nghiệm của bạn. Điều đó sẽ sẽ giúp CV của bạn nổi bật trong số hàng trăm CV khác mà nhà tuyển dụng có thể nhận được”, Weaver nói thêm.

Các chuyên gia khuyên ứng viên không nên quá áp lực trước các hệ thống lọc CV. Ảnh minh họa: Edmond Dantès

Tìm cách 'lách luật'

Có thể hiểu tại sao mọi người lại căng thẳng về việc liệu ATS có loại bỏ CV của họ hay không.

Ví dụ, hầu hết công ty trong danh sách Fortune 500 đều triển khai hệ thống tiếp nhận sơ yếu lý lịch này. Điều tồi tệ nhất không phải chuyện một nhà tuyển dụng chỉ dành 6-7 giây để đọc qua CV, mà là không có ai đọc nó.

Trên mạng, các cuộc tranh luận về các chiến lược để "vượt mặt" công cụ này đang diễn ra.

Nhiều người còn cung cấp dịch vụ tạo ra những sơ yếu lý lịch thân thiện với hệ thống ATS.

Tuy nhận thấy giá trị của việc tận dụng công nghệ trong việc tuyển dụng, Weaver cũng lo lắng rằng hệ thống tự động có thể bỏ qua những nhân sự tiềm năng, chẳng hạn như anh chàng bán pizza.

Nỗi sợ bị loại bỏ bởi một hệ thống như ATS cũng là lý do khiến nhiều ứng viên nộp đơn càng nhiều vị trí càng tốt, chỉ để tăng cơ hội được lựa chọn.

Người tìm việc không nên ứng tuyển một cách vô tội vạ. Ảnh minh họa: RDNE Stock project/Pexels.

Nguyên tắc 3%

Việc nộp đơn xin việc đang dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta nên làm điều đó vô tội vạ.

Ví dụ, một người có thể ứng tuyển vào hơn 1.000 vị trí, nhưng sẽ không đảm bảo thành công ở bất kỳ vai trò nào.

Aaron Cleavinger, đối tác quản lý tại Murdoch Mason Executive Search Group, chia sẻ rằng theo nghiên cứu của công ty ông, chỉ có khoảng 3% trong số ứng viên nộp đơn xin việc có thể dẫn đến "các cuộc trò chuyện có ý nghĩa".

Điều này không có nghĩa mọi người không nên nộp đơn xin việc, nhưng các ứng viên cần hạn chế tần suất.

“Nếu việc nộp CV chỉ mang lại 3% giá trị, có lẽ bạn chỉ nên dành 3% thời gian của mình để làm việc đó”, ông nói.

Vậy người tìm việc nên làm gì?

Cleavevinger cho biết các ứng viên nên liên tục thử thách bản thân để thẻ hiện sự khác biệt so với những người khác có trình độ ngang bằng hoặc cao hơn.

“Làm thế nào để bạn nổi bật để khi nhà tuyển dụng đang có một loạt CV hoặc một danh sách khổng lồ các hồ sơ LinkedIn cần xem qua? Bạn phải trả lời được câu hỏi đó”, Cleavevinger nói thêm.

Ngoài ra, Jensen cho rằng những người tuyển dụng nên có trách nhiệm đưa ra các quyết định thông minh về cách sử dụng hệ thống ATS để lọc và chọn ra những ứng viên phù hợp nhất.

“Sử dụng các công cụ hợp lý sẽ giúp nhà tuyển dụng tránh phải xem xét một lượng lớn CV, từ đó họ tiết kiệm thời gian và có thể tập trung vào việc tìm kiếm những ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc. Tuy nhiên, sử dụng sai cách cũng sẽ khiến họ bỏ qua những nhân sự tiềm năng trong tương lai”, Jensen nói thêm.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-so-moi-khi-di-xin-viec-post1474304.html