Nỗ lực bảo tồn văn hóa đặc sắc của người Cống ở Điện Biên

Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống rất ít người, chỉ gần 200 hộ, với hơn 900 nhân khẩu. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã chú trọng cùng nhân dân chú ý bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cống nơi đây.

Tại Điện Biên, đồng bào Cống sinh sống rải rác ở 5 bản thuộc 3 xã trên địa bàn 3 huyện, gồm các bản Huổi Moi, Si Văn, Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) và bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé).

Năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 105/QÐ-UBND về việc phê duyệt Ðề án “Phát triển KT-XH vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên” giai đoạn 2013 - 2020, với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng.

Khi Đề án được triển khai, các công trình điện, đường, trường, trạm được ưu tiên hàng đầu để phù hợp nhu cầu đời sống và nguyện vọng của người dân.

Một lớp học của trẻ em dân tộc Cống ở bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh, các bản đồng bào Cống ở Điện Biên đã có những chuyển mình rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn 52% (năm 2020).

Đời sống được nâng lên, các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cống ở Điện Biên cũng được quan tâm giữ gìn, nhất là những nét văn hóa về trang phục, tín ngưỡng…

Nụ cười cô gái Cống.

Nhiều lớp truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm, làm trang phục truyền thống được chị em phụ nữ Cống duy trì, nhằm bảo tồn những nét đẹp văn hóa riêng có của dân tộc mình.

Tết Mền Loóng Phạt Ái (Tết hoa Mào Gà) - Tết cổ truyền của dân tộc Cống được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Hàng năm, vào dịp tháng 10 âm lịch, khi công việc mùa màng đã xong, đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên lại rộn ràng đón Tết hoa Mào Gà.

Trước Tết một ngày, nhà nào nhà nấy đều lên nương chọn hái những bông hoa Mào Gà đẹp nhất, đem về chuẩn bị lễ vật dâng cúng trời đất tổ tiên tại gia đình và trang trí cây hoa ở địa điểm tổ chức Tết hoa của bản.

Nghi lễ có hai phần: Phần lễ và phần hội.

Hoa Mào Gà là thứ không thể thiếu trong khi tổ chức Tết hoa Mào gà

Phần lễ gồm Lễ cúng chung của bản và lễ cúng riêng tại mỗi gia đình. Lễ vật dâng cúng có lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ…

Trước đây, Tết hoa Mào gà thường được bà con tổ chức từ ba đến bốn ngày, nay rút ngắn chỉ còn hai ngày, một đêm.

Lễ buộc chỉ cổ tay, cầu mong sức khỏe cho trẻ nhỏ. Trong lý này, thầy cúng sẽ chọn một đứa trẻ trong bản cùng giúp thầy thực hiện các nghi lễ. Đứa trẻ được bế ngồi bên mâm lễ, thầy cúng đọc bài khấn dụ hồn trẻ nhỏ về ăn Tết năm mới.

Sau lễ cúng tại các gia đình, mọi người sẽ cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian dân tộc và thi đấu thể thao như đánh cù, đẩy gây, kéo co… Không khí ngày tết thật náo nhiệt và thắm tình đoàn kết cộng đồng...

Việc tổ chức và duy trì các lễ hội văn hóa dân tộc, hỗ trợ phát triển kinh tế đã từng bước xóa bỏ hủ tục, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt, đời sống xã hội của đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/no-luc-bao-ton-van-hoa-dac-sac-cua-nguoi-cong-o-dien-bien-post1055873.vov