Niềm đam mê chinh phục và mạo hiểm của các tỷ phú thế giới

Ngành du lịch mạo hiểm có chi phí lớn đang được các tỷ phú trên thế giới ưa chuộng, bất chấp những rủi ro đến tính mạng có thể xảy ra như vụ chiếc tàu lặn Titan bị ép nổ dưới độ sâu 4.000m dưới đáy biển khi khám phá xác tàu Titanic vừa qua.

Tỷ phú Nhật bản Yusaku Maezawa trước khi tham gia vào chuyến đi lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 8/12/2021. Ảnh: Reuters

Theo Grand View Research, trị giá ngành du lịch mạo hiểm trên toàn thế giới được dự đoán sẽ gia tăng từ ngưỡng 322 tỷ USD vào năm 2022 lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2023, trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty tìm cách mở rộng dịch vụ của mình tới những du khách mong muốn tìm kiếm cảm giác mạnh.

Khám phá độ sâu hàng nghìn mét của đại dương, nhảy dù từ đỉnh Everest hay đi tới những vùng đất nguy hiểm không thể sinh sống trên Trái Đất, tất cả những hoạt động thể thao mạo hiểm đều đi kèm với mức giá đắt đỏ mà chỉ có những người thu nhập cao nhất mới có thể chi trả.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nhân tỷ phú Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson thậm chí còn thúc đẩy ngành du lịch mạo hiểm lên phạm vi ngoài không gian chứ không chỉ gói gọn trong địa cầu.

Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa đã mua tất cả ghế với mức giá chưa được công bố cho chuyến hành trình đầu tiên trên tên lửa Starship của SpaceX bay xung quanh Mặt Trăng trong 3 ngày. Vốn được lên kế hoạch vào năm 2023, chuyến hành trình này đã bị hoãn do các vụ thử nghiệm tên lửa gặp thất bại.

Trong khi đó, kể từ tháng 6/2021, công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã cung cấp các chuyến bay ra ngoài không gian kéo dài 10 phút đến độ cao khoảng 106 km - nơi hành khách trải nghiệm một vài khoảnh khắc không trọng lượng trước khi quay trở lại Trái Đất.

Công ty Virgin Galactic Holdings của tỷ phú Richard Branson cũng thông báo chuyến bay vũ trụ thương mại đầu tiên của công ty là “Galactic 01” sẽ ra mắt trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 30/6 tới. Theo các báo cáo của các phương tiện truyền thông, hiện có khoảng 800 hành khách đã đăng ký tham gia chuyến bay kéo dài khoảng 90 phút này với mức giá dao động từ 250.000 USD cho tới 400.000 USD mỗi người.

Chuyến thám hiểm xác tàu Titanic bằng tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions chính là một trong những ví dụ mới nhất về việc những người giàu có tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm.

Tuy con tàu này được mô tả là “thử nghiệm” và các báo cáo từ nhiều hãng truyền thông cho thấy người tham gia cần ký vào đơn miễn trừ trách nhiệm trước đó, vẫn có những người không phải chuyên gia xuống thăm tàu Titanic. Những người này sẵn sàng trả 250.000 USD để đi xuống đáy đại dương sâu 4.000m trong một con tàu chật hẹp không có ghế và nhà vệ sinh.

Thủy thủ đoàn của tàu lặn Titan tử nạn bao gồm tỷ phú người Anh Hamish Harding, người có tài sản ròng trị giá 1 tỷ USD. Ông Harding hiện nắm giữ 3 kỷ lục Guinness thế giới về những chuyến đi khắc nghiệt trong quá khứ. Những hành khách còn lại bao gồm CEO OceanGate Stockton Rush - người có tài sản ròng ước tính trị giá 12 triệu USD, cựu lính Hải quân Pháp Paul-Henri Nargeolet với tài sản ước tính trị giá 1,5 tỷ USD và doanh nhân người Pakistan gốc Anh Shahzada Dawood con trai Suleiman. Gia đình Dawood là một trong những gia đình giàu có nhất ở Pakistan.

Tỷ phú Anh Harmish Harding - người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu lặn Titan - xuất hiện sau chuyến bay vào vũ trụ hồi tháng 6/2022 của công ty Blue Origin. Ảnh: Blue Origin

Tâm lý mạo hiểm của những người giàu có

Theo Daily Mail trích dẫn tiến sĩ Scott Lyons, một nhà tâm lý học có khách hàng bao gồm một số người giàu nhất thế giới, cuộc sống buồn chán và an toàn về các mặt như tài chính của các triệu phú và tỷ phú thôi thúc họ tìm kiếm cảm giác hồi hộp và rủi ro ở những mặt khác trong cuộc sống.

Ông giải thích: “Mọi người sẽ bắt đầu tìm kiếm cảm giác mạnh hơn khi bị buồn chán. Khi cuộc sống trở nên xa hoa hơn và mọi thứ trở nên ít thú vị hơn và sẵn có hơn, bạn sẽ tìm kiếm những điều mới lạ của cuộc sống”. Những cuộc phiêu lưu mang tới “cảm giác được sống” và cũng giúp cho những người muốn giảm bớt đau đớn hoặc trốn tránh thực tại cảm giác về sức mạnh.

Theo ông, có một cơ chế sinh lý đằng sau các hành động mạo hiểm của những người giàu có. Mọi chuyện bắt đầu từ một bộ phận trong não gọi là amygdala – nơi chịu trách nhiệm đánh giá các hậu quả tiêu cực của một vấn đề và về cơ bản cũng là nơi kích hoạt một loạt các hormone như dopamine, testosterone, norepinephrine, adrenaline và serotonin.

Khi tham gia vào các hoạt động mạo hiểm, não bộ sẽ giải phóng hàng loạt hormone và giúp sản sinh cả endorphin – một chất giúp giảm đau. Chính cảm giác mạnh mẽ này giúp người tham gia vượt lên trên ngưỡng tê liệt hoặc buồn chán. Khoảnh khắc tích cực trong giây lát này được ông Lyons mô tả có tính chất như dùng ma túy, trừ việc nó được tạo ra từ hoàn cảnh thay vì tiêu thụ chất nào đó.

Và cũng giống như ma túy, người dùng cần tìm kiếm cảm giác này nhiều hơn để có thể cảm nhận được nhiều hơn do các trải nghiệm trong quá khứ giúp tạo ra một mức độ chịu đựng nhất định trong não. Khoảng thời gian kích thích chỉ xảy ra trong khoảng 60 đến 90 giây và sau đó các hormones, sự kích thích hay sự hồi hộp sẽ dần nhạt đi. Chính yếu tố này khiến người tham gia các hoạt động mạo hiểm càng mong muốn lặp lại chúng.

Tiến sĩ Lyons nhận định các hoạt động này khiến người tham gia “cảm thấy mình quan trọng và đặc biệt”, nhất là khi liên quan tới vấn đề lòng tự trọng do tiền không nhất thiết mang lại sự tôn trọng. Ngoài ra, những người kiếm được nhiều tiền cũng bắt đầu giao du với những người trong cùng vòng tròn xã hội và tính cạnh tranh về trải nghiệm do đó cũng gia tăng.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/niem-dam-me-chinh-phuc-va-mao-hiem-cua-cac-ty-phu-the-gioi-post23341.html