Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 11)

Kỳ 11: Xứng với Huy hiệu 'Chiến sĩ Điện Biên Phủ'

Theo chân cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hạ Lang, chúng tôi tìm đến xóm Sộc Quân, thị trấn Thanh Nhật gặp gỡ cựu chiến binh Chu Văn Tài - một trong những chiến sĩ người Cao Bằng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; ôngđược trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ”.

Tuổi xuân tươi đẹp trong quân ngũ

Tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng gọn gàng, ấm cúng, người nhà cho biết ông Tài đang đạp xe đi dạo quanh xóm. Một lúc sau, ông trở về nhà, điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi cụ ông sinh năm 1929, năm nay 95 tuổi nhưng rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Khi được hỏi về những kỷ niệm khi đi quân ngũ và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nhanh chóng tìm và cho chúng tôi xem “kho báu” chiến tích, những huân, huy chương kháng chiến mà ông còn lưu giữ được.

Ông Tài nâng niu, giữ gìn giấy chứng nhận và huân chương chiến công cẩn thận.

Ông Tài kể lại, tháng 2/1949, khi vừa tròn 20 tuổi, với mong muốn được đánh giặc Pháp bảo vệ quê hương, ông và những người anh em trong xóm cùng nhau lên đường nhập ngũ, rồi chuyển đi Hòa An nhập vào Đại đội 398 thuộc Tiểu đoàn chủ lực tỉnh Cao Bằng (không có trung đoàn, không có đại đoàn). Đơn vị chỉ hoạt động ở mỗi địa điểm vài ngày để phòng biệt kích, mật thám theo dõi và đề phòng máy bay oanh tạc. Năm 1950, Pháp rút từ thị xã Cao Bằng về Đông Khê, đơn vị ông đang đóng ở Nậm Loát, Bỏ Mu, vận động đến sân bay Nà Cạn truy kích địch. Lúc này, Đông Khê cũng vừa giải phóng, bắt được tù binh; cấp trên giao cho đơn vị nhận 300 tù binh, trong đó, có tướng Lơ-pa-giơ và Sác-tông, là tổng chỉ huy quân đội Pháp ở tỉnh. Đơn vị giải tù binh từ Đông Khê về Quảng Hòa, sau đó, được lệnh cấp trên chuyển tù binh đi Bắc Kạn để trao trả cho Pháp. Luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, ông Tài được kết nạp Đảng vào ngày 3/4/1950, chính thức ngày 17/12/1950.

Tháng 2/1952, ông được bổ sung vào bộ đội chính quy, đơn vị C395, D89, E36, F308, hành quân lên Tây Bắc. Đơn vị đánh vào đồn Cửa Nhì, sau 30 phút nổ súng, 4 lô cốt của địch đã bị phá; quân đội ta bắc thang vượt dây thép gai, hô xung phong, địch lần lượt giơ tay hàng.

Đầu năm 1953, tướng Xalăng - Tổng Chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp ở Bắc Bộ Việt Nam; đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện, xây dựng những công sự, điểm tựa kiên cố, biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm theo kiểu “Nà Sản” trên đất Lào. Tháng 1/1953, đơn vị ông hành quân sang Lào để đánh Sầm Nưa.

Lúc này, quân địch thua đau ở Tây Bắc, chúng nhảy dù xuống Phú Thọ để đỡ đòn nhằm nhử quân ta về để chúng có điều kiện củng cố. Cấp trên nhận định tình hình, chỉ điều Trung đoàn 36 đang ở Lào về nước để tiêu diệt địch, trong đó có ông. Đơn vị hành quân cấp tốc cả ngày lẫn đêm về nước, kết thúc trận đánh, đơn vị nghỉ ngơi và tiếp tục hành quân sang Lào lần hai để giải phóng dọc sông Nậm U. Tháng 4/1954, đơn vị ông được lệnh quay về Việt Nam để chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ.

Ông Tài kể lại, thời chiến tranh vô cùng vất vả, trên vai người lính lúc nào cũng mang theo hành lý gồm quân tư trang, quần áo, gạo, súng, đạn... liên tục di chuyển bất kể mưa nắng, đêm muộn để đảm bảo bí mật. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ, đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng hay cơm độn sắn, nhiều bữa không có gì ăn chỉ có chút rau rừng làm canh nhưng ai cũng tinh thần phơi phới “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Điện Biên Phủ - ký ức không quên

Nhắc đến Điện Biên Phủ, đôi mắt dần mờ đục của ông Tài lại như ánh lên từng tia sáng lấp lánh, khóe miệng đầy dấu vết thời gian tự nhoẻn cười. Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên sôi nổi hơn khi ông vẫn nhớ như in khi đó, để chuẩn bị cho chiến dịch, cấp trên liên hệ với dân chở rơm rạ về cho bộ đội, mỗi người lính tự đan rơm rạ thành sợi dây to bằng cổ tay rồi cuộn tròn buộc chặt lấy giây buộc làm quai để đeo như ba lô, tránh sát thương bom đạn của địch. Cùng với sự tiếp sức của đồng bào, ông và những đồng đội hừng hực khí thế, quyết tâm phải đánh thắng quân địch, giải phóng Điện Biên Phủ. “Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi giữ chức vụ A phó, nhưng khi quân ta chuẩn bị đánh cứ điểm tôi bị sốt nặng, chân tay co quắp, đồng đội phải cõng tôi ra phía sau, rồi lên đội Thu dung để điều trị”. Kể đến đây, nụ cười của người lính già chợt tắt, đôi mắt nhìn về xa xăm, những hình ảnh năm đó hiện lên ngày một rõ nét và đầy tiếc nuối khi không thể cùng đồng đội kề vai sát cánh trong giờ phút lịch sử ấy. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vang dội, ông và đồng đội ôm nhau hò reo, niềm vui lúc đó không gì diễn tả được.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị ông hành quân về Bắc Giang, lên Phả Lại để đánh đồn Chí Tắc. Tháng 5/1954, Pháp chuẩn bị rút, đơn vị ông được lệnh chuyển về Hà Nội tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò, canh gác phạm nhân của Pháp để lại. Ngày 10/10/1954, ông vinh dự được tham gia diễu hành, duyệt binh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thủ đô Hà Nội.

Cho chúng tôi xem những tấm huân, huy chương được nâng niu, gìn giữ cẩn thận, ông không giấu được niềm tự hào: “Do có nhiều công tham gia đánh đồn Cửa Nhì (Tây Bắc); truy kích địch ở Sầm Nưa; giao tranh ở Nậm Ngà; giải phóng dọc sông Nậm U (Lào); phục kích đánh trận địch rút ở Đường số 2 - Phú Thọ và phục đánh đồn Chi Tắc... góp phần cô lập và tiến tới chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu - chấn động địa cầu”, tôi được cấp Giấy chứng nhận và trao tặng “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên phủ”; được tặng thưởng Kỷ niệm Kháng chiến (1954), Huân chương Chiến thắng hạng 3 (1958) và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1987).

Bình dị giữa đời thường

Tháng 7/1956, ông Tài phục viên trở về địa phương. Tháng 4/1957, ông nhận quyết định lên UBND huyện Hạ Lang làm nhiệm vụ tính thuế nông nghiệp. Từ năm 1958 - 1966, ông được luân chuyển nhiều công việc khác nhau; được cử đi học lớp Trung cấp lương thực tại Gia Lâm (Hà Nội)… Tháng 12/1978, có quyết định tái lập ngành lương thực, ông làm Trạm trưởng Trạm trung chuyển, nhận gạo, mỳ từ Trung ương do các nước viện trợ (tại ga Lưu Xá, tỉnh Thái Nguyên). Năm 1982, ông có quyết định làm Phó Phòng Kế hoạch, Sở Lương thực Cao Bằng. Đến ngày 1/1/1983, ông nghỉ hưu, về địa phương.

Mặc dù đã 95 tuổi, ông Tài vẫn tích cực sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Chu Văn Tài luôn gương mẫu trong cuộc sống, năng nổ, nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương... được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quý mến. Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Nhật Bế Đức Thiện cho biết: Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm, sức khỏe gần đây có phần giảm sút nhưng ông Tài luôn nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua tại địa phương. Bên cạnh đó, ông cùng gia đình tích cực sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu trưởng thành; gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa... Ông là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Kỳ 7: Gặp người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỳ 8: Hồi ức người lính Điện Biên

Kỳ 9: Người chiến sĩ áo blouse trắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỳ 10: Gặp người lính pháo thủ trên chiến trường Điện Biên năm xưa

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-11-3168731.html