NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC NGUYỄN VĂN THỎA: Những việc tôi đã làm là sự trả ơn, đền đáp với đồng chí, đồng bào

BPO - Trước khi tách tỉnh, ông Nguyễn Văn Thỏa là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé. Khi tách tỉnh, ông được lãnh đạo tỉnh phân công lên công tác ở tỉnh mới Bình Phước, giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách khối văn hóa xã hội. Với ông về Bình Phước là trở về, trở về nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Bà Rá, Phước Long, những kỷ niệm của gia đình, nơi bố mẹ ông đã từng làm phu cạo mủ, cả cuộc đời lam lũ và cuối cùng về đây yên nghỉ…

Từ những điều thiêng liêng đó, khi trở về Bình Phước ông có cơ hội được đáp đền bằng những việc làm cụ thể. Mười năm trên cương vị công tác của mình, bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm bản thân, ông Nguyễn Văn Thỏa đã rất tận tâm với công việc, với khát vọng cống hiến và đáp đền đồng chí, đồng bào.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã có cuộc trò chuyện cùng ông về những ngày tháng công tác ở Bình Phước.

DẤU ẤN CÔNG TÁC VĂN HÓA, XÃ HỘI

Từ ngày 1-1- 1997 đến khi nghỉ hưu, trên lĩnh vực công tác mà ông phụ trách, những lĩnh vực nào và những công trình nào ở Bình Phước làm ông nhớ nhất?

Đối với tôi, tuy được cấp trên phân công, bố trí về công tác tại tỉnh Bình Phước theo yêu cầu nhiệm vụ, nhưng lại rất phù hợp với nguyện vọng của tôi. Bởi vì mảnh đất Bình Phước đã từng là tuổi thơ của tôi, là chiến trường tôi đã có 10 năm trong đoàn quân giải phóng đánh giặc cứu nước, nơi mà tôi và biết bao bạn bè, đồng đội đã nhiều lần vào sinh ra tử…

Được trở về Bình Phước ở cương vị công tác mới nhiều khó khăn và thử thách, tôi vừa làm vừa học với tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhưng đảm bảo nguyên tắc tổ chức và ý thức pháp luật. Khi bắt tay vào bất cứ công việc gì, tôi cũng hăng hái, quyết tâm, không so bì, kèn cựa, không suy nghĩ tính toán thiệt hơn, không bè cánh, vụ lợi.

Những lĩnh vực công tác của khối văn hóa xã hội là rất rộng lớn, Bình Phước lại là một tỉnh mới tái lập, nhiều những khó khăn, thách thức, nhưng kiểm điểm lại sau hơn hai nhiệm kỳ công tác của mình, tôi thấy có cả ưu điểm và khuyết điểm, có cả những mặt mạnh, mặt yếu của mình nhưng nhìn nhận một cách khách quan, tổng thể thì mặt mạnh, ưu điểm chiếm ưu thế.

Tôi rất tự hào về điều đó và tôi luôn biết rằng những kết quả đạt được đều có sự chung tay góp sức của tập thể, mà tôi vinh dự được giao trọng trách là người chịu trách nhiệm chính, là người tham mưu, đề xuất những công việc, những công trình để lại đến nay có giá trị mà bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào ghi nhận.

Tôi xin kể về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Khi mới tách tỉnh, Bình Phước có tỉ lệ mù chữ, thất học rất cao, mà muốn đi lên phát triển được thì phải là nguồn nhân lực, dân trí, nhân tài… Tỉnh đã tập trung xóa mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học, xây trường chuyên, trường dân tộc nội trú. Đào tạo nguồn nhân lực nhân tài cho địa phương chính là lo cho giáo dục, bình đẳng giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trường chuyên Quang Trung là kết quả của việc học tập nhiều nơi để ra được mô hình trường. Những nơi nào người ta làm trước mình, người ta làm thành công thì mình học để về mình làm. Tôi vui mừng khi Trường chuyên Quang Trung đã hết sức phát triển, nay Bình Phước là điểm sáng của giáo dục. Trường chuyên của tỉnh có nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp quốc tế… đến nay đã có 2 trường chuyên. Đặc biệt, các em không chỉ học giỏi mà còn được rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỷ luật tốt. Đó là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh: “Được về công tác ở Bình Phước cũng là nguyện vọng của tôi”. Ảnh: Tiến Dũng

Tôi nhớ về thời kỳ xây dựng công trình Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Nghĩa trang được quy hoạch 7.000 mộ, có vị trí đặt ở trên đồi cao rất đẹp. Tỉnh đã tranh thủ nguồn đầu tư từ Trung ương lúc bấy giờ. Sau khi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì Bộ đồng ý bố trí kinh phí cho mình làm nghĩa trang tập trung ở đó. Một nghĩa trang đẹp, trang nghiêm. Đây là một trong những công trình tôi cảm thấy rất ưng ý.

Công trình thứ hai là Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài. Trong Chiến thắng Đồng Xoài thì tôi chỉ là chiến sĩ thôi, tân binh thôi nhưng mình được tham gia chiến dịch lớn. Rồi hình ảnh những chiến sĩ quân giải phóng lúc bấy giờ khắc họa trong đầu của tôi. Khi làm Tượng đài Chiến thắng Đồng Xoài thì tôi đã nhớ lại những chiến sĩ quân giải phóng đó ăn mặc như thế nào, vũ khí trang bị như thế nào và đặc biệt là tư thế của người chiến sĩ, để khắc họa lại hình tượng chiến sĩ trong cả một trận đánh, chiến dịch, hình tượng lớn lao vĩ đại của đội quân chiến thắng, đội quân anh hùng…

Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn tâm niệm khối mình phụ trách mà mình làm được một cách say sưa, làm được cái gì càng nhiều càng tốt, không nề hà gì. Tôi coi đó là trách nhiệm, bổn phận mình phải làm như vậy.

Kết quả đó thực ra là tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước, còn tôi chỉ có một phần nhỏ trong đó, mình góp sức vô trong đó thôi.

Không có một tập thể đồng tâm, hiệp lực, quyết đoán thì mình cũng không làm được.

Khi đã làm vai trò người tham mưu, người đề xuất thì mình phải suy nghĩ cho thật chín chắn, nêu ra vấn đề gì, đề xuất chuyện gì phải có lý có tình để đồng chí, đồng bào đồng hành, ủng hộ, đó là thành công của người cán bộ bất kỳ ở cấp nào.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thỏa (thứ 2 từ trái sang) và lãnh đạo tỉnh, Công ty cao su Lộc Ninh tại lễ khởi công xây dựng Trường PTTH Nguyễn Tất Thành ở huyện Lộc Ninh ngày 19-5-1997. Ảnh tư liệu

VĂN HÓA - XÃ HỘI ĐƯỢC XEM TRỌNG, GIAO THÔNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ

Thưa ông, để phát triển kinh tế lúc bấy giờ thì lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chọn hướng đi như thế nào?

Thời điểm đó hết sức khó khăn, để phát triển Bình Phước mình phải chọn lựa. Tất nhiên tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ cũng phải cân đối hài hòa. Muốn phát triển được kinh tế, thì không thể xem nhẹ văn hóa - xã hội, văn hóa - xã hội tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Nhưng phải biết chọn lựa cái gì trước cái gì sau, cái gì có tính đột phá để làm.

Chúng tôi đã chọn đầu tư phát triển hạ tầng (đường, điện, nước) làm tiền đề cho kinh tế phát triển và trước hết là phục vụ cho dân sinh.

Muốn làm đường nhưng tỉnh lúc đó không có điều kiện vì lúc bấy giờ thu ngân sách rất thấp. Vì vậy phải xin Trung ương. Tôi đã đi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Sinh Hùng (Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ). Tôi đã trình bày, báo cáo và nhận được sự đồng ý của Bộ Tài chính, nhưng vẫn phải vận động sự đóng góp của doanh nghiệp vì kinh phí làm đường rất cao. Mỗi con đường phải có kinh phí từ 700 đến 1.000 tỷ đồng mới thực hiện được. Và khi có chủ trương, chính sách, có sự đồng hành của doanh nghiệp, chuyện còn lại thuộc về nhân dân, nhân dân phải đồng thuận, giải phóng mặt bằng nhanh mới làm đường được.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh: “Chúng tôi đã chọn đầu tư phát triển hạ tầng làm tiền đề cho kinh tế phát triển và phục vụ cho dân sinh”. Ảnh: Tiến Dũng

Sau khi nhận được tất cả sự đồng thuận thì chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã hoàn thành. Nếu như trước đây từ Đồng Xoài lên Bù Đăng phải mất nửa ngày… thì sau khi làm đường chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. Như vậy, hạ tầng tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, thông thương, kết nối buôn bán dễ dàng. Đây cũng là một cú hích, là tiền đề mời gọi đầu tư, mang đến lợi ích cho người dân.

Song song với đó, giải quyết dịch bệnh cho nhân dân là vấn đề lãnh đạo tỉnh hết sức chú trọng, vì lúc bấy giờ Bình Phước đang là điểm nóng của cả nước về sốt rét ác tính. Tỉnh đã tập trung cho giáo dục và y tế, rồi các vấn đề an sinh.

Điều gì khác làm ông ấn tượng ngoài hạ tầng giao thông?

Đó là lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp là giá đỡ cho nền kinh tế. Trước đây thì sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước manh mún, nhưng sau đó lãnh đạo tỉnh đã quan tâm nhiều hơn mảng nông nghiệp. Phát triển cây cao su, cây điều đã mang lại cuộc sống đổi mới từng ngày cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cây điều hiện nay không chỉ được sản xuất, tiêu thụ trong nước mà còn là một nông sản có giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh. Rất nhiều người dân giàu có, đi lên từ cây điều. Tôi cho là cây điều đã rất có công với nhân dân Bình Phước.

Định canh định cư, xóa đói giảm nghèo là hai mảng thành tích rất lớn của tỉnh Bình Phước. Định canh định cư cũng là một cuộc vận động lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thay đổi từ tập quán du canh du cư, phá rừng làm rẫy, nay đây mai đó, định canh định cư là cả một quá trình vận động thuyết phục.

Trong chiến tranh là nhiều anh em từ mọi miền về đây chiến đấu hi sinh trên mảnh đất này. Tôi đã từng chiến đấu chung với các anh là người Mông, M’Nông, S'tiêng…cùng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này. Lúc hòa bình rồi họ về đây, họ cũng đóng góp công sức, xương máu để khai phá vùng đất này thì tình nghĩa đồng bào mình cưu mang giúp đỡ lẫn nhau.

Tôi biết đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía Bắc phải đem từng thau đất bỏ vào hốc đá để trồng bắp. Không có gì để ăn, không có gì để sống thì người ta mới đi tìm kế sinh nhai, đi vô Bình Phước, chứ ai mà rời bỏ quê cha đất tổ ra đi.

Mà họ là đồng bào mình, nên quan điểm của tôi là tạo điều kiện cho họ, nhưng phải quyết giữ rừng, gìn giữ an ninh trật tự, giải quyết định canh định cư nhân văn và đúng pháp luật, tạo điều kiện cho nhân dân mọi miền đất nước về đây sinh cơ lập nghiệp, hướng dẫn sản xuất, cùng góp sức xây dựng Bình Phước.

Trước đây tỉ lệ đói nghèo, đặc biệt là trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, nhưng đến nay Bình Phước là một trong những tỉnh rất thành công về công tác xóa đói giảm nghèo.

CÓ ĐOÀN KẾT MỚI CÓ PHÁT TRIỂN

Thưa ông, bài học kinh nghiệm lớn nhất cho sự phát triển của Bình Phước là gì?

Bài học lớn nhất tôi cho rằng đó là sự đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, khát vọng lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước cùng mong muốn xây dựng Bình Phước giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Thứ hai: Phải nhìn thấy, phải tìm ra, phải phát huy mọi nguồn lực nội tại (Trí tuệ và sức lực của con người, đất đai, tài nguyên…), khát vọng xóa đói giảm nghèo, nỗ lực vươn lên. Trong chỉ đạo điều hành, bài học là phải toàn diện, người lãnh đạo phải sâu sát, lựa chọn bước đi, chọn trọng tâm, trọng điểm, biết việc gì phải làm trước việc gì phải làm sau.

Thứ ba: Phải tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương, tranh thủ sự giúp đỡ của các tỉnh thành bạn, cộng đồng quốc tế, đặc biệt cần phải giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó với người anh em song sinh Bình Dương.

Thứ tư: Phải tranh thủ những nhân tố tất yếu cho sự phát triển đó là tầm cao dân trí và nhân tài. Đặc biệt quan tâm cho sự phát triển nhanh và bền vững của giáo dục và đào tạo, phải tích cực, thường xuyên tuyển chọn, thu hút hiền tài về phục vụ, cống hiến cho sự phát triển của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh đọc lại những dòng hồi ký về một thời công tác ở Bình Phước. Ảnh: Tiến Dũng

BIẾT ƠN VÀ KỲ VỌNG RẤT LỚN

Sự kỳ vọng của ông vào tương lai phát triển của Bình Phước?

Tôi vui mừng trước sự phát triển của Bình Phước hôm nay, luôn dõi theo và tin tưởng Bình Phước sẽ cất cánh đi lên cùng bạn bè anh em trong khu vực.

Đặc biệt thế hệ hôm nay phải biết nhờ đâu mà có ngày hôm nay, đó là cả một sự lao động vất vả, sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ đã từng tham gia chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất trên quê hương Bình Phước. Tôi tin chắc là các bạn có đầy đủ trình độ, năng lực, tâm huyết để làm tốt hơn thế hệ chúng tôi.

Tôi luôn biết ơn đồng đội, đồng chí, đồng bào trong thời kỳ chiến tranh cũng như thời kỳ hòa bình đã giúp đỡ tôi hoàn thành trọng trách được giao. Cho đến giờ phút này tôi rất vui vẻ và tự hào với những gì tôi đã góp công, góp sức cho quê hương Bình Phước anh hùng.

Minh Nhâm - Thanh Thùy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129480/nguyen-pho-chu-tich-ubnd-tinh-binh-phuoc-nguyen-van-thoa-nhung-viec-toi-da-lam-la-su-tra-on-den-dap